Họ cũng khoác áo blouse. Nhưng dường như vẫn có phân biệt hai “màu trắng” trong ngành y: “Cái bọn y tá nó biết gì, học dăm ba tháng là có thể tiêm chích, sai bảo”.
Sự hy sinh lặng thầm, áp lực không nói nên lời ở họ, chìm khuất trong những cơn đau và niềm vui tái sinh của người bệnh, bởi dấn thân chọn nghề thầy thuốc đồng nghĩa với chấp nhận thiệt thòi cá nhân, để đổi lại tiếng cười của đồng loại.
Sự tận tụy với nghề, chăm lo người bệnh hết mình ở họ đã được nâng lên thành nghệ thuật, để cảm hóa, lan tỏa tình thương ở mỗi người, như ông tổ nghề y Hippocrate đã nói: “Bất cứ nơi nào nghệ thuật của y học là tình yêu thương, thì đó cũng là tình yêu thương của nhân loại”.
Vào lúc các gương mặt tiêu biểu đang gặp gỡ chính khách, lãnh đạo đang thăm viếng thầy thuốc lão thành, các đêm nhạc blouse trắng hoành tráng… trong chuỗi sự kiện vinh danh ngành y dịp 27/2, đâu đó ở góc phòng hồi sức cấp cứu, tại khoa thận nhân tạo hay phòng mổ, các nữ điều dưỡng vẫn âm thầm, tất bật làm việc.
Chúng tôi chọn tua trực cuối tuần rồi, thời điểm mà không khí của ngày Thầy thuốc Việt Nam cận kề, để gặp gỡ những con người rất sợ ai đó ví mình là “thiên thần áo trắng”. Vì chưng, có cái gì đáng sợ hơn cái sấp ngửa hai mặt của miệng đời? Họ chỉ muốn làm hết trách nhiệm để có đồng lương xứng đáng nuôi sống bản thân, gia đình và để có thể tiếp tục với nghề, họ tự tìm thấy những hạnh phúc nhỏ, dù rằng nó luôn trôi qua rất nhanh.
Bác sĩ nghe bệnh tật, điều dưỡng nghe sự đời
“Hạnh phúc nhiều lúc không hẳn đến từ một ca bệnh được cứu sống đâu anh” - Trần Thị Xuân Giao mím môi, đưa tay chỉnh lại nhịp ống dịch truyền cho một cụ già suy thận. Điều dưỡng trưởng khoa lọc máu thận nhân tạo Bệnh viện Q.Thủ Đức (TP.HCM) nói tiếp: “Muốn nghe chuyện happy ending thì khoa em không có bệnh nhân nào kết thúc tốt đẹp cả. Sau một thời gian chạy thận, họ sẽ ra đi”.
Nhưng niềm vui ở lại với các nữ điều dưỡng tại đây quả không ngờ. Giao kể, có một phụ nữ chăm sóc chồng nhiều năm tại khoa. Sau khi chồng mất được một tuần, bà chạy vô khoa khóc òa cảm ơn các điều dưỡng đã luôn bên cạnh hai vợ chồng bà suốt thời gian điều trị. Lúc còn chăm chồng, nghĩ đến khung cảnh cái khoa bệnh của Giao là bà ngán ngẩm, chả muốn sống.
Nhưng khi chồng không còn, bà lại thấy nơi mà các điều dưỡng vẫn đang tiếp tục chăm sóc cho các bệnh nhân khác trở nên quá thân thương. “Mỗi lần có dịp vào bệnh viện, bà đều ghé vào khoa em, đến đúng chiếc giường chồng thường nằm chạy thận, rồi thăm hỏi chị em trong khoa như người thân” - Giao nói.
Do phải chịu đựng bệnh tật kéo dài, suy kiệt về thể chất lẫn kinh tế, nên thường cả bệnh nhân và thân nhân rất dễ cáu bẳn với nhân viên trong khoa. Theo Giao, ai mới vào cũng khó chịu, quát nạt và không tin các điều dưỡng. Cô kể về trường hợp một bệnh nhân đã mất cách đây nhiều năm. Khi mới gặp Giao, anh này không hợp tác, chỉ đòi nói chuyện với bác sĩ. Sau lần cô cùng các chị em trong khoa góp tiền cho anh đăng ký suất ăn dinh dưỡng của bệnh viện, anh bắt đầu cởi mở hơn.
Dần dà, anh tâm sự hết về bản thân bệnh tật, làm thuê, không có tiền, bị vợ bỏ… cho nữ điều dưỡng nghe. Đến khi bệnh tình ở giai đoạn cuối, suy thận kèm suy đa cơ quan, anh luôn nắm lấy tay Giao hoảng hốt: “Chị Giao ơi, cứu em”. Giao bồi hồi nhớ lại: “Em nghe mấy chị bên hồi sức cấp cứu nói, khi đã được chuyển qua bên đó mà anh ấy vẫn gọi tên em cho đến khi mất”.
Chị Nguyễn Huỳnh Kim Phượng - người có lẽ nghe nhiều tâm sự của bệnh nhân nhất khoa U gan Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - không muốn đề cập nhiều đến giải thưởng điều dưỡng giỏi của mình chút nào. Chị nặng lòng với những ánh mắt hay nụ cười “chào thua số phận” của người bệnh. Chị cho biết, cách đây hơn một năm, có cô gái còn rất trẻ bị vỡ u gan, vào chữa trị tại khoa.
“Nói chuyện với em ấy mới hiểu được hoàn cảnh: nhà ở Châu Đốc, làm ở Bến Lức, Long An; gia đình tan vỡ, hai đứa con sống với em ấy. Chúng tôi trở nên thân thiết; khi nhập viện thì em nhất định tìm tôi tâm sự, khi được về nhà thì nhắn tin, điện thoại hỏi thăm” - chị Phượng kể.
Đáng tiếc, sau nhiều lần mổ, hóa trị, áp dụng kỹ thuật TACE… nhưng gan của bệnh nhân vẫn không tiến triển tốt. “Khi bác sĩ tuyên bố không còn biện pháp chữa trị nữa, em mỉm cười chào từ biệt tôi để về quê. Mấy tháng rồi, tôi không còn thấy tin nhắn của em nữa. Bình thường thấy bệnh nhân khỏe, ra viện là tụi tôi hạnh phúc lắm. Nhưng sao với trường hợp này, tôi cứ mong em nó trở lại đây ghê gớm” - mắt cô điều dưỡng hoe đỏ.
|
Nữ điều dưỡng Trần Thị Xuân Giao và đồng nghiệp trong một ca trực |
Ức quá thì… khóc tại chỗ luôn chứ làm sao?
Quay trở lại đo huyết áp cho bệnh nhân phòng hồi sức khoa U gan, chị Phượng cho biết, chiều người bệnh cỡ nào cũng được nhưng “đuối” nhất là thân nhân: nhiều người hễ vào là xưng các “mối quan hệ” ra để… cảnh báo nhân viên y tế.
“Điều dưỡng là khổ nhất anh ơi. Chậm một chút, hay đang bận dở tay cho ca này, chưa kịp trả lời là họ nổi giận xưng mày tao, thậm chí chửi thề. Mới hôm qua, có người xưng là nhà gì đó ưu tú, chưa tới giờ thăm bệnh, chúng tôi không cho lên mà đã chửi bới đòi gọi vào đường dây nóng” - chị thở dài.
Tiếp chúng tôi mà điện thoại của Nguyễn Thị Kim Ngân - điều dưỡng khoa Nội tổng quát Bệnh viện Q.Thủ Đức, TP.HCM - reo liên tục. Cô nói nhà báo thông cảm, đi trực ngày cuối tuần, giao hai con cho chồng ở nhà và “ổng liên tục gọi hỏi cái này cái kia làm sao, ở đâu”. Ngân cho biết, đã làm nghề được tám năm. Ngoài trách nhiệm làm theo y lệnh của bác sĩ như tiêm chích, truyền dịch, đo huyết áp, cho bệnh nhân uống thuốc, làm hồ sơ bệnh án… lúc cần, điều dưỡng cũng phải làm luôn công việc của hộ lý như thay tã, dọn vệ sinh, rất cực.
Nhưng sợ nhất với cô là phải nếm mùi… định kiến. “Đúng là cũng có những con sâu làm rầu nồi canh, nên cứ mới tiếp xúc là người ta nghĩ tụi em khó khăn, hắc ám lắm” - Ngân cười buồn. Thật ra, theo Ngân, với áp lực của phương tiện truyền thông như báo chí, hotline của ngành… nhân viên y tế - nhất là điều dưỡng - ngày càng ý thức hơn về sự nhẫn nhịn, kiềm chế trước mọi cảnh huống của cái nghiệp “làm dâu trăm họ”.
“Bệnh nhân đúng hay sai gì cũng phải nhịn hết anh ạ, vì càng phản ứng, mình càng thiệt thòi. Lúc mới vào nghề, em đã khóc tại chỗ khi có người nhà mất tài sản đã nghĩ ngay là mình lấy. Lâu dần, nén được thì vào phòng khóc hoặc về nhà rúc vào chồng khóc cho đã mỗi khi bị mắng ở bệnh viện” - cô lại cười.
Rồi cũng có lúc, những nhân viên như Ngân có được những người bạn mà không thể tìm ở đâu được: những bệnh nhân rất thân, theo lời cô. Có người biết nhà, tìm đến tận nơi để kể cho mẹ Ngân nghe những vất vả của nghề điều dưỡng. “Buồn bực quá, cũng có khi đã nghĩ đến việc bỏ nghề, nhưng có những tình cảm thật khó lý giải. Như có đồng nghiệp lâu năm của em từng đi dự đám tang của chính bệnh nhân mà mình chăm sóc và chứng kiến nước mắt của gia đình họ mà thấy mình như người thân” - Ngân chia sẻ.
Trắng đêm khi dịch về
Nghĩ lại những mùa “sống mái” chống dịch, chị Bùi Thị Thanh Lan, điều dưỡng khoa Nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 không khỏi bị ám ảnh về nơi vốn dĩ đã nổi tiếng “quá tải thường trực” của TP.HCM. Mỗi lần có dịch cúm hay tay - chân - miệng là hầu như cả khoa thức trắng đêm. Phòng cấp cứu khoa có 11 giường bệnh thì lúc nào cũng có gần 40 bệnh nhi trong tình trạng bệnh nặng.
“Có đêm, chúng tôi phải truyền đến 50 chai Gamma Globulin thì anh tưởng tượng khủng khiếp như thế nào” - chị Lan nói. Theo chị, khi dịch về, các ca trở nặng rất nhanh, nên với các điều dưỡng có hàng chục năm công tác như chị, thỉnh thoảng bác sĩ cũng phải nhờ đến cảm quan của “người làm mẹ” như chị để biết ca trở nặng. “Làm lâu, mình sẽ chú ý đến từng phản ứng trên nét mặt, ánh mắt, cử chỉ, thái độ của những bà mẹ đang chăm sóc con đau bệnh trong khoa. Thấy họ chạy lên báo với biểu hiện lạ là chúng tôi nhận ra và có hành động kịp thời” - chị Lan chia sẻ kinh nghiệm.
Trong những lần kề cận bên bệnh nhi, từ lúc em còn thều thào “cô ơi, hút đàm cho con đi” cho đến khi bé cứ lịm dần rồi mất, chị Lan cũng luôn dùng tình cảm của “người làm mẹ” mà thầm nguyện cầu một chuyến đi thanh thản cho em bé.
Nói về các đồng nghiệp áo trắng của mình, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho rằng, điều dưỡng cực, thu nhập không cao; điều dưỡng khoa nhi càng cực hơn vì công việc khó khăn hơn, đồng thời còn dễ phơi nhiễm trong lúc chăm sóc bệnh nhi. Đa số điều dưỡng đều có con nhỏ nên họ phải hiểu thêm về phòng bệnh để bảo vệ bản thân và con cái. Lúc bệnh dịch, đông và quá tải, không ai trong số họ được trở về nhà như giờ giấc thường lệ.
Với tôi, cũng khoác áo blouse nhưng dường như màu trắng áo điều dưỡng, do quan niệm hoặc sự thiếu quan tâm, vẫn chỉ trắng hơn màu… drap giường, dù không ít trong số họ là cử nhân bốn năm miệt mài ở đại học. Nhưng có lẽ, vinh quang nào hơn khi chính họ nhận ra “hạnh phúc đôi khi không hẳn đến từ bệnh nhân được cứu sống” và “niềm vui giản dị là có thêm ai đó hiểu được nỗi buồn”. Cuộc sống vốn công bằng. “Vai” ai càng nhỏ bé thì ráng tìm tâm lượng thật mênh mông để cứ thế mà cất bước…
Quốc Ngọc