“Diễn” với con

29/03/2013 - 17:13

PNO - PN - Một số người thường “diễn” với con trẻ, mà đã làm là phát huy hiệu quả tức thì. Đằng sau những “chiêu” ấy, mấy ai nghĩ đến hậu quả dài lâu?

Kim khóc tu tu, quỳ xuống xin bố mẹ tha lỗi: “Con hứa từ đây về sau không bao giờ dám đòi mẹ mua giày nữa, bố mẹ đừng bắt con đi ở nhà khác”. Bố mẹ Kim nháy mắt với nhau, ra vẻ đắc thắng. Chuyện là cả tuần nay, Kim cứ nằng nặc đòi mẹ mua cho bằng được một đôi giày ba-ta hàng hiệu, vì ở lớp có bạn mới được sắm một đôi, trông rất sành điệu. “Con mới bảy tuổi mà đã đua đòi, dùng đồ hàng hiệu làm gì? Đôi giày ba- ta bình thường chỉ có hơn một trăm ngàn, con biết đôi hàng hiệu ấy đắt lắm không? Gần một triệu bạc đó!”. Dù mẹ đã tuyên bố như vậy, nhưng Kim vẫn nằng nặc đòi mua.

Một buổi chiều, Kim vừa vào nhà đã thấy bố mẹ ngồi chờ sẵn ở phòng khách, nét mặt đầy tâm trạng. Bố bảo mẹ: “Em ạ, anh nghĩ kỹ rồi, vợ chồng mình khó khăn, khó mà nuôi nổi hai đứa con. Thôi thì đành gửi nhờ một đứa cho dì Hai nuôi vậy. Dì Hai ở một mình, kinh tế lại khá”. Mẹ bảo bố: “Em thấy cũng đúng. Thôi thì đành gửi Kim đi vậy. Kim đua đòi như vậy, vợ chồng mình chẳng đủ tiền để đáp ứng được đâu. Hôm nay đòi giày hiệu, mai mốt đòi quần áo hiệu nữa, tiền đâu mà lo”.

Tài “diễn” của bố mẹ Kim rất đạt, khiến cô bé tưởng thật, bật khóc và lập tức quỳ xuống xin lỗi bố mẹ ngay.

“Dien” voi con

Đây không phải lần đầu Kim hoảng hồn vì sợ bỏ rơi. Hồi mới lên ba tuổi, Kim không chịu ăn, lại bướng. Hết năn nỉ đến dọa nạt mà chẳng hiệu quả, mẹ Kim đã tung “chiêu”: “Thôi Kim ạ, với cái đà không chịu ăn uống, không vâng lời bố mẹ thế này, con chỉ có cách vô trại mồ côi cho người ta rèn. Ba- lô đây, con chọn những bộ quần áo mà con thích, chọn cả đồ chơi, bỏ hết vào đây, mẹ chở con đi”. Kim nghe xong, sợ tái mặt. Thế là những lần sau, mỗi lần Kim không ngoan, mẹ Kim lại đưa chuyện bắt Kim vào trại mồ côi để dọa.

Mẹ Kim đưa chuyện này kể cho các đồng nghiệp ở công ty nghe. Có người bảo: “Hay thật, chỉ có cách đó mới trị được con”. Có người còn hùa theo: “Bé nhà mình cũng lì lắm, phải áp dụng cách này, chứ mấy cách khác, “nhẹ đô”, chẳng ăn thua gì”. Có chị còn bảo: “Đúng đúng, vợ chồng mình cũng phải nghĩ cách “diễn” để dọa con, mới dạy con được, trẻ con bây giờ bướng lắm”…

Trong đám đông ủng hộ, có một chị bất ngờ cắc cớ: “Chị làm vậy, không sợ mang tiếng lừa dối con sao? ”. Mẹ Kim xua tay: “Ôi dào, trẻ con ấy mà, chỉ cần làm cho chúng sợ để vâng lời, chúng chẳng để ý gì đâu”.

Nhưng mẹ Kim, và nhiều ông bố, bà mẹ khác thật sai lầm khi nghĩ rằng “trẻ con chóng quên và không để ý gì”. Khoa học đã chứng minh, bộ óc non nớt của trẻ ghi nhớ thông tin lâu hơn người lớn. Ký ức tuổi thơ có thể theo mỗi người suốt cả cuộc đời. Trẻ thường tin lời người lớn, vì chẳng đứa trẻ nào ngờ được rằng, cha mẹ lại có thể “dựng chuyện” để gạt mình. Đến một ngày, đứa trẻ phát hiện việc cha mẹ đã “đóng kịch” để dọa mình, niềm tin ấy sẽ bị tổn thương. Trong thâm tâm, đứa trẻ nuôi dần ý nghĩ “cha mẹ nói vậy chứ không hẳn vậy” - một suy nghĩ thực sự đáng sợ! Đồng thời, khi bị bố mẹ dọa bỏ rơi, trẻ sẽ sợ đến mức bị ám ảnh. Từ chỗ ám ảnh, sẽ dần thiếu tự tin, làm việc gì cũng ngó trước ngó sau vì sợ.

Những trường hợp trẻ “khó dạy”, người lớn cần nỗ lực để giải quyết vấn đề hơn là dùng “chiêu” để dọa. Cách “đóng kịch” chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề nhưng để lại những hậu quả khôn lường.

 Trần Văn

Từ khóa Diễn với con
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI