“Cái chết êm ái”

30/09/2014 - 08:02

PNO - PN - Vợ chồng ông Francis và bà Anne tại Bỉ đã trở thành đề tài bàn tán sôi nổi không chỉ ở nước này mà còn lan ra khắp châu Âu khi công khai bày tỏ ý định trở thành cặp vợ chồng đầu tiên trên thế giới chết cùng lúc theo...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ông Francis, 89 tuổi, phải điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt từ hơn 20 năm nay. Bà Anne, 86 tuổi, không bị mắc bệnh nan y nào ngoài việc lãng tai và mắt kém, những bệnh thường thấy ở người trên tuổi 80.

Ông bà thường xuyên được cơ quan y tế chăm sóc theo chế độ dành cho người già ở Bỉ. Lương hưu cũng giúp họ có một cuộc sống không quá khó khăn. Vấn đề của hai ông bà chỉ là họ sợ nếu một trong hai người chết trước, người còn lại không thể chịu đựng cảnh cô đơn. Đó là lý do họ luôn đi mua sắm cùng nhau vì lo nếu chỉ một người đi siêu thị, khi về nhà người đó thấy bạn đời của mình đã không còn.

Ý định của ông Francis và bà Anne nhận được sự đồng tình của ba người con. Họ thừa nhận, nếu bố hoặc mẹ của mình chết, họ sẽ không thể chăm sóc người còn lại đầy đủ nhất về mặt tinh thần.

“Phải rất can đảm để nhảy từ tầng 20 của một tòa nhà xuống đất và cũng cần có nhiều can đảm mới có thể tự treo cổ hoặc lao xuống một con kênh. Chúng tôi không đủ can đảm làm những điều đó. Thế thì tại sao không nhờ đến bác sĩ với một mũi thuốc để chìm dần vào cái chết từ trong giấc ngủ?”, bà Anne nói.

Không phải họ chưa từng nghĩ đến việc tự tử cùng nhau. Ông bà Francis đã nghĩ đến việc uống một liều thuốc ngủ rồi sau đó, mỗi người quấn quanh đầu một bao plastic để tắt thở vào dịp kỷ niệm thứ 64 ngày cưới. Nhưng, họ đã không làm điều đó vì sợ các con mình bị dằn vặt về cái chết của bố mẹ.

“Cai chet em ai”

Ông Francis và bà Anne chỉ muốn cùng nắm tay rời cõi đời một cách êm ái - Ảnh: Getty Images

Thế là, họ bàn với các con về một cái chết tự nguyện với sự hỗ trợ của y học và được luật pháp công nhận.

John Paul, 55 tuổi, muốn đáp ứng nguyện vọng của bố mẹ. Paul đã gặp nhiều bác sĩ để mong họ thực hiện ý nguyện của ông bà Francis nhưng bị từ chối, bởi cả hai đều không bị các bệnh nan y gây nên nỗi đau không thể chịu đựng về thể xác cũng như tâm lý.

Rốt cuộc, John Paul cũng tìm ra một dưỡng đường tại Flanders - phần đất nói tiếng Hà Lan ở Bỉ - chịu tiến hành “cái chết êm ái” cho bố mẹ mình. Đó là nơi thực hiện hơn 80% cái chết êm ái ở Bỉ.

Ông Francis và bà Anne rất vui khi hay tin này: “Chúng tôi cảm ơn các con mình đã thu xếp việc này ổn thỏa. Nếu không thực sự thương yêu bố mẹ, các con không phải tốn nhiều công sức để bố mẹ có được cái chết như ý. Khi biết chúng tôi sẽ được chết êm ái, chúng tôi như đang mò mẫm trong bóng tối bỗng thấy ánh sáng từ cuối đường hầm”.

Người con gái của ông bà kể lại, bố mẹ mình đã rất hào hứng khi nghe tin đó. “Giống như là bố mẹ thu xếp hành lý cho một chuyến nghỉ hè chứ không phải chuyến đi vào cõi vĩnh hằng”.

Tại Bỉ, “cái chết êm ái” đã được hợp pháp hóa từ năm 2002. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể vận dụng, dù hiện nay bình quân mỗi ngày có năm người chết theo nguyên tắc này trên toàn nước Bỉ.

Cho đến nay, chỉ Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Thụy Sỹ, Estonia và Albania là chấp nhận cái chết êm ái, trong khi vẫn còn nhiều tranh cãi ở các nước khác thuộc châu Âu. Quốc hội Anh và Pháp đã nhận được dự thảo luật, nhằm hợp pháp hóa “cái chết êm ái”, nhưng việc tranh luận vẫn còn bất phân thắng bại, khiến người ta tin rằng sẽ còn lâu lắm một bộ luật về vấn đề này mới được ra đời. Ngay cả ở Mỹ hiện nay, chỉ ba bang Washington, Oregon và Montana là chấp nhận “cái chết êm ái”.

THIỆN NGA (Theo Deccan Herald, Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI