Dọn những vướng víu

05/01/2019 - 06:00

PNO - Đầu năm 2019, rất nhiều người thông báo thanh lọc danh sách bạn bè trên Facebook, Zalo, Viber, Instagram... Đây hẳn là quyết định không dễ với những ai quen 'gửi vui gửi buồn' trên mạng xã hội mỗi ngày.

1. Giữa tuần, chị rủ tôi đi mua sắm. Mớ quần áo đựng trong ba chiếc tủ lớn không đủ phục vụ cho chuyến đi cùng hội nhiếp ảnh vào cuối tuần của chị. “Hội đó chị vừa tìm thấy trên mạng, tham gia giao lưu rồi thi thoảng offline xa Sài Gòn một chuyến” - ba tháng trước, chị khoe. 

“Còn Hội những người yêu đọc sách thì sao?” - tôi hỏi. “Ôi giời, chị giải tán lâu rồi, bọn văn chương chán lắm!”. Sáu năm, kể từ ngày chia tay chồng, chị có thêm rất nhiều bạn thông qua những hội nhóm tìm được trên Facebook. Nhìn danh sách hơn 2.000 bạn bè cùng hàng… triệu tấm ảnh chị chụp với người này người kia được “up” lên đều đặn, ai dõi theo không khó để nhận ra chị đang có một cuộc sống tích cực sau cú sốc hôn nhân. Ấy vậy, họ thường lại là những người bạn “quá giang” vào cuộc sống của chị, đi với nhau một chặng đường rất ngắn. 

Có lần, tôi nghe chị than thở: “Nhóm… U40 sau ly hôn của chị toàn những người thành đạt em ạ. Nhưng chơi với nhau thì chị hiểu vì sao họ bị bỏ hoặc bỏ người bạn đời của mình. Con X. suốt ngày chê chị sao mải miết đi chiếc Lead quèn mà không lên đời xe hơi. Thằng H. mấy lần suýt đánh cậu phục vụ quán cà phê do thấy mình không được xem là “thượng đế”. Bà T. thì suốt ngày khoe khoang dự án này công trình kia… Chị thấy rất xa lạ giữa họ”. Rút chân nhóm này, chưa kịp buồn chị đã tham gia nhóm khác, cứ thế “đánh đu” cuộc đời mình theo họ. “Thôi vui được lúc nào vui, giết thời gian còn hơn nằm nhà chết chìm trong buồn chán” - chị phân trần.

Don nhung vuong viu
Ảnh minh hoạ 

2. Vợ Quang là nhân viên bán hàng cho một siêu thị, ca làm của chị từ 13g đến 21g. Quang làm giờ hành chính. Công ty tôi chẳng ai lạ gì Quang. Chiều nào, nếu không hú người này anh cũng rủ người kia ghé quán nhậu lai rai. “Chứ tớ về biết làm gì khi không có vợ ở nhà”. 

Mới đây, công ty tôi nhận được lá thư tố cáo Quang ngoại tình do chính vợ anh mang đến. Tôi chưa rõ mức kỷ luật dành cho anh, song thấy trước cuộc hôn nhân của họ đã đến bờ phá sản. Hôm trò chuyện với vợ Quang, tôi nghe chị chia sẻ: “Cô gái ấy làm ở quán nhậu chồng mình hay lui tới. Mấy tháng nay, cô ta cứ ghen ngược với mình. Mình không giận cô ấy, do thừa biết nếu không là cô ta thì cũng cô khác. Chị bỗng cúi gằm mặt: “Quang đổ lỗi mình không thu xếp giờ làm việc sao để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, đẩy anh vào sự cô đơn nên cần người chia sẻ”. 

Tôi không cho rằng đó là lỗi của chị. Thuở yêu nhau, họ đã chênh nhau về thời gian làm việc, Quang biết rõ, chấp nhận. Có chăng, là lỗi của… nhu cầu khỏa lấp mà người chồng luôn kiếm tìm trong những giờ vắng vợ, khiến anh mải mê “quăng” mình cho rất nhiều ràng buộc, để tìm vui, tìm quên.

3. Chị sợ cảm giác một mình “chết trong buồn chán”, phải nương vào ai đó hay hội nhóm nào đó để được vui. Bạn cài Tinder (một ứng dụng hẹn hò trên mạng) với mong mỏi “có ai đó nói chuyện cho vui, giết thời gian”. Anh thà ngồi tếu táo, lai rai với đám bạn cho hết giờ rồi đến đón vợ tăng ca, tội gì về nhà một mình… 

Don nhung vuong viu
Những ứng dụng như Tinder đang ngày càng được dùng nhiều trong cuộc sống

Nhu cầu mở rộng hoặc tiếp diễn những mối quan hệ luôn chính đáng khi ta… không biết phải làm gì trong những giờ rảnh rỗi, cô đơn. Chỉ là sự khỏa lấp, tìm vui nên lâu dần, chúng ta rơi vào tình cảnh quá dư thừa những mối quan hệ, những hoạt động tương tác mà tin rằng, một lúc nào đó nhìn lại nếu không mệt mỏi cũng giật mình cám cảnh: “Triệu người quen có mấy người thân”.

Chồng cũ về “quậy” một phen khi xin thay đổi quyền nuôi con không thành, chị ôm bầu tâm sự lướt đi lướt lại danh sách hơn 2.000 người bạn, không tìm ra một người tin cẩn. Anh đối mặt với cơn lao đao vợ tố ngoại tình, gặp người bạn nhậu trung thành chỉ nhận được những rủ rê đi đỏ đen vài phen cho vui. Sau ba cuộc gặp với ba người đàn ông tìm thấy trên Tinder, bạn gỡ bỏ cài đặt, chán nản tuyên bố không bao giờ kết bạn với người lạ…

Tôi còn nhớ trong cuốn sách Lối sống tối giản của người Nhật, Sasaki Fumio nêu cao tinh thần tối giản để tự do. Trộm nghĩ, không biết Sasaki Fumio sau khi tối giản những vật dụng quanh mình, anh có nghĩ đến tiếp tục “thanh lọc” những điều khác khiến anh phải phân thân, phân tâm và ngột ngạt? Vì cuộc sống, suy cho cùng đâu phải chỉ nhu cầu vật chất trói chân. 

Một cuộc sống tối giản, còn đồng nghĩa với con người ít vướng víu những “ràng buộc” xung quanh, đến từ những mối quan hệ không cần thiết, ít cần thiết, đem đến khác biệt gây mệt mỏi và cả một nội tâm… bao đồng, luôn lo sợ bỏ lỡ. Ngày qua, bỗng một lúc gào lên thảm thiết: “Cô đơn ngay cả khi có nhiều hơn những thứ mình cần”. 

Tiêu Kiếm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI