‘Đi tìm Phong’: Nụ cười trong nước mắt

03/10/2018 - 06:20

PNO - Những thước phim tài liệu trong ‘Finding Phong - Đi tìm Phong’ mang đến cho người xem niềm vui, hy vọng chớm nở từ những đấu tranh, đau khổ để tìm lại chính mình.

Sau khi tham gia nhiều liên hoan phim quốc tế và đoạt giải, bộ phim tài liệu Finding Phong (Đi tìm Phong) của đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus mới chính thức cập bến Việt Nam. Phim được thực hiện trong vòng 3 năm, từ năm 2012.

Đi tìm Phong là cuốn nhật ký thu gọn hành trình tìm lại chính mình của nhân vật Lê Anh Phong, sinh ra ở vùng quê miền Trung, trong một gia đình có 6 anh chị em. Thời điểm Phong quyết định chuyển giới là năm anh 24 tuổi. Khi đó, ba Phong đã hơn 80 tuổi và mẹ cũng đã bước qua ngưỡng 70.

‘Di tim Phong’: Nu cuoi trong nuoc mat
Lê Anh Phong thời điểm chưa chuyển giới

Ngay từ nhỏ, Phong đã ý thức và luôn khát khao được sống trong hình hài phụ nữ. Ước mơ đó càng cháy bỏng khi Phong lên Hà Nội học đại học và đi làm. Chàng trai tìm được sự đồng cảm và sự giúp đỡ để tìm lại chính mình, chỉ với mong ước được sống hạnh phúc thực sự.

Lắm lúc, gia đình vẫn mong Phong sống theo hình hài ba mẹ đã cho. Nhưng vượt lên tất cả những định kiến còn đè nặng lên một miền quê, họ chấp nhận, ủng hộ và trở thành điểm tựa cho Phong, để Phong được là chính mình. Giá trị tình thân cùng tư tưởng khá thoáng, hiện đại của một gia đình Á đông về việc chuyển giới đã giúp Đi tìm Phong tạo dấu ấn với khán giả phương Tây, theo lời chia sẻ của đạo diễn Trần Phương Thảo.

‘Di tim Phong’: Nu cuoi trong nuoc mat
Phong (phải) thời điểm uống hormone để chuyển giới thành nữ

Câu chuyện của Phong trong phim không quá đặc biệt. Đó là hành trình mà bất kỳ ai cũng phải trải qua trong việc chuyển đổi giới tính từ nam thành nữ, đi kèm những trăn trở, khao khát và cả những rào cản, lo lắng nhất định về tương lai. Tuy nhiên, câu chuyện ấy không chỉ có nước mắt mà luôn có sự xuất hiện của niềm vui, nụ cười từ cách nói chuyện hài hước của cô bạn làm tóc hay những lời bộc bạch chân tình của anh, chị Phong trước quyết định trọng đại trong cuộc đời đứa em… Những điều ấy ít nhiều là điểm tựa, là niềm tin, là hy vọng cho một kiếp người nhỏ nhoi. Những nụ cười được mang vào Đi tìm Phong cũng giúp bộ phim trở nên nhẹ nhàng hơn khi đi vào lòng khán giả.

Đi tìm Phong không bắt mắt bằng cảnh quay đẹp nhưng thật, thậm chí đôi lúc khá trần tục, hơi chua chát. Để Phong được tự do, thoải mái, là chính Phong, ê-kíp đã bố trí cho nhân vật một máy quay để tự ghi lại cảnh sinh hoạt, những tâm tư trong hành trình chuyển giới. Điều này đã giúp tác phẩm có thêm phần tư liệu thật hơn, đời hơn. Với độ dài hơn 90 phút, Đi tìm Phong có những xúc cảm đã chạm đến trái tim người xem, nhưng với đặc thù của phim tài liệu, tác phẩm này e sẽ khó tiếp cận số đông.

Lê Ánh Phong và đạo diễn Hồng Ánh chia sẻ trong buổi ra mắt phim vào tối 2/10 tại TP.HCM:

Trong phim có chứa nhiều cảnh quay trực diện bộ phận sinh dục và ngôn từ về việc quan hệ tình dục, nhưng Đi tìm Phong không gặp khó khăn trong quá trình kiểm duyệt. Đạo diễn Hồng Ánh cho biết: “Bộ phim không bị dán nhãn, được phổ biến rộng rãi với mọi đối tượng. Có một thành viên hội đồng kiểm duyệt đã đặt vấn đề trên, nhưng tôi cho rằng, mọi người đang xem và kiểm duyệt phim tài liệu. Với phim tài liệu, tính chân thật là quan trọng nhất. Với một bộ phim có dàn dựng thì cảnh sẽ có dụng ý, nhưng đây là tác phẩm đặt máy vào và ghi lại chân thật hoàn toàn, rất đời. Hình ảnh bộ phận sinh dục nữ trong phim là câu chuyện của y khoa, trong tình huống bác sĩ giải thích với người muốn chuyển đổi giới tính là hợp lý. Bộ phim đã nhận được sự đồng cảm ở góc độ nhân văn”.

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI