“Bạn sách ơi, cho Nam mượn bạn tí nhé”

17/01/2017 - 16:30

PNO - Đối với nhà văn - dịch giả nhí Đỗ Nhật Nam, sách không chỉ là phương tiện chuyển tải kiến thức mà còn là người bạn thân.

Trong nhà Nam, sách luôn được đặt ở chỗ dễ nhìn, trang trọng, được xếp ngăn nắp, phẳng phiu. Những lần thấy Nam tiến đến kệ sách, thỏ thẻ: “Bạn sách ơi! Cho mình mượn bạn tí nhé!”, chị Phan Hồ Điệp, mẹ Nam không nhịn được cười, cảm giác tương tự những lần nghe thấy Nam chuyện trò với các cây kiểng ngoài ban công hay thổi chú kiến trên tay chứ không giết.

“Ban sach oi, cho Nam muon ban ti nhe”
Đỗ Nhật Nam và mẹ - chị Phan Hồ Điệp (Hà Nội) giao lưu với phụ huynh TP.HCM trong chương trình Lời vàng cho con do Công ty cổ phần Hội thảo Việt (Q.3, TP.HCM) tổ chức

Chị vốn dạy con theo phương châm “vạn vật hữu linh”: cỏ cây, con vật, quyển sách đều có linh hồn và cần được yêu thương, nâng niu. Và tự nhiên, nhẹ nhàng, lặng thầm như những hạt mưa ngấm vào lòng đất, những cỏ cây ấy, trang sách ấy ngày ngày làm giàu thêm cho tâm hồn Nam. Vợ chồng chị mong mỏi con mình lớn lên dù ở vị trí nào cũng phải là người thiện và lành.

Khi đi du học, tâm trạng buồn, hụt hẫng, Nam lại tìm niềm vui bên sách. Thời điểm phải dời nhà, Nam “vật vã” với núi sách nhưng quyết không “bỏ bạn”. Về thăm nhà, hành lý của Nam thật cồng kềnh vì phải mang vác sách về tặng cho các bạn học sinh ở Việt Nam.

Tình yêu sách ở Nam hình thành từ những ngày còn trong thai. Chị Điệp đã thai giáo cho Nam bằng nhiều phương pháp, trong đó có đọc sách vào giờ nhất định trong ngày. Nam vào tuổi mầm non, hằng ngày, chị đọc sách, ngâm nga những bài thơ, ca dao. Năm tuổi, khi đi trên sông Hồng, bất giác Nam đọc những câu thơ thật hợp cảnh hợp tình mà chị đã dạy cho Nam từ rất lâu, bài thơ chưa dứt mà mắt chị đã cay.

Với mỗi quyển sách đã đọc, mẹ con chị mở ra một chủ đề để bàn luận trong tuần: miêu tả thời tiết các mùa, nói về tình yêu thương trong gia đình, cảm nhận về cuộc sống của những người nghèo khó vô gia cư hay bình luận về các trò chơi, các loại xe...

Chị Phan Hồ Điệp “bật mí” phương pháp đọc sách cùng con, mẹ con chị dành thời gian khoảng một tuần để đọc một quyển sách, trải qua rất nhiều bước. Lần đầu: đọc qua. Lần hai: đọc hỏi (ví dụ: con thích câu chuyện nào nhất, chi tiết nào nhất? Con có muốn thay đổi nội dung nào trong quyển sách  này? Thay đổi như thế nào?). Lần ba: vẽ dựa trên tình tiết câu chuyện.

Lần bốn: sáng tạo thêm phần sau của câu chuyện để kích thích trí tưởng tượng, óc sáng tạo ở con. Lần năm: cả nhà biểu diễn lại câu chuyện đó trên sân khấu của Nam, chế tạo những con rối tay thành những nhân vật, kết hợp âm thanh, đèn chiếu. Lần sáu: vẽ sơ đồ phân tích câu chuyện... Theo chị Phan Hồ Điệp, điều quan trọng nhất không phải là con đã đọc được bao nhiêu đầu sách mà là làm sao để các câu chuyện có thể sống lâu trong tâm trí con.

                                                                                                                Hoài Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI