“Đèn lồng đỏ treo cao”

01/07/2013 - 17:10

PNO - PN - Còn nhớ, cái phim ấy - Đèn lồng đỏ treo cao, có một sức ám ảnh đến kỳ lạ. Tại sao phải treo những ngọn đèn lồng đỏ bên ngoài căn phòng của người đàn bà được chồng chọn để vui vầy ân ái đêm đó? Có nhất thiết phải...

Nhiều người đàn bà đã viết những bức thư dài cho Hạnh Dung dưới ánh sáng của những chiếc đèn lồng đỏ treo trên cửa phòng của người khác ấy. Đáng chú ý có bức thư của một bà mẹ chồng. Không có vấn đề gì về mối quan hệ nàng dâu-mẹ chồng ở đây. Chỉ là vợ chồng con trai chị kỷ niệm 5 năm ngày cưới, tổ chức một bữa tiệc gia đình. Tiệc ở một nhà hàng sang trọng, cô con dâu chuẩn bị một video clip công phu chiếu cho cả nhà xem. Hình ảnh những ngày đầu họ mới quen nhau, những lần đi chơi, những bức ảnh tay trong tay thật đẹp, thật lãng mạn, cả những bức ảnh riêng tư... Chị ngồi xem một lúc rồi hỏi: “Con có mời ai nữa sao?”, “Không, chỉ có nhà mình thôi ạ”. Chị hơi gợn trong lòng: chỉ có nhà mình thôi mà phải trình diễn vậy. Lớp trẻ bây giờ hạnh phúc là phải đem “sô” ra cho mọi người thấy mới được. Phải được mọi người công nhận, hạnh phúc ấy mới có tên. Nếu ai đó ganh tỵ thì càng tốt, có khi càng làm cho họ vui sướng hơn vì mình có hơn thì thiên hạ mới ganh! Hôm sau, cả đoạn video clip, cả những bức hình bữa tiệc, đều được post lên facebook, bao nhiêu “còm” xuýt xoa…

“Den long do treo cao”

Bữa tiệc của con làm chị buồn vui lẫn lộn. Chị có cảm giác các con mình hoang phí. Không phải chỉ là chuyện cái hóa đơn thanh toán, mà cả hạnh phúc của chúng nữa, như cũng có chút gì hoang phí. Nói ra thì dễ bị rơi vào chỗ “ganh tỵ”, chị đành giữ kín trong lòng. Chị nghĩ, thế hệ của mình đã được dạy dỗ đừng phô trương của nả trước mặt kẻ bần hàn đói rét, hạnh phúc riêng tư phải giấu bớt đi khi xung quanh còn nhiều người bất hạnh. Phô phang quá, e làm cho người bất hạnh phải chạnh lòng. Buồn hơn, có những người chưa hoặc không bất hạnh nhưng cũng có thể chạnh lòng.

Nhưng, thế hệ trẻ bây giờ thì khác. Họ khoe bạn gái bạn trai tính bằng friend list, khoe lương tính bằng đô, đi du lịch, tạo dáng chụp hình post lên mạng. Chị nghĩ, họ đang treo những chiếc đèn lồng lên trước cửa phòng mình. Chỉ có khác, những ngọn đèn lồng là do họ tự treo, tự huyễn hoặc về hạnh phúc hay thành đạt của mình. Họ đã tự mang mình ra để đốt lên những ngọn đèn lồng ấy, và rồi sợ tắt, sợ một ngày nào đó những ngọn đèn khác sẽ sáng rực rỡ hơn bên cạnh những ngọn đèn mờ lụi của mình, nên cứ phải cố gắng phô trương mãi, cháy đỏ lên mãi.

Cũng từ internet nhưng những lá thư gửi Hạnh Dung không mang ánh sáng đèn lồng đỏ. Chúng yếu ớt, buồn bã, bối rối và tội nghiệp. Thư nào cũng tái bút: chị đừng đưa tên của em, chuyện của em lên báo… Những nỗi buồn, những bất hạnh có xu hướng giấu mình đi. Càng cố giấu, càng dằn vặt đến tội nghiệp. Chẳng biết có bức thư nào trong đó là của những người treo đèn lồng lên trước cửa mà rồi phải khóc thầm trong góc khuất xa ánh sáng của đèn không. Hạnh Dung đồng cảm với người mẹ trong bức thư kia. Cuộc sống còn nhiều cảnh đời không hạnh phúc, nên đừng quá phô trương hạnh phúc của riêng mình. Xét cho cùng, sự phô trương ấy có chút gì ích kỷ.

Ngôi nhà của hạnh phúc không cần thắp những ngọn đèn lồng đỏ. Hạnh phúc là điều quý giá, thiêng liêng. Không phải ngẫu nhiên mà những chiếc nhẫn cưới thông thường chỉ là những chiếc nhẫn trơn, bình dị, ít vàng hoặc chỉ là vàng tây, để không làm ai ganh tỵ hoặc dễ sinh lòng trộm cắp. Hạnh phúc không phải là cái để đem ra khoe.

Hạnh Dung
(hanhdung@baophunu.org.vn)

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn vào thứ Hai, Tư, Sáu (sáng: từ 8g -11g30; chiều: từ 13g30 - 16g30)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI