“Bó tay” với hành vi  chiếm đất, xây dựng trái phép?

09/05/2017 - 11:09

PNO - Dự án không thể triển khai vì vài hộ dân “nằm vạ”. Nghiêm trọng hơn, xuất hiện thêm nhóm đối tượng đến phá hàng rào, xây dựng trái phép trên đất dự án. Tất cả diễn ra trước… mắt chính quyền địa phương.

Gửi đơn kiến nghị khẩn cấp đến nhiều cơ quan, Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Trường Thịnh (gọi tắt Công ty Trường Thịnh, Q.5, TP.HCM) đang kêu trời về dự án xây dựng hạ tầng khu nhà ở cán bộ công nhân viên chức nằm trên đường Lương Định Của, thuộc P.Bình An, Q.2, TP.HCM, mà công ty là chủ đầu tư.

“Bo tay” voi hanh vi  chiem dat, xay dung trai phep?
“Công trình” xây dựng trái phép tại dự án đang thách thức các cơ quan chức năng - ẢNH: QUỐC NGỌC

Gần 20 năm dang dở

Đại diện công ty cho biết, dự án trên được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định giao 30.710m2 đất cho đơn vị này từ năm 1998, nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho cán bộ, công nhân viên chức TP.HCM.

Ngày 21/1/2003, UBND Q.2 ban hành quyết định thành lập hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng dự án. Đến tháng 11/2003, UBND Q.2 tiếp tục công bố danh sách 50 hộ dân, đơn vị bị thiệt hại về đất, vật kiến trúc, cây trồng, tài sản khi thực hiện dự án.

Sau khi UBND thành phố phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, tái định cư vào tháng 6/2004, Công ty Trường Thịnh đã phối hợp với hội đồng đền bù Q.2 tiến hành bồi thường.

“Chúng tôi đã đền bù, hỗ trợ thiệt hại bằng tiền mặt, hoán đổi nền đất tái định cư cho toàn bộ các hộ bị thu hồi theo danh sách  UBND Q.2 lập. Họ đã tự nguyện tháo dỡ, di dời, bàn giao đất cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, hiện vẫn còn con cháu của bà Trần Thị Tỉnh, bà Trần Thị Huệ và nhà ông Võ Văn Nhiệp không bàn giao đất, khiến dự án dang dở 19 năm kể từ khi được Chính phủ phê duyệt”, người đại diện nói.

Cụ thể, diện tích đất do con cháu bà Huệ hiện sử dụng là 2.283.6m2, con cháu bà Tỉnh là 3.922.2m2 và ông Nhiệp là 315,5m2.

Chưa hết, trong lúc dự án trì trệ vì ba hộ dân nói trên, đầu tháng 9/2016, xuất hiện một nhóm người không nằm trong diện thu hồi đất, không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, do ông Ngô Hữu Vinh cầm đầu, kéo đến phá hàng rào để xây dựng trái phép một công trình khung thép, mái tôn trên đất dự án.

Ngay lập tức, Công ty Trường Thịnh đã có rất nhiều đơn kêu cứu khẩn cấp gửi đến chính quyền Q.2, P.Bình An và thành phố đề nghị can thiệp trục xuất người chiếm đất bất hợp pháp.

Ngang nhiên xây dựng trái phép 

Tại buổi làm việc với UBND P.Bình An ngày 20/9/2016, ông Nhiệp (con trai bà Tỉnh) cho rằng, phần đất của ông chưa được Công ty Trường Thịnh đền bù (?) và Tòa án nhân dân cấp cao TP.HCM đã hủy các bản án liên quan đến việc tranh chấp giữa công ty và hộ dân. Ông cũng tỏ vẻ “không đồng ý” với nhóm người xây dựng trái phép trên phần đất dự án.

Thế nhưng, đối tượng Ngô Hữu Vinh lại cho biết, mình được ông Nhiệp “ủy quyền”. Việc Vinh xây dựng các công trình trên phần đất thuộc dự án Trường Thịnh là “để giữ đất” (?). Khi nào công ty đền bù thỏa đáng cho gia đình, Vinh sẽ tháo dỡ, trả lại đất.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nhiệp cho rằng, do Trường Thịnh mua theo nguồn gốc đất của ông Ngô Văn Hai, mà không xét đến hiện trạng sử dụng đất của mình để đền bù. “Ngay từ đầu họ không chịu thương lượng với tôi, chỉ nói chuyện với má tôi là bà Tỉnh và ông Hai chứ không thèm nói với tôi. Dù không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng tôi có đăng ký kê khai sử dụng đất và đóng thuế đất từ năm 1978. Má tôi không thể bán nhà tôi. Má tôi đâu có quyền quyết định toàn bộ tài sản được”.

Về hành động của ông Vinh, theo lý giải của ông Nhiệp, Vinh muốn giúp ông giữ đất và đứng ra “can thiệp” để ông được nhận đền bù.

Đại diện Trường Thịnh cho biết, không đồng ý với cách lý giải của ông Nhiệp và hành vi manh động, bất chấp pháp luật của ông Vinh. Việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã tuân thủ đúng các quy định của Luật Đất đai năm 1993 và các văn bản hướng dẫn thi hành sửa đổi, bổ sung sau này.

Ở đây, cần nói rõ, dự án Trường Thịnh nằm trên đất do ba chi tộc thừa kế từ đời trước. Đó là chi của bà Phạm Thị Bích Thủy, chi của ông Hai và chi của bà Tỉnh - bà Huệ. Hai chi của bà Thủy và ông Hai đã nhận đền bù và hoàn tất việc giao đất. Riêng chi của bà Tỉnh - bà Huệ, công ty đã bồi thường cho gia tộc của các bà hơn 7 tỷ đồng và bốn nền đất tái định cư theo hợp đồng thỏa thuận ngày 9/5/2003 và biên bản họp gia tộc ngày 12/6/2003. 

Hiện nhà cửa, công trình kiến trúc của con cháu bà Tỉnh, bà Huệ (trong đó có ông Nhiệp) lại nằm hoàn toàn trên đất của… ông Hai (đã đền bù, giao đất). Và họ cũng không hề có tên trong danh sách 50 hộ dân bị ảnh hưởng về đất, vật kiến trúc, cây trồng, tài sản do UBND Q.2 lập và công bố (chính là danh sách ông Nhiệp “thắc mắc”).

UBND quận đã nhiều lần lập biên bản vi phạm và ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với các hộ này. Ngoài ra, công ty đã hỗ trợ thêm cho hộ bà Tỉnh 2,5 tỷ đồng. Thế nhưng, sau khi hộ này nhận tiền để bàn giao 500m2, lại xảy ra việc phá rào, xây dựng trái phép trên phần đất như trên.

Trao đổi với chúng tôi chiều 7/5, luật sư Nguyễn Thị Bích Liên (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, việc Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân cấp cao TP.HCM có quyết định kháng nghị và tuyên hủy các bản án vì nhận định rằng, tại Quyết định 275 của UBND Q.2 về thành lập hội đồng đền bù dự án đã nêu rõ trách nhiệm của hội đồng này.

Theo đó, hội đồng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng và chủ đầu tư lên kế hoạch triển khai thực hiện dự án theo quy định. Như vậy, nếu có thắc mắc về danh sách đền bù, thì người dân phải khiếu nại với hội đồng này để báo cáo, tham mưu cho UBND quận giải quyết.

Theo bà Bích Liên, việc giải quyết bồi thường, cưỡng chế giải tỏa đất thuộc thẩm quyền của UBND Q.2, nên tòa đã đình chỉ vụ án giao về cho UBND Q.2 giải quyết. Mặc dù vậy, đến nay, chuyện “kèn cựa” giữa chủ dự án và người dân vẫn tiếp diễn, gây bao thiệt hại.

Địa phương vẫn không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi chiếm đất. Tương tự, việc cưỡng chế, di dời dứt điểm các hộ nhằm giao đất cho chủ đầu tư dự án cũng không được thực hiện.

Phường thu 100 triệu đồng “kinh phí cưỡng chế” (?)

Liên quan đến vụ việc, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Bộ TNMT lần lượt có các văn bản gửi UBND TP.HCM, đến lượt UBND thành phố cũng có văn bản yêu cầu UBND Q.2 khẩn trương kiểm tra nội dung kiến nghị của Công ty Trường Thịnh để có biện pháp xử lý dứt điểm.

Mãi đến cuối tháng 2/2017, UBND P.Bình An mới có kế hoạch thi hành cưỡng chế việc xây dựng trái phép của ông Vinh, dự kiến diễn ra vào sáng 21/3. Nhưng lạ lùng thay, cuối cùng, đến việc cưỡng chế công trình ngang nhiên chiếm đất, xây dựng trái phép này cũng đã không diễn ra.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Hồ Hải Phong - Chủ tịch UBND P.Bình An - cho rằng, việc tranh chấp, bồi thường, Công ty Trường Thịnh phải liên hệ thực hiện theo trách nhiệm (?). Còn vấn đề xây dựng trái phép, UBND phường sẽ xử lý. Về việc không thi hành cưỡng chế đối với công trình của ông Vinh, ông Phong cho rằng, do các đối tượng này đã “tự nguyện tháo dỡ”, chỉ còn lại “cái container” trên đó thôi (!?).

Theo phía chủ đầu tư, thực chất nhóm của ông Vinh chỉ tháo dỡ vài tấm tôn, còn công trình chiếm đất dự án bằng cách đưa container, khung thép vào xây dựng trái phép vẫn còn nguyên. Ngoài ra, trước khi thi hành cưỡng chế, UBND phường còn thu 100 triệu đồng của doanh nghiệp để làm “kinh phí cưỡng chế”.

Khi chúng tôi đề cập vấn đề này, ông Phong giải thích, UBND P.Bình An chỉ yêu cầu công ty “tạm ứng kinh phí để hỗ trợ nước nôi cho các lực lượng, thuê phương tiện cưỡng chế”. Chúng tôi hỏi việc này có đúng quy định không, ông Phong cho biết, sau này, nếu cần phường sẽ trả lại (?).

Khá bức xúc với cách làm việc trên của địa phương, đại diện Công ty Trường Thịnh tiếp tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành các thủ tục cưỡng chế bàn giao phần diện tích đất của hộ bà Tỉnh, bà Huệ và ông Nhiệp. Đồng thời, xử lý cưỡng chế “băng nhóm phá hàng rào dự án”, giao lại cho nhà đầu tư tổ chức, triển khai thực hiện dự án theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi giải quyết khiếu nại vẫn phải cưỡng chế thu hồi

Luật sư Nguyễn Thị Bích Liên xác định rõ toàn bộ vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND Q.2. Bà cũng giải thích rõ vấn đề khiếu nại của người dân.

Theo đó, dự án xây dựng hạ tầng khu nhà ở cho cán bộ, công nhân viên chức tại P.Bình An được Thủ tướng Chính phủ giao đất cho nhà đầu tư nhằm phục vụ lợi ích công. Do đó, dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 27 Luật Đất đai năm 1993, khoản 1 điều 38 Luật Đất đai năm 2003, điều 62 Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành để giải quyết. 

Căn cứ các quy định này, sau khi có quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt, công bố công khai, có hiệu lực thi hành, người bị thu hồi đất không chấp hành quyết định thu hồi đất thì UBND Q.2 phải ra quyết định cưỡng chế thu hồi và tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Người bị cưỡng chế thu hồi đất phải chấp hành quyết định cưỡng chế và có quyền khiếu nại. 

Theo Nghị định 197 năm 2004 của Chính phủ, UBND Q.2 có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo thẩm quyền. Nghị định 43 năm 2014 của Chính phủ cũng quy định rõ, người có đất thu hồi, tổ chức, cá nhân liên quan có quyền khiếu nại về việc thu hồi đất theo quy định của pháp luật. Trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì UBND quận vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định cưỡng chế, thu hồi đất.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI