“Đông tay mới vỗ nên kêu…”

17/04/2014 - 10:27

PNO - PN - Là một trong những người có tâm huyết, gắn bó với sách, tiến sĩ (TS) Quách Thu Nguyệt (ảnh) từng là Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) Trẻ từ 2003-2009. Trao đổi với Báo Phụ Nữ về niềm vui khi nước ta chính thức...

* Nhiều người tỏ ra nghi ngờ về sự xuống dốc của chất lượng sách hiện nay (cụ thể là các đoản văn của các blogger gom lại in thành sách, loại ngôn tình, sách triết lý vụn vặt, dễ dãi), bà nghĩ gì về điều này?

- Những người trẻ vốn luôn có nhu cầu và khao khát được bày tỏ những cảm xúc, rung động, những nỗi buồn bất chợt, những câu chuyện tình yêu lãng mạn, những va chạm trong các quan hệ xã hội… Các trang mạng xã hội là phương tiện để họ trải lòng, chia sẻ, đồng cảm… Do vậy, những đoản văn, ghi chép vụn vặt được tập hợp và in thành sách hay sách ngôn tình là những sản phẩm văn hóa đáp ứng được nhu cầu giới trẻ. Thị trường sách có quá nhiều ấn phẩm dạng này, theo tôi là do “có cung tất có cầu”, cũng là lẽ bình thường. Vấn đề là liệu những dòng sách mà chúng ta tạm gọi là “chính đạo” có đáp ứng được nhu cầu của số đông người đọc trẻ hay không? Bài toán “định hướng nhu cầu” và “thỏa mãn nhu cầu” luôn là thách thức đối với người làm văn hóa lâu nay và là một câu chuyện dài!

“Dong tay moi vo nen keu…”

* Có phải do lợi nhuận nên đã có không ít NXB hào hứng ấn hành loại sách mà có nhà nghiên cứu văn học gọi là “sách mì ăn liền”, việc này ảnh hưởng gì đến văn hóa đọc của giới trẻ?

- Như tôi đã nói ở trên, trách nhiệm “định hướng nhu cầu đọc” của giới trẻ thuộc về các nhà quản lý và các NXB. Mà như anh biết, thực trạng ngành xuất bản chúng ta hiện nay là phần lớn các NXB năng lực “tự xuất bản” rất hạn chế, gần như kế hoạch xuất bản đều phải liên kết với tư nhân. Với công ty sách tư nhân thì lợi nhuận là trên hết; đó là điều tất nhiên, nên thị trường cần gì thì họ đáp ứng thôi. Câu chuyện dài mà tôi nói ở trên chính là nguy cơ mất kiểm soát định hướng của ngành, khi mà đội quân chủ lực với 63 NXB, trong đó phân nửa đều “suy dinh dưỡng”, thậm chí “đang giẫy chết”. Văn hóa đọc sẽ “lâm nguy” khi vai trò chủ đạo của các NXB không thể hiện rõ.

* Để ngày Sách Việt Nam trở nên thiết thực với mọi người, theo bà, những người làm công tác xuất bản nên làm thế nào?

- Hiện ngành xuất bản không chỉ có một mà là ba ngày hội của mình: ngày Truyền thống của ngành 10/10; ngày Sách Việt Nam 21/4; ngày Đọc sách thế giới 23/4. Đây chính là điều kiện để những người trong ngành nuôi dưỡng tình yêu của mình đối với nghề; đồng thời là dịp toàn xã hội cùng nhắc nhở trách nhiệm chung tay vun bồi cho văn hóa đọc. Để tránh các hoạt động mang tính phong trào theo kiểu “đến hẹn lại lên”, cần có một chiến lược quốc gia trong việc phát triển văn hóa đọc. Chiến lược này phải được truyền thông công khai đến toàn xã hội để không chỉ xem đây là công việc của nhà nước, của chính quyền mà các tổ chức xã hội dân sự, các cá nhân quan tâm đến dân trí cùng góp sức vào với nhiều ý tưởng và hình thức hoạt động có chiều sâu. Chỉ “đông tay mới vỗ nên kêu”.

 LÊ VĂN NGHỆ (thực hiện)

Từ khóa Quách Thu Nguyệt
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI