edf40wrjww2tblPage:Content
Theo đuổi “luật rừng”
Ngày 4/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hồng Lỗi tuyên bố, TQ tiếp tục giữ nguyên lập trường “không chấp nhận, cũng như không tham gia vụ kiện TQ do Philippines khởi xướng”. Trước đó, Tòa án Trọng tài thường trực của LHQ tuyên bố dành cho TQ thời hạn đến ngày 15/12/2014 để đáp lại đơn kiện do Philippines đã nộp cho tòa ngày 20/3, khi Manila yêu cầu tòa án duy trì quyền khai thác vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình trước sự xâm lấn của TQ. Đến nay, Bắc Kinh vẫn từ chối mọi nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết vụ tranh chấp, trong khi tiếp tục khẳng định ngang ngược là bất kỳ cuộc thảo luận nào về vấn đề này cần được tiến hành song phương giữa TQ và Philippines.
Hãng tin AP cho biết, đây là vụ kiện quốc tế đầu tiên chống TQ liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông - rộng 3,5 triệu km2, nơi có các hòn đảo lớn nhỏ, bãi đá và bãi cát ngầm, được cho là khu vực có trữ lượng dầu khí lớn.
Philippines yêu cầu Tòa án LHQ làm mất hiệu lực yêu sách “đường chín đoạn” đối với Biển Đông của TQ. Manila cho rằng, yêu sách phi lý này “đòi hỏi quá nhiều lãnh thổ”, vượt xa khỏi vùng đặc quyền kinh tế của TQ, xâm lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Manila tại khu vực biển phía Tây Philippines trong Biển Đông. Trên thực tế, ngay từ khi ngang nhiên xông vào nhà người khác bằng “đường chín đoạn”, TQ đã hứng chịu sự chỉ trích dữ dội của dư luận quốc tế do không hề chứng minh được bằng chứng cứ pháp lý.
Trong hơn một tháng hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam, từ đầu tháng 5/2014 đến nay, TQ tiếp tục “nhai lại” lập luận cũ rích và vô lối về “lịch sử 2.000 năm” để khỏa lấp việc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Sự trâng tráo của TQ thể hiện xuyên suốt từ giới quan chức cho đến truyền thông. Đại diện của TQ tại Đối thoại Shangri-La 2014, Trung tướng Vương Quán Trung, trắng trợn tuyên bố “TQ đã phát hiện rất nhiều đảo hiện tranh chấp từ hơn 2.000 năm trước đây” và cho rằng, không có chuyện áp dụng luật hồi tố đối với Công ước Luật Biển của LHQ năm 1982 (UNCLOS), trong đó TQ là một bên ký kết - một quan điểm ngang ngược mà các chuyên gia pháp luật không thể chấp nhận.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ gây rắc rối, nhưng sẽ phản ứng theo cách cần thiết đối với các hành động khiêu khích của các nước liên quan”
Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters
Mới đây, Đài phát thanh nhân dân trung ương TQ (CNR) và Đài truyền hình trung ương TQ (CCTV) lần đầu tiên đưa tin tàu hải cảnh 46015 của TQ đã đâm tàu cảnh sát biển 2016 của Việt Nam hôm 1/6, khiến tàu của Việt Nam hư hại nặng. Thậm chí CCTV còn phát hình ảnh việc phun vòi rồng và đâm tàu Việt Nam, như một cách “khẳng định sức mạnh”, chứ không hề nhận sai. Trước đó, Tân Hoa Xã ngang nhiên đổ lỗi cho Việt Nam trong vụ tàu TQ đâm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng, cho rằng tàu Việt Nam tự lật giữa biển. Xâu chuỗi các hành động này để thấy bản chất dối trá và lật lọng của TQ ngày càng thể hiện điên cuồng hơn.
Đối phó với cách hành xử “luật rừng” của Bắc Kinh, Việt Nam một mặt kiên trì với các biện pháp ôn hòa, tôn trọng hòa bình và ổn định khu vực, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình, đồng thời không loại trừ việc xem xét áp dụng hành động pháp lý chống TQ, như Manila đang làm.
Hiển nhiên việc TQ tiếp tục né tránh trọng tài quốc tế không có nghĩa tiến trình kiện tụng của Philippines phải đình trệ, vì tòa án có thể sắp xếp một buổi điều trần và tuyên án theo hướng có lợi cho Philippines. “TQ có quyền được lắng nghe, đó là lý do tại sao tòa ban hành trình tự tố tụng như trên. Nếu họ vẫn từ chối tham gia, tòa án có thể phán quyết dựa trên đơn của Philippines”, ông Charles Jose, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines nói.
Gậy ông đập lưng ông
Điều nực cười là cách hành xử vô trách nhiệm, không tương xứng với vị thế nước lớn cũng như bề dày và truyền thống văn hóa của TQ lại tác động xấu đến nền kinh tế nước này theo kiểu “gậy ông đập lưng ông”. Đầu tư vào TQ của các công ty Nhật đang giảm mạnh và có thể tác động tới các thỏa thuận đầu tư tay ba giữa Nhật, TQ và Hàn Quốc. Vừa qua, truyền thông nhà nước TQ, trong đó có Tân Hoa Xã và tờ Nhân Dân Nhật Báo, cho biết “Nhật ồ ạt rút đầu tư khỏi TQ”. Nhân Dân Nhật Báo dẫn số liệu từ Bộ Thương mại TQ cuối tháng Năm cho thấy, đầu tư của các công ty Nhật tại TQ trong quý I giảm 46,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 1,6 tỷ USD. Với mức đầu tư này, Nhật đã tụt xuống dưới cả Singapore và Hàn Quốc trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài vào TQ. Thống kê của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) ghi nhận, năm 2013 các công ty Nhật đã đầu tư vào TQ chín tỷ USD, giảm 33% so với năm 2012.
Giáo sư kinh tế Ding Yibing (TQ) nhận định, đầu tư của Nhật vào TQ suy giảm là một xu hướng rõ nét suốt ba năm qua, trong khi ông Li Tie, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại quốc tế TQ (ITAC), xác nhận đầu tư đi xuống vì quan hệ Trung-Nhật xấu đi nghiêm trọng thời gian gần đây. Lối thoát cho khuynh hướng này là sự chuyển hướng sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác, theo ông Minoru Arahata, Giám đốc chi nhánh Đại Liên (TQ) của JETRO. Rõ ràng, người Nhật không chấp nhận thái độ hung hăng của TQ trong quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực.
THIỆN ĐẠO
(Theo AP, Inquirer.net, Financial Times, Bloomberg News, Xinhua)