“Đạo đức nghề nghiệp” của người mang thai hộ

06/08/2014 - 17:24

PNO - PN - Vì nghèo, nhiều phụ nữ Thái Lan chấp nhận việc mang thai hộ. Có khi việc này kết thúc suôn sẻ, nhưng cũng có không ít trường hợp trục trặc xảy ra và mọi việc trở nên phức tạp.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đó là trường hợp của Pattaramon Chanbua, cô gái 21 tuổi trước đây kiếm sống bằng một xe bán hàng rong trên các đường phố Bangkok. Qua một đường dây môi giới, Chanbua thỏa thuận mang thai hộ cho một cặp vợ chồng người Úc. Việc mang thai hộ là hợp pháp ở Thái Lan, rắc rối chỉ xảy ra khi Chanbua sinh đôi nhưng bé gái bình thường, bé trai mắc hội chứng Down.

“Dao duc nghe nghiep” cua nguoi mang thai ho

Là người mang thai hộ, nhưng Chanbua không hắt hủi đứa bé mắc hội chứng Down vốn bị cha mẹ sinh học người Úc bỏ rơi - news.com.au

Buôn bán vất vả cả ngày mà thu nhập cả tháng chỉ tương đương 622 USD, Chanbua không mất nhiều thời gian suy tính trước khi nhận lời thực hiện việc mang thai hộ. “Tôi đồng ý việc này vì khoản tiền công quá hấp dẫn”, Chanbua nói. Cô cho biết, thù lao nhận được cho việc này là 10.890 USD, nhưng theo Đài phát thanh Úc thì con số này lên đến 16.000 USD.

Khi cái thai được khoảng ba tháng, bác sĩ báo với Chanbua “có gì đó trục trặc với cái thai” nhưng phía môi giới che giấu thông tin. Mãi đến khi cái thai được bảy tháng, họ mới báo cho Chanbua biết là một thai mắc hội chứng Down và đề nghị Chanbua phá bỏ cái thai đó, chỉ giữ lại thai lành lặn. Cô từ chối. Là một người sùng đạo Phật, Chanbua luôn tin phá thai là hành động giết người.

Sau khi Chanbua sinh đôi, cặp vợ chồng người Úc tên David và Wendy Farnell thường xuyên đến bệnh viện nhưng chỉ chăm sóc bé gái lành lặn. “Hai đứa bé nằm cạnh nhau, thế mà họ không hề nhìn mặt con trai. Thậm chí, họ còn không mua sữa cho cậu bé”, Chanbua kể. Khi sức khỏe bé gái đã ổn định, cặp vợ chồng này mang em về Úc, bỏ lại bé trai. Chanbua từ chối giao đứa bé cho các tổ chức từ thiện với lời khẳng định: “Tôi sẽ nuôi nó như con ruột của mình nếu vợ chồng người Úc không chấp nhận nó”. Chanbua đặt tên cho thằng bé là Gammy.

“Dao duc nghe nghiep” cua nguoi mang thai ho

Chanbua xem bé Gammy như con ruột của mình

Khi câu chuyện được lan truyền, nhiều tổ chức từ thiện đã quyên góp được 216.000 USD, giúp Chanbua chăm sóc “đứa con bị từ chối” Gammy. Đồng thời, dư luận Úc dấy lên tranh luận dữ dội về việc mang thai hộ. Thủ tướng Tony Abbott nói với tờ Wall Street Journal: “Đây là một chuyện rất đáng buồn. Nó phản ánh thực tế là có rất nhiều cạm bẫy trong ngành kinh doanh con người này”. Sau phát biểu của ông Abbott, các cơ quan chức năng của chính phủ Úc bắt đầu nhập cuộc.

Mang thai hộ đã trở thành một ngành kinh doanh nhiều lợi nhuận. Không phải nước nào cũng chấp nhận việc một phụ nữ vì muốn kiếm tiền mà mang trong mình bào thai hình thành từ trứng và tinh trùng của người khác. Đức và Pháp đều cấm, trong khi ở Mỹ thì quyền quyết định thuộc về từng tiểu bang. Tuy nhiên, ở bất cứ nước nào cho phép việc mang thai hộ cũng kèm theo những hạn chế nhất định.

Chính phủ Úc không cấm việc mang thai hộ, nhưng việc trả tiền để nhờ người khác mang thai hộ là bị cấm, kể cả trả tiền cho một phụ nữ nước ngoài để làm việc này. Một phụ nữ Úc có quyền mang thai hộ người khác nhưng không được nhận thù lao. Người mang thai hộ có quyền giữ đứa bé sau khi sinh thay vì trao cho bố mẹ về mặt sinh học.

Sau này, David Farnell khai với cảnh sát là ông ta nghĩ trước sau gì Gammy cũng chết vì bác sĩ báo là nó bệnh tim bẩm sinh và lúc đó đang bị viêm phổi. Thế nhưng, thật kỳ diệu, Gammy bây giờ đã được bảy tháng tuổi, vẫn sống khỏe cùng Chanbua. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề nhập cư của Úc, ông Scott Morisson, đã tôn vinh hành động của Chanbua, thậm chí còn gọi cô là “một vị thánh”.

Từ trường hợp của Chanbua, các nước đang có khuynh hướng hợp pháp hóa việc này sẽ phải cân nhắc những quy định hạn chế.

 THIỆN NGA (Guardian, The Australian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI