Thêm hàng loạt nạn nhân của SG VISA kêu cứu

30/07/2018 - 09:00

PNO - Sau khi Báo Phụ Nữ TP.HCM đăng loạt bài Thòng lọng siết chặt giấc mơ đến “xứ cờ hoa” (ngày 9 và 11/7), rất nhiều bạn đọc đã gọi điện, đến tòa soạn kêu cứu vì bị mất hàng tỷ đồng cho Công ty TNHH Visa Sài Gòn

Mập mờ “nhà tuyển dụng”

Chị M.T. (ngụ tại Q.9, TP.HCM) cho biết, chị mất rất nhiều tài sản và tan tành giấc mơ đi Mỹ sau 3 năm chờ đợi. Năm 2015, chị M.T. tìm đến Công ty TNHH Thị thực Địa Cầu Nhỏ Hơn (nay là SG VISA, đóng tại Q.1, TP.HCM). ) để được tư vấn đi Mỹ theo diện lao động định cư EB-3. Từ đó đến nay, chị M.T. đã phải đóng cho công ty này gần 3 tỷ đồng. 

Theo chị M.T., khi ký hợp đồng với SG VISA, chị có quá ít thời gian để suy nghĩ vì tư vấn ngày trước, ngày sau đã ký. Ngay khi ký, chị M.T. phải thanh toán tiền cho công ty vì theo tư vấn của nhân viên, nếu quyết định lâu, sẽ hết suất đi làm bánh pizza. 

Them hang loat nan nhan cua SG VISA keu cuu
Trụ sở Công ty SG VISA

Theo tư vấn của công ty, “đi Mỹ dễ, thời gian hoàn tất dịch vụ chỉ 18-36 tháng, nếu nhanh chỉ 14 tháng”, nhưng sau gần 2 năm chờ đợi, tháng 5/2017, chị M.T. mới được mời đến Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM phỏng vấn và hồ sơ của chị đã bị từ chối. Từ đó đến nay, sau khi tốn hàng tỷ đồng, cánh cửa “xứ cờ hoa” cũng khép lại với gia đình chị.

SG VISA thỏa thuận với khách hàng: “Sau khi chấp thuận đơn I-140, nếu hồ sơ của khách hàng bị từ chối do lỗi của đơn vị bảo lãnh thì SG VISA và đối tác sẽ cố gắng cung cấp đơn vị bảo lãnh thay thế trong vòng 6 tháng. Nếu SG VISA không thể cung cấp đơn vị bảo lãnh thay thế trong thời hạn trên thì khách hàng có thể yêu cầu SG VISA hoàn lại tất cả chi phí bằng văn bản và SG VISA sẽ hoàn trả lại toàn bộ chi phí tư vấn mà khách hàng đã thanh toán”.

Thỏa thuận là vậy, nhưng đến nay, sau 12 tháng, chị M.T. vẫn chưa được giới thiệu đơn vị bảo lãnh mới và tiền cũng chưa được nhận lại. “Mọi thắc mắc của tôi về việc này đều được SG VISA trả lời là… cứ chờ đợi! Tôi bỏ ra số tiền rất lớn với mong muốn đi Mỹ để con cái có được môi trường giáo dục tốt hơn. Bây giờ chuyện đi Mỹ coi như vô vọng, tiền cũng không lấy lại được” - chị M.T. bật khóc.

Theo phản ánh của bạn đọc, khi đến SG VISA nghe tư vấn về việc đi Mỹ qua con đường lao động định cư - EB-3, khách hàng được “vẽ” ra đường đi khá dễ dàng. Thậm chí, nhân viên công ty này còn cam kết miệng rằng, tỷ lệ khách hàng được đi là 99% (1% còn lại là do khách hàng… không còn muốn sang Mỹ). Thế nhưng, rất nhiều hồ sơ của khách hàng đã bị từ chối tại Sở Nhập tịch và Di trú Hoa Kỳ (USCIS) do cơ quan này phát hiện những bất ổn của “nhà tuyển dụng”.

Them hang loat nan nhan cua SG VISA keu cuu
Nạn nhân của SG VISA liên tục đến Báo Phụ Nữ TP.HCM kêu cứu

Do đó, các khách hàng nghi ngờ, có sự cấu kết giữa SG VISA và “nhà tuyển dụng” để lấy giấy chứng nhận lao động dài hạn nhưng qua kiểm tra, USCIS phát hiện dấu hiệu mập mờ nên từ chối. Bởi lẽ, từ đầu đến cuối, khách hàng chỉ thông qua SG VISA tư vấn và đóng tiền cho đơn vị này.

Ngoài ra, có trường hợp bị USCIS từ chối do thông tin của công ty tuyển dụng không rõ ràng, chẳng hạn công ty tuyển dụng làm về nhân sự chứ không phải tuyển người vào làm cho công ty mình, nhưng lại tự nhận là công ty kinh doanh về vận tải. Có trường hợp USCIS phát hiện địa chỉ của công ty mập mờ, vị trí làm việc là khu dân cư không đủ lớn cho công việc đóng gói hàng như mô tả trong đơn I-140.

Một lý do nữa khiến cơ quan chức năng Mỹ phát hiện “dấu hiệu không bình thường” là, những bài phỏng vấn của nhà tuyển dụng với người lao động Việt Nam có vẻ giống như sắp đặt và học thuộc lòng. Nhiều khách hàng xác nhận, nhân viên của SG VISA đã cung cấp cho họ một bài phỏng vấn mẫu, yêu cầu học thuộc lòng, đồng thời trên thực tế, khách hàng cũng không được nhà tuyển dụng phỏng vấn trực tiếp. 

Them hang loat nan nhan cua SG VISA keu cuu
Một phần hợp đồng có ghi thỏa thuận SG VISA sẽ tìm đơn vị bảo lãnh mới trong 6 tháng khi hồ sơ bị từ chối liên quan đến đơn vị tuyển dụng

Từ những điểm này, nhiều khách hàng đặt nghi vấn SG VISA và các công ty liên quan đã dựng ra “công ty tuyển dụng ma” nhằm làm cho khách hàng tin tưởng đóng tiền, nhưng đã không qua mặt được USCIS dẫn đến người chịu thiệt là khách hàng, vì hồ sơ của họ bị từ chối.

Chị T.H. - khách hàng của SG VISA - nói: “Chúng tôi nghi ngờ rằng, SG VISA và các công ty chúng tôi ký hợp đồng qua SG VISA liên kết với nhà tuyển dụng để mua giấy chứng nhận lao động dài hạn, nhằm khiến chúng tôi tin tưởng, đóng tiền cho họ. Nhưng thực tế, chúng tôi chắc chắn sẽ bị từ chối vì theo luật của Mỹ, giấy chứng nhận lao động dài hạn không được phép mua bán”.

Tiền khách hàng đi đâu?

Như chúng tôi đã đề cập ở bài trước, khách hàng đến SG VISA để công ty này tư vấn nhưng phải ký lần lượt các hợp đồng gồm: hợp đồng tư vấn quản lý hồ sơ với Công ty Smaller Globe (Mỹ); hợp đồng tư vấn mở Công ty LLC, mua, quản lý nhà và hồ sơ EW với Công ty SGV Property Management Detroit LLC (Mỹ); hợp đồng dịch vụ với Công ty cổ phần Đào tạo NY - cơ sở ngoại ngữ Nữu Ước (Việt Nam); hợp đồng tư vấn quản lý hồ sơ với SG VISA (trụ sở tại Việt Nam và Mỹ).

Theo khách hàng, các công ty này có tên khá giống nhau và nhiều hồ sơ thể hiện những công ty này đều có liên quan đến gia đình ông Tôn Thất Huy và bà Nguyễn Hồng Nhung (có thông tin cho rằng, bà Nhung là vợ ông Huy). Tất cả hợp đồng trên đều nhằm mục đích tư vấn và thực hiện dịch vụ giúp khách hàng được đi Mỹ theo diện lao động định cư - EB-3.

Đáng nói, các công ty này đều ủy quyền cho bà Nguyễn Hồng Nhung đại diện. Nhiều trường hợp khách hàng chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản của bà Nhung hoặc thông qua SG VISA thanh toán các hợp đồng khác. Dù khoản tiền có giá trị hàng tỷ đồng nhưng SG VISA chỉ xuất cho khách hàng phiếu thu chứ không có hóa đơn theo quy định. Từ đây, nhiều người đặt nghi vấn SG VISA có hành vi trốn thuế.

Them hang loat nan nhan cua SG VISA keu cuu
Câu hỏi của nhà tuyển dụng và trả lời phỏng vấn được SG VISA soạn sẵn, gửi cho khách hàng học thuộc lòng

Mới đây, anh P.H. (ngụ tại Q.10, TP.HCM) đã đến SG VISA, yêu cầu giải thích về việc sử dụng số tiền mà anh đã đóng tại công ty này. Bởi lẽ, tổng giá trị hợp đồng mà anh P.H. ký với SG VISA chỉ có 230 triệu đồng, nhưng thực tế, anh đã phải đóng hàng tỷ đồng và chỉ nhận được “phiếu thu”. Trả lời anh P.H., đại diện SG VISA chỉ thông tin chung chung là đã chi tiền của anh cho các đơn vị thụ hưởng theo hợp đồng và các loại phí. Khi anh P.H. yêu cầu phía SG VISA cung cấp hóa đơn chứng minh việc chi trả cho các đơn vị thụ hưởng này thì không được đáp ứng.

“Nếu họ không cung cấp hóa đơn thì họ đã tự ý chi số tiền của tôi cho các đơn vị khác không đúng quy định. Họ phải trả lại số tiền này cho khách hàng. Ngoài ra, việc không cung cấp hóa đơn là có dấu hiệu trốn thuế và chuyển tiền trái phép vì có một số công ty pháp nhân ở nước ngoài” - anh P.H. nhận định.

SG VISA vẫn im lặng

Ngày 3/7, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã liên hệ với Công ty SG VISA để trao đổi về thông tin mà khách hàng phản ánh, đại diện công ty này đề nghị gửi câu hỏi qua email để phía công ty trả lời. Ngày 5/7, phóng viên đã gửi câu hỏi vào email theo yêu cầu nhưng đến nay, SG VISA vẫn chưa hồi âm.

Theo phản ánh của nhiều khách hàng, hợp đồng họ ký với SG VISA chỉ có giá trị 230 triệu đồng nhưng thực tế họ phải đóng khoảng 1,4 tỷ đồng. Mức ban đầu được gợi ý là 50.000 USD nhưng càng “vào sâu”, họ phải mất hơn 65.000 USD, thậm chí còn hơn thế. Đáng nói, trước đây, khách hàng ký hợp đồng với Công ty TNHH Thị thực Địa Cầu Nhỏ Hơn nhưng đến nay, qua tra cứu, họ mới biết công ty này đã ngưng hoạt động.

Khách hàng được chuyển sang làm việc với SG VISA nhưng lại không được thông báo hay nhận bất kỳ thông tin nào. Hiện, khách hàng đang rất lo lắng vì những năm qua, công ty này liên tục đổi pháp nhân lòng vòng, trong khi tài khoản nhận tiền của khách hàng vẫn là ông Tôn Thất Huy và bà Nguyễn Hồng Nhung.

Qua Báo Phụ Nữ TP.HCM, nhiều khách hàng mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc, làm rõ hoạt động của SG VISA nhằm đảm bảo quyền lợi cho họ. Hơn nữa, với việc thu tiền mập mờ, có dấu hiệu trốn thuế của SG VISA, cơ quan thuế TP.HCM cần vào cuộc kiểm tra, làm rõ. 

Tan giấc mơ Mỹ, nát luôn gia đình

- Anh H. làm việc trong một đơn vị nhà nước, sau nhiều năm dành dụm được một khoản kha khá, đã quyết định đưa cả gia đình sang Mỹ sinh sống theo diện EB-3. Đến nay, tiền mất, vợ chồng ly hôn, anh ôm theo một xấp hợp đồng ký với SG VISA đến Báo Phụ Nữ TP.HCM cầu cứu chỉ với mong muốn đòi lại được phần nào khoản tiền mình đã đóng.

- Chị M. cho biết, từ ngày dồn hết gia sản đóng cho SG VISA, đêm nào chị cũng mất ngủ. Hai năm trôi qua, giấc mơ “đi Mỹ” tan biến, chị cũng lâm cảnh trắng tay. Đến nay, chị vẫn phải giấu gia đình về chuyện này. Nỗi ám ảnh lớn nhất của chị là khi mọi chuyện bị đổ bể, có thể gia đình cũng tan nát theo. 

- Đang có thu nhập khá với công việc ổn định nhưng vì nghĩ sang Mỹ, hai con trai sẽ có điều kiện học miễn phí ở nền giáo dục tiên tiến, chị T. quyết định đánh đổi. Sau 2 năm, mất hơn 1 tỷ đồng, mất chỗ làm, gia đình cũng thường xuyên xào xáo, chị T. chỉ biết khóc...

Còn nhiều, rất nhiều những câu chuyện đau lòng tương tự như thế... !

Nhóm Phóng Viên

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Trang 30-08-2022 15:48:09

    Tôi vẫn đang theo dõi thông tin, hy vọng các cơ quan báo chí phóng viên có thể giúp đưa thông tin ra ánh sáng vì tôi cũng là một nạn nhân của công ty lừa đảo này.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI