“Của người phúc ta”!

31/12/2015 - 07:05

PNO - Thì ra, cái nghèo, cái khó của giáo viên ngoại thành chúng tôi đã thành hoàn cảnh quá rồi, đến mức đồng nghiệp phải quyên góp để mà cứu trợ!

Sáng nay vô trường, xôn xao chuyện tết. Không phải chuyện thưởng cao thưởng thấp, chuyện đó đối với giáo viên (GV) một trường phổ thông ngoại thành như mình, đâu có gì đáng hy vọng hay bàn tán. Cũng không phải chuyện nghỉ tết chơi tết, bởi tàu xe giá cả như mấy năm nay, có đi đâu cũng phải tránh những ngày cuối năm.

Đây là chuyện chủ trương, chính sách. Có cái công văn của công đoàn ngành giáo dục, rất quan tâm đến hoàn cảnh của anh chị em giáo chức, lấy mục tiêu “để đồng nghiệp ở các đơn vị còn khó khăn, đặc biệt là các đơn vị ở xã vùng sâu, ngoại thành cùng được hưởng không khí tết thật ấm cúng, vui vẻ và có ý nghĩa “tết cho mọi nhà”… công đoàn ngành đề nghị GV, nhân viên các đơn vị giáo dục ở quận nội thành có điều kiện, hỗ trợ chia sẻ với đồng nghiệp còn khó khăn, các đơn vị ở xã vùng sâu, ngoại thành để cùng vui tết”.

“Cua nguoi phuc ta”!
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Trường mình thì đích xác là ngoại thành rồi, nên năm nay, ngoài tiền thưởng tết, còn có khoản “chính sách” này, là tiền người ta quyên góp cho. Mà tiền này, theo công văn trên, là trích từ kinh phí chăm lo tết của các đơn vị hoặc vận động từ người lao động để hỗ trợ. Nói nôm na, là GV nội thành bớt tiền tết góp lại gửi cho GV ngoại thành để có “tết cho mọi nhà”.

Mới nghe ra, cũng thấy mừng. Nhưng đọc xong tờ giấy dán trên bảng thông tin trường, một thầy giáo già ở tổ Văn ngậm ngùi “lão Hạc ơi là lão Hạc!”. Tự nhiên không khí của phòng GV trầm hẳn.

Thì ra, cái nghèo, cái khó của GV ngoại thành chúng tôi đã thành hoàn cảnh quá rồi, đến mức đồng nghiệp phải quyên góp để mà cứu trợ! Khi gặp khó khăn hoạn nạn, thiên tai đột xuất, mới cần kêu gọi lòng tốt, kêu gọi nhường cơm sẻ áo của mọi người. Còn đây là chuyện tết mà, là ăn tết, là chơi tết. Không ai đi xin để ăn để chơi. Làm thế này, dễ tổn thương người ta lắm. Chẳng biết các anh chị làm công đoàn có nghĩ thế không?

Trong câu chuyện này, kể cả tinh thần và vật chất, có ít nhất hai nhà giáo bị tổn thương. Người thứ nhất là người được nhận phần quyên góp hỗ trợ này, là chúng tôi, GV các quận ngoại thành. Trí thức nói chung, GV nói riêng, là những người dễ bị động chạm lòng tự trọng, nói chúng tôi “bệnh sĩ” cũng không sai.

Cái lề cái thói, cái nếp nghĩ “đói cho sạch rách cho thơm”, “giấy rách phải giữ lấy lề” từ lâu nay đã không cho phép chúng tôi vì cái thanh bạch của nghề mà ngửa tay, hạ mình. Nay với dạng tiền tết này, không nhận thì kỳ, mà nhận thì chướng lắm. Các anh chị ở Ban thường vụ Công đoàn Giáo dục thành phố có nghĩ ra cách nào khác để chăm lo tết cho GV thì nghĩ, chứ làm cách này không ổn chút nào.

Thứ hai là, nghĩ thương cho các đồng nghiệp ở các quận nội thành, những người sẽ bị “vận động” đóng góp, có khi cũng lâm vào thế khó ăn khó nói. GV nào chẳng là GV, có chính sách nào ưu tiên đâu, có mức lương nào phân biệt đâu, mà giờ nội thành phải nhín bớt tiền thưởng, phúc lợi của mình, để hỗ trợ đồng nghiệp ngoại thành ăn tết.

Chúng tôi phản đối giùm cho các anh các chị. Hơn ai hết chúng tôi hiểu cái khó của nhau, của đồng nghiệp mình. Ngày tết đã lo đủ thứ lo hai bên gia đình nội ngoại, con cái khách chủ, cấp dưới cấp trên, nay thêm lo cho “đồng nghiệp ngoại thành” nữa!

Cách nghĩ cách làm này rõ ràng là một kiểu sáng kiến “giật gấu vá vai”. Hóa ra, công đoàn tài tình quá, chỉ bằng một cái công văn là lấy chỗ này bù chỗ kia, “chăm lo” như thế, thực quả là rất tiện cho các anh chị mà lại chẳng tốn phí gì!

Nói nghiêm túc, công văn trên đã làm sai tinh thần, chức năng của tổ chức công đoàn, là chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Trách nhiệm của tổ chức, của cơ quan doanh nghiệp là phải chăm lo đời sống của người lao động, giờ lại bắt công đoàn viên nội thành chăm lo cho công đoàn viên ngoại thành, thì quyền lợi chính đáng hợp pháp của công đoàn viên nội thành rõ ràng là đã bị xem nhẹ.

Thành ra, người cho không vui, mà người nhận cũng ngậm ngùi. Thôi thì, chuyện khó khăn cũng là chuyện đã lâu, nếu có giải pháp nào căn cơ thì hẵng, còn chưa có, thì nên bớt những cách làm hình thức, không hề có chút thực chất này đi; nên tránh những chuyện chăm lo theo kiểu “của người phúc ta” này đi. Nếu không, e rằng sẽ thêm nhiều người gặp khó!

Hoàng Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI