‘Dâu đen’ và bữa tiệc vui bị 'phá bĩnh'

20/07/2018 - 09:30

PNO - Yếu tố bảo mật đã làm nên danh tiếng của những chiếc điện thoại BlackBerry từ bấy lâu nay. Nhưng dù là vậy, hãng đã và đang phải đối đầu với khó khăn do sụt giảm doanh thu và sự lo ngại của các nhà đầu tư.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của BlackBerry (BBRY) đỏ nhiều hơn xanh. Mặc dù có một số dấu hiệu khả quan nhưng so với cùng kì năm ngoái thì BlackBerry đang tụt giảm hơn 8% doanh thu.

‘Dau den’ va bua tiec vui bi 'pha binh'

iPhone và Android: Kẻ phá bĩnh 

Năm 1984, Mike Lazaridis, sinh viên kỹ thuật tại Đại học Waterloo và Douglas Fregin, sinh viên kỹ thuật tại Đại học Windsor, thành lập công ty tư vấn khoa học điện tử và máy tính có tên Research In Motion, hoặc RIM. 

Một thời gian dài nghiên cứu và phát triển trong im lặng, cho đến một ngày RIM cho ra đời một công nghệ đột phá: một thiết bị dễ dàng, an toàn và hiệu quả cho phép người lao động gửi và nhận email trong khi ra khỏi văn phòng. Họ gọi nó là BlackBerry.

Vào năm 1998, RIM đã sản xuất một thiết bị cầm tay không dây được gọi là RIM 950, đã xử lý email, danh bạ và lịch với bàn phím QWERTY tích hợp. RIM trở thành đối tác với một số hãng truyền thông không dây và nhiều công ty phần mềm và phần cứng trên thế giới. 

‘Dau den’ va bua tiec vui bi 'pha binh'

Năm 1999, BlackBerry Wireless E-mail Device, BlackBerry 5790, đã được tiết lộ cùng với Blackberry Enterprise Server (BES) cho Microsoft Exchange. BES cung cấp giải pháp xử lý email  giữa thiết bị cầm tay không dây và hộp thư Exchange của công ty, cùng với danh bạ và lịch, đưa email từ máy bàn vào chiếc điện thoại cầm trên tay. 

Vào năm 2003, điện thoại thông minh BlackBerry được đưa ra thị trường, hỗ trợ đẩy email, nhắn tin văn bản, fax Internet, duyệt web và các dịch vụ thông tin không dây khác. BlackBerry đã giành được thị phần trong ngành công nghiệp di động bằng cách tập trung vào email. 

BlackBerry bắt đầu cung cấp dịch vụ email trên các thiết bị không phải BlackBerry, chẳng hạn như Palm Treo, thông qua phần mềm BlackBerry Connect độc quyền. Tại Việt Nam lúc ấy, những người sử dụng BlackBerry hoặc Palm Treo được cho là sành điệu, có kiến thức sâu sắc về IT và rất có cá tính. 

RIM đã phát triển thành một trong những công ty công nghệ có giá trị nhất trên thế giới. BlackBerry đã trở thành phụ kiện không thể thiếu của các giám đốc điều hành kinh doanh, người đứng đầu nhà nước, và những người nổi tiếng Hollywood, cho đến khi iPhone và Android đến và phá hỏng bữa tiệc vui vẻ này. 

Liệu "Dâu đen" có “sống” lại?

Cuối tháng 9 năm ngoái, khi BlackBerry tung ra chiếc điện thoại KeyOne, giá cổ phiếu tăng lên đến 15% thì CNN Money đã có một bài viết dành riêng cho BlackBerry với hy vọng thương hiệu tinh tế và nổi tiếng này quay trở lại thành công với người hâm mộ. 

Cho đến 2017, giá cổ phiếu BlackBerry gần như tốt hơn so với Apple và bốn ông lớn trong ngành công nghệ là - Facebook, (FB) Amazon, (AMZN) Netflix (NFLX) và Google (GOOG). 

‘Dau den’ va bua tiec vui bi 'pha binh'

BlackBerry có lẽ nổi tiếng nhất với những chiếc điện thoại bàn phím QWERTY vốn rất phổ biến trên Phố Wall và với nhiều người tiêu dùng kinh doanh, chính phủ và những người nổi tiếng. Barack Obama và Kim Kardashian West là những người hâm mộ nổi tiếng của thương hiệu BlackBerry. 

Trong những bộ phim Mỹ về tài chính, chính trị, chiếc điện thoại BlackBerry vẫn rất thường được thấy bởi thiết kế độc đáo, tính bảo mật cho đến nay vẫn là số 1 thế giới. 

Tuy nhiên, sau thành công vang đội của KeyOne, đến tháng 7/2018, BlackBerry lại đang phải đối đầu với khó khăn do sụt giảm doanh thu và các nhà đầu tư lại lo ngại thực sự. 

Ngoài smartphone, Blackberry còn kiếm tiền từ đâu?

Sau khi nhượng quyền sản xuất điện thoại thông minh cho TCL, BlackBerry tập trung vào phần mềm. Đợt tấn công kinh hoàng hồi đầu năm ngoái WannaCry đã góp phần vào việc nâng cao uy tín công ty về vấn đề bảo mật trong lĩnh vực công nghệ. 

"Thực tế là WannaCry chỉ là đỉnh của tảng băng trôi. Tấn công Cyber ​​tiếp tục gia tăng theo cấp số nhân. Hàng tỷ đô la thiệt hại cho chính phủ, doanh nghiệp và xã hội chúng ta," BlackBerry cho biết. 

Nghe có vẻ đáng sợ. Nhưng nó tốt cho kinh doanh của BlackBerry. Chen nói với các nhà đầu tư vào tháng Ba rằng, BlackBerry thực sự sẽ trở lại trong màu đen năm nay. 

BlackBerry đã nhận ra chiến đấu chống lại Apple và các công ty sản xuất điện thoại chạy hệ điều hành Google và Android sẽ rất dai dẳng và hy vọng sống còn rất mong manh. 

‘Dau den’ va bua tiec vui bi 'pha binh'

Thế nên, CEO John S. Chen của hãng này đã thực hiện một quá trình chuyển đổi thành công sang phần mềm và các thiết bị kết nối, bao gồm cả Internet of Things. Phần mềm và dịch vụ hiện chiếm khoảng 60% tổng doanh thu của BlackBerry.

Công ty đã tạo ra sự xâm nhập đặc biệt lớn trong viễn thông, chạy phần mềm cho xe hơi. Ford, GM, Fiat Chrysler, Honda là các khách hàng chính của hãng này. Sự tập trung này có thể là lý do chính khiến cổ phiếu của BlackBerry tăng mạnh trong năm vừa qua. Cổ phiếu đã tăng trên 10 đô la lần đầu tiên sau hai năm.

Ford là một trong những khách hàng lớn của "Dâu Đen" khi hãng này công bố sẽ tham gia vào việc xây dựng phần mềm xe tự lái. QNX là một hệ điều hành thời gian thực mà BlackBerry đang phát triển cho thương mại mà CEO của BlackBerry John S. Chen cho biết rất quan trọng đối với tương lai của hãng. BlackBerry hiện đang áp dụng QNX cho phần mềm kết nối mọi chiếc xe hơi với nhau. 

Truyền thống bảo mật trứ danh: Vũ khí lợi hại của BlackBerry

Yếu tố bảo mật đã làm nên danh tiếng của những chiếc điện thoại BlackBerry từ bấy lâu nay. Nó là thứ không thể nói miệng mà cũng không thể mua bằng tiền, chỉ có thể có được qua thời gian, qua sự đóng góp và những thành quả đạt được suốt một quá trình dài.

Còn nhớ, vào tháng 11/2015, Pakistan chính thức yêu cầu các nhà mạng tại nước này ngừng hỗ trợ dịch vụ mạng doanh nghiệp của BES của BlackBerry. Về phía BlackBerry, hãng phần cứng danh tiếng này cũng ngừng hoạt động các chuỗi cửa hàng của mình tại Pakistan và chính thức rời bỏ thị trường này. Nguyên nhân của vụ việc là vì cơ quan tình báo Pakistan muốn tăng cường giám sát dịch vụ viễn thông bao gồm tin nhắn và email.

Có thể nói, danh tiếng hàng đầu về bảo mật là lý do chính khiến các chính phủ và các công ty Phố Wall bị mắc kẹt với BlackBerry ngay cả khi người tiêu dùng đổ xô đến điện thoại thông minh màn hình cảm ứng.

Khó có thể kiếm một chiếc điện thoại khác ngoài BlackBerry để bảo mật các thông tin cho người dùng đến như vậy. 

Chủ đề “mở cửa sau” trong làng thế giới di động trong những năm gần đây đang trở nên rất nóng hổi trên toàn cầu. Còn nhớ vài năm trước, sự kiện Edward Snowden tại Mỹ đã làm rúng động cả thế giới vì chương trình giám sát mạng viễn thông của Cơ quan An ninh Quốc gia NSA muốn kiểm soát toàn bộ thông tin mà người dùng mạng truyền đi.

Tương tự thế, chính quyền Pakistan cũng muốn lặp lại điều này nhưng BlackBerry lại không chịu hợp tác như một vài công ty khác tại Mỹ trước đây từng hợp tác với chính phủ để phản bội niềm tin người dùng.

Điều mà chính phủ Pakistan muốn không chỉ là sự giúp đỡ để điều tra về một vài cá nhân hay tổ chức mà là kiểm soát toàn bộ dữ liệu của dịch vụ bảo mật BES lẫn các tin nhắn BBM của người dùng BlackBerry.

Sự từ chối này tuy làm mất lòng và phải trả giá bằng việc mất đi cả một thị trường tiềm năng với 180 triệu dân nhưng đem lại tiếng thơm về lâu về dài, góp phần tô đắp thêm vào bức tượng đài bảo mật vốn đã rất khổng lồ của “Dâu Đen” bấy lâu nay. Mà xét cho cùng, với số lượng chỉ khoảng 5000 khách hàng sử dụng gói BES tại Pakistan, BlackBerry cũng sẽ không chịu thiệt hại quá lớn nếu phải từ bỏ.

Điều này cho thấy không phải ngẫu nhiên mà BlackBerry luôn chiếm được sự tin tưởng lớn từ phía khách hàng. Tuy nhiên, nó cũng không có nghĩa rằng BlackBerry luôn nhắm mắt che chở đến cùng cho “thượng đế” của mình. Vẫn luôn có những điều khoản hay sự hợp tác ở mức độ nào đó cho phép BlackBerry giao nộp dữ liệu người dùng cho cơ quan chức năng.

Điều đặc biệt còn nằm ở chỗ BlackBerry là người tiên phong trong phong trào mã hoá dữ liệu ở mức độ phần cứng. Những chiếc máy của BlackBerry luôn được tích hợp một con chip crypto có nhiệm vụ mã hoá thông tin.

Apple cũng dần học theo và áp dụng chiêu thức tương tự nhưng là mãi đến tận khoảng 2010 người dùng mới thực sự hưởng lợi từ nó, riêng với Android thì thường những dòng máy cao cấp sau này mới được thừa thưởng tính năng mã hoá toàn phần. 

Hạc Lệ Quyên


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI