‘Đầu nậu’ đất nền đang ‘đục nước béo cò’ sau vụ cháy chung cư Carina

04/04/2018 - 17:09

PNO - Đó là cảnh báo của ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tại hội thảo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với chung cư, nhà cao tầng ở TP.HCM vào ngày 4/4.

Theo ông Châu, vụ cháy chung cư Carina (Q.8, TP.HCM) đã tác động ít nhiều đến tâm lý, hành vi của người tiêu dùng. Đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến phân khúc thị trường căn hộ chung cư. Hiện nay nhiều khách hàng có ý định mua chung cư lo ngại về công tác PCCC khiến phân khúc này có dấu hiệu bị “sốc” trong 10 ngày qua. Nhưng tác động này chỉ có tính ngắn hạn, bởi lẽ, trong quá trình đô thị hóa, phát triển chung cư và nhà cao tầng là xu thế tất yếu toàn cầu cũng như của nước ta.

Cũng theo ông Châu, hiện TP.HCM đang có xu hướng phát triển nhà cao tầng, chung cư. Nhu cầu lựa chọn chung cư làm nơi an cư người dân có thu nhập trung bình và thấp còn rất lớn. Trong khi đó, loại hình căn hộ bình dân đang rất thiếu, năm 2017, toàn thành phố chỉ có 12.495 căn hộ nhà ở bình dân, chỉ chiếm tỷ lệ 29,1% tổng số căn hộ đưa ra thị trường, trong lúc nhu cầu loại căn hộ này lên đến vài trăm ngàn căn. 

‘Dau nau’ dat nen dang ‘duc nuoc beo co’ sau vu chay chung cu Carina
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP.HCM cảnh báo đất nền đang bị làm giá sau vụ cháy chung cư Carina

“Tuy nhiên, thay vì trước đây họ chú trọng đến dịch vụ, tiện ích thì nay sẽ quan tâm hơn đến vấn đề thiết kế thoát hiểm, an toàn PCCC của dự án. Nhận thức của người dân sống trong chung cư cũng được nâng cao, họ biết hỗ trợ nhau, tham gia các buổi huấn luyện, thực hành, diễn tập đảm bảo an toàn PCCC. Chủ đầu tư cũng sẽ nâng cao nhận thức trách nhiệm, đảm bảo chất lượng công trình, tiện ích, dịch vụ, đặc biệt là về tiêu chuẩn an toàn PCCC chung cư để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Ý thức trách nhiệm và công tác tổ chức thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan PCCC, chính quyền cấp quận, huyện, phường, xã đối với việc đảm bảo an toàn PCCC chung cư cũng đã được nâng lên” – ông Châu nhận định.

Điều đáng nói, lợi dụng tâm lý này, nhiều “đầu nậu” và “cò” đất có dấu hiệu đầu cơ, thổi giá đối với phân khúc đất nền, phân lô để trục lợi, nên mọi người phải hết sức cảnh giác, nhìn nhận khách quan. “Đây là hiện tượng gây nguy hại đến thị trường bất động sản TP.HCM nói chung và phân khúc căn hộ nói riêng” -  ông Châu khuyến cáo.

Ông Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc phát triển đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ, chính sách an toàn PCCC đối với chung cư cao tầng chỉ là một phần, chủ yếu là vai trò của cư dân sống trong chung cư. Nếu chung cư cao tầng với một hệ thống PCCC, báo cháy tự động... được đầu tư đúng, được bảo trì tốt thì rủi ro xảy ra sự cố rất thấp hơn nhiều so với các công trình khác như: nhà phố, chợ, khách sạn... 

“Tôi có cảm nhận khi thiết kế các dự án trên giấy rất chuẩn nhưng đến khi thi công công trình thì khác. Đặc biệt, hệ thống PCCC khi lắp đặt rơi vào giai đoạn cuối, nhưng hầu như lúc đó tài chính của chủ đầu tư bắt đầu eo hẹp, áp lực phải hoàn thành, phải bàn giao và bắt đầu cắt giảm chi phí dẫn đến xảy ra tình trạng các thiết bị thực tế khác so với thiết kế ban đầu” – ông Thành nói.

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI