PNO - PN - Phiên tòa kết thúc, chị Nguyễn Kiều Trinh (Q.3, TP.HCM) ra về với sự hộ tống của ba người bạn. Bên kia anh Nguyễn Minh Tâm, chồng chị, đang phải cố ngăn lại phản ứng quá khích của các anh chị em của anh hướng về chị. Chỉ vì...
edf40wrjww2tblPage:Content
Chồng bạc
Chị Trinh kể, tình yêu của chị và anh Tâm trải qua biết bao sóng gió mới đến được với nhau. Ngày đó, chị thuộc hàng tiểu thư gia đình giàu có, còn anh là trai tỉnh lẻ, nhà nghèo lại đông anh em. Vì vậy, ba mẹ chị cương quyết ngăn cản chị đến với anh. Vì yêu anh, chị kiên nhẫn đấu tranh với gia đình. Hơn năm năm yêu anh, chị đã chịu không biết bao nhiêu đòn roi. Không ít lần chị đến nơi hò hẹn với những vết bầm tím trên cơ thể, cả hai ôm nhau khóc, rồi lại thấy yêu nhau hơn. Năm 1989, chị và anh âm thầm đăng ký kết hôn, sau đó vẫn mạnh ai về nhà người ấy ở. Đến khi có thai được ba tháng, sợ gia đình phát hiện, chị bỏ trốn theo anh. Ba mẹ chị tuyên bố từ con gái.
Về với nhau, đồng lương của anh không lo nổi cuộc sống cho hai người. Với số tiền dành dụm từ thời con gái, chị đem ra làm vốn mua bán nhỏ lẻ kiếm sống. Việc mua bán thuận lợi nên cuộc sống cũng đỡ chật vật. Đến khi sinh con, chị khuyên anh bỏ công việc trong nhà máy về phụ chị kinh doanh. Chị giao cho chồng trông coi cửa hàng, lui về chăm con. Được hơn ba tháng, chị tá hỏa khi cửa hàng lãi không có mà tiền vốn còn thâm hụt hơn một nửa. Vừa chăm con gái còn đỏ hỏn, chị vừa chạy vạy làm lại từ đầu. Nhưng mới gầy dựng lại, giao cho anh, anh lại làm hỏng. Sau nhiều lần thất bại, ngẫm chồng không có khiếu mua bán, chị khuyên anh hoán đổi vị trí, thay chị chăm lo trong nhà còn chị bươn chải kiếm tiền. Từ đó một mình chị lèo lái, hết buôn cái này đến bán cái nọ, cuộc sống ngày càng khấm khá.
Trải qua bao thăng trầm mới đến được với nhau nên chị luôn tin tưởng vào tình yêu của chồng, chưa bao giờ mảy may có ý nghĩ anh sẽ phụ bạc chị. Cho đến một ngày, chị chết lặng khi bắt gặp anh tay trong tay với người phụ nữ khác. Oái oăm, nhân tình của anh lại chính là đứa em nuôi mà chị tận tình giúp đỡ bấy lâu. Dù rất đau nhưng chị giả vờ như không hay biết, vẫn lẳng lặng làm việc, chăm lo cho chồng con. Từng đêm mất ngủ, không cam tâm nhìn tài sản bao năm mình đổ mồ hôi xương máu dành dụm rơi vào tay hai con người phụ bạc, chị âm thầm lên kế hoạch “bẫy” chồng.
Chiếc “bẫy” ngọt ngào
Từ ngày có bồ nhí anh đâm ra ưa chưng diện, thích xài đồ hiệu, xe sang. Nắm được điểm yếu của chồng, chị lên kế hoạch. Hôm ấy, nhân lúc vợ chồng đang trò chuyện vui vẻ, chị thủ thỉ rằng đã biết chuyện anh và cô em nuôi. Chị không một lời oán trách mà còn xin lỗi chồng và tự đổ lỗi tại mình ham mê kiếm tiền, bỏ chồng “đói” phải đi “ăn vụng”. Chị khuyên chồng chấm dứt với cô em nuôi, hai vợ chồng làm lại từ đầu. Chị còn khéo léo đề nghị sẽ đổi cho anh chiếc xe mới trị giá hơn hai chục cây vàng. Nghe vợ nói bùi tai, anh gật đầu cái rụp, phân bua chỉ vui chơi qua đường với cô em nuôi.
Sau khi mua cho chồng chiếc xe, chị rủ anh đi du lịch. Nhân lúc chồng đang trong tâm trạng vui vẻ, chị tỉ tê chuyện tài sản, khuyên anh nên ký giấy xác nhận tất cả tài sản trong gia đình là của riêng vợ để chị tiện giao dịch làm ăn. Chị còn phân tích là cô em nuôi đang úp mở chuyện bầu bì, lo sợ cô ta sẽ dùng đứa con rơi bòn rút, tranh giành tài sản sẽ khổ cho con chung của anh chị. Cuối cùng, anh chịu ký giấy xác nhận tất cả tài sản trong gia đình đều thuộc sở hữu của chị, do chị tạo lập bằng tiền có được trước khi kết hôn, anh không tham gia vào việc kinh doanh của vợ.
Chị cười buồn, “Thật lòng tôi chỉ muốn giữ tài sản cho con mình chứ không hề nghĩ đến chuyện ly hôn. Hơn nữa, sau đó anh đã chấm dứt với cô ấy. Nhưng, về sau anh không vợ bé, bồ nhí mà lại thường xuyên qua đêm với gái làng chơi. Có lần, một cô gái bia ôm đến nhà bù lu bù loa rằng đã có thai với anh, đòi tiền cấp dưỡng. Tôi chìa tờ giấy ra bảo anh không có cái gì ngoài cái xác, cần thì cứ mang đi tôi đỡ tốn cơm. Xấu hổ, cô ta bỏ về”.
Nhiều lần khuyên nhủ nhưng anh vẫn chứng nào tật nấy, chị nộp đơn xin ly hôn. Lần đầu tòa mời hòa giải, anh không đến, chị cũng không nói ra sự thật lý do chị xin ly hôn nên vị thẩm phán khuyên chị cố hàn gắn lại tình cảm. Chị im lặng ra về, tự hứa với lòng cho anh thêm cơ hội. Nhưng được một thời gian, “ngựa quen đường cũ”, chị lại nộp đơn xin ly hôn, ra tòa anh nằng nặc không chịu ký đơn, van xin chị tha thứ. Phần chị thì né tránh cái lý do “chính đáng” nên không đủ cơ sở để tòa tuyên bố ly hôn, chị lại tiếp tục chấp nhận cho qua mọi lỗi lầm, vợ chồng làm lại từ đầu.
Đỉnh điểm là ngày con gái bị một nhân viên trong cửa hàng mà chị giao cho anh quản lý sàm sỡ, may lúc đó bạn của con đến chơi phát hiện giải cứu kịp thời, nện cho tên “yêu râu xanh” một trận tơi bời. Chị vừa đau vừa sốc, gọi điện báo tin cho anh. Cứ nghĩ anh sẽ lấy lại công bằng cho con, không ngờ anh trở về nhà trong cơn giận dữ, mắng chửi vợ và con gái không thương tiếc vì cái tội đánh người vô cớ và giao du với côn đồ. Con gái chị bị sốc nằm viện cả tuần lễ, anh không đoái hoài tới. Chị đuổi việc tên nhân viên thì anh “bảo kê” cho hắn đi làm. Uất ức, chị quyết định ly hôn và đưa ra toàn bộ bằng chứng ngoại tình của anh bấy lâu. Chị ngậm ngùi: “Sợ con mình có mẹ không cha sẽ tủi thân với bạn bè nên dù rất đau buồn khi anh phản bội, tôi vẫn cố bỏ qua lỗi lầm của anh, nhưng anh lại không bảo vệ được con, còn gây tổn thương cho nó. Anh không xứng đáng làm cha nó nữa nên tôi không còn lý do gì để níu giữ. Anh bênh vực người ngoài chỉ vì thời gian đó anh đang qua lại với chị gái của tên kia”.
"Bút sa gà chết" nên ra tòa anh không tranh chấp tài sản với chị. Anh lí nhí rằng chị cho gì thì anh nhận nấy. Ngẫm nghĩ cũng bao nhiêu năm tình nghĩa vợ chồng, chị đồng ý cho anh một số tiền mặt đủ để sống đến cuối đời. Thế nhưng số tiền đó lại chẳng thấm tháp gì so với số tài sản mà chị đang sở hữu, vì vậy mà gia đình anh không chấp nhận, họ mắng chửi và xông vào hành hung chị.
Chị chua xót: “Trước đây quan hệ giữa tôi và nhà chồng rất tốt, mấy đứa em chồng cũng một tay tôi lo cho ăn học. Vậy mà bây giờ ngày nào cũng nhắn tin chửi bới tôi, hàng xóm không hiểu chuyện cứ xì xào bàn ra nói vào. Thôi thì mặc kệ người đời. Họ nói tôi mưu mô, thâm độc hay gì cũng được, miễn sao tôi bảo vệ được tài sản mình đã vất vả tạo dựng cho con cái là an tâm rồi”.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.