‘Bóc mẽ’ tim đen người ta nghĩ gì về gia đình

27/06/2017 - 16:23

PNO - Thực tế cho thấy nhiều ông chồng say đắm với bồ lúc còn tiền còn chức. Lúc ốm đau bệnh tật, bồ nó bỏ mới quay về nhà, mới biết giá trị của gia đình.

Bà  mẹ sốt ruột hỏi đứa con trai ngoài 30: “Có bồ chưa đấy anh?”. Con để hồi hộp lúc lâu mới trả lời: “Thỉnh thoảng”. Thế là hết hỏi dò hay thúc giục. Cứ như tấu hài.

‘Boc me’ tim den nguoi ta nghi gi ve gia dinh
Gia đình hạnh phúc đều giống nhau. Ảnh minh họa

Báu gì mà vội. Ly hôn đầy ra, có cặp qua tuần trăng mật thôi đã xách túi về mẹ đẻ. Chuyện ấy không thể cãi là bịa được nhé. Rõ rồi. Người trẻ bây giờ có cả trăm “lý do chính đáng” để hành xử theo ý mình. Người hạnh phúc ngọt ngào không sao, người lắm chuyện nhiều tật thì có đủ câu chuyện thực tế đời sống xung quanh để chứng minh, chuyện gì lại khó kiếm trong thực tế đâu chứ.

Những gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng gia đình bất hạnh thì mỗi nhà một kiểu, nhà văn nào đã nói thế. Người ta chưa làm một “đại điều tra” xem bao nhiêu gia đình hạnh phúc, còn bao nhiêu bất hạnh? Mà nếu có điều tra, thì thế nào cũng lòi ra kiểu gia đình chẳng ra hạnh phúc cũng chẳng ra bất hạnh, dở dở ương ương. Bỏ thương vương tội, “chả lẽ lại ly hôn”

Ai cũng đã trải qua nỗi nhớ gia đình. Ngày xưa anh bộ đội chị xung phong tạm biệt nhau (rồi nhiều người không về), nhớ gia đình, nhớ cha mẹ cùng nghĩa với nhớ quê. Vì gia đình xưa phần lớn ở quê. Nhớ mẹ là nhớ cả thời thơ ấu của mình gắn với làng quê. Nay nhớ gia đình có khi là chỉ nhớ cha mẹ người thân thôi, chứ nỗi nhớ phố, nhớ…căn hộ chung cư thì…cũng có, nhưng ít.

Mà gia đình ai cũng biết nó thiêng liêng quan trọng rồi, nơi nuôi ta lớn khôn, ta quay về khi vấp ngã….Vậy mà chả thống kê, ai cũng dễ thấy, xung quanh ta, “lời kêu ca” kể lể nỗi khổ thường nhiều hơn lời khen chồng, khen vợ con. Thế tức là câu của các cụ xưa sai. Xưa nói rằng: “Tốt phô ra xấu xa đậy lại". Bây giờ ít  ai “đậy” lại lắm, thời đại Internet có khi phô ra cho…toàn thế giới biết ngay lập tức ấy chứ.

‘Boc me’ tim den nguoi ta nghi gi ve gia dinh
Gia đình thời "chia sẻ". Ảnh minh họa

Thời đại “chia sẻ” mà. Hôm nay ăn gì, đi chơi đâu, cũng “khai” ra tuốt luốt. Cái máy mở ra là nó nhấp nháy dứ dứ “Bạn đang nghĩ gì?”. Đố ai giữ được trong lòng, nói chi trong lòng lại đang chất chứa đầy vơi tức giận oán thán.

Rồi chắc là trong các cuộc nhậu, “kể tội vợ” nên mới ra đủ thứ giai thoại “cơm, phở”, “định nghĩa vợ” (nhiều phiên bản lắm), gọi “vợ là địch, bồ bịch là ta…Nằm trong lòng địch luôn nhớ về ta - Bão táp phong ba quay về với địch”.

Thực tế cho thấy nhiều ông chồng say đắm với bồ lúc còn tiền còn chức. Lúc ốm đau bệnh tật, bồ nó bỏ mới quay về  nhà, mới biết giá trị của gia đình. Thậm chí có ông bệnh chết, bồ bỏ, con vợ già lại… “hốt về chăm nom, chôn cất” là vì đó mới thật là gia đình. Đó là gia đình “lúc có”.

Chứ lúc còn u mê bồ bịch, thấy gia đình là thứ…đáng sợ, phải trốn tránh đối phó. Có những người chẳng bồ bịch gì, nhưng gia đình là một gánh nặng. Thiếu gì người đang cư xử “biến gia đình thành địa ngục”. Đó là  gia đình “lúc không”.

Khi cần thì muốn có gia đình. Khi gánh vác thấy gia đình “nặng gánh” toàn trách nhiệm với lo âu. Thế mới nói, trong ruột gan nhiều người, ước gì gia đình “lúc có lúc không”.

Ngày Gia đình, người ta đang nói giá trị thiêng liêng, tế bào xã hội này nọ, lại đi “bóc mẽ” tim đen thế này, loạng quạng kiếm đủ gạch đá xây biệt thự chưa biết chừng. Nhưng mà vẫn  kể chơi  sự thật thế thôi….Để đó và không nói gì….

Quảng Yên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI