Nuôi con học hành giỏi giang để con biết cách đòi chia gia tài

11/05/2017 - 16:30

PNO - Làm cha làm mẹ ai cũng đến lúc phải đối diện với chuyện chia tài sản cho con cái, nhưng chuyện ập đến quá thình lình, bà chưa chuẩn bị tinh thần, lại đang tràn trề hy vọng.

Trở trời. Không phải, lần này hình như không phải vì trở trời, bởi một cơn trở trời thì không đủ sức khiến bà phải nằm bẹp một chỗ, bình thường bà chỉ cần quệt tí dầu cù là, nặng hơn thì nấu nồi lá xông là xong. Lần này bà mệt thật sự, đầu cứ nặng trình trịch.

Nuoi con hoc hanh gioi giang de con biet cach doi chia gia tai
Ảnh minh họa

Nặng ở chỗ khác còn xoa bóp, còn đắp lá thuốc được chứ nặng trong đầu thì biết làm sao? Bà nhớ đứa con trai lớn có lần nói, người lao động chân tay nhìn nặng nhọc vậy mà khỏe, xong việc là ngủ ngon; còn người làm việc bằng cái đầu nhìn tưởng là nhàn nhưng nhiều khi không thể ngủ được.

Hồi mới nghe con nói vậy bà tự hào lắm. Dân quê giờ nhiều người có con học đại học nhưng tốt nghiệp xuất sắc như con bà thì quả là của hiếm. Mỗi khi con về thăm nhà, sáng đèn suốt đêm làm việc với cái máy tính, bà như nhìn thấy một thế giới khác đầy bí ẩn, cao xa. Bà càng thêm tự hào. Ngay như lúc này đây, đang buồn thấm thía mà niềm tự hào đó vẫn còn nguyên. Bà thật không biết phải giải thích thế nào.

Vợ chồng bà có hai con trai. Đứa lớn được trời cho thông minh, học một biết hai, từ nhỏ đến lớn năm học nào cũng đem bằng khen hạng nhất về nhà, cả huy chương của nhiều cuộc thi. Khách đến chơi, nhìn bức tường treo đầy bằng khen và huy chương, cứ tấm tắc vợ chồng bà có phước. Nhiều người còn nói, con giỏi vậy thì có phải bán nhà cho con ăn học, cha mẹ ở lều tranh cũng cam lòng.

Không đến nỗi phải bán nhà như người ta nói, nhưng năm đầu tiên con vào thành phố học đại học, vợ chồng bà cũng phải bán đi con bò. Xe bò không còn bò, vợ chồng bà và thằng Út phải thay nhau thồ. Bốn năm tiếp theo thì bán lai rai, mùa nào thứ ấy, khi thì thóc lúa đậu mì, khi lứa heo con... Có khi không bán gì nhưng hai vợ chồng với thằng Út phải thay nhau đi làm công cho người ta, dồn tiền lại cuối tháng gửi lên thành phố.

Nuoi con hoc hanh gioi giang de con biet cach doi chia gia tai
Ảnh minh họa.

Thằng Út cũng muốn chứng tỏ mình tuy không giỏi bằng anh nhưng mà tình thương anh thì không thua gì ba má. Cây mít sau nhà có trái vừa chín là nó điện thoại hỏi anh có muốn ăn mít chín cây không, em gửi xe vào. Nhà xe chuyển một thùng hàng về thành phố giá ba chục ngàn, trái mít to bằng một thùng hàng nên cũng tốn ba chục ngàn, bằng tiền mua hai cái vé coi phim ở nhà văn hóa.

Thường thì tụi nhỏ tiếc tiền, đợi phim chiếu được gần nửa người ta mở cửa cho vô tự do mới vào xem, vậy mà... Đó là chuyện hồi nhỏ. Giờ lớn hơn, thằng Út thương anh kiểu khác. Nó nhờ bạn gái đi chợ mua mớ tôm đồng về rim mặn gửi anh Hai. Anh Hai bận học hành ghê lắm, làm gì có thời gian nấu nướng.

Nó nói vậy cũng là để khoe mình có người anh giỏi giang. Lại khoe thêm, anh hứa khi nào ổn định sẽ đón em vào thành phố học nghề điện tử, không chỉ thoát đời làm nông cực khổ mà còn có được cái nghề phải động não cho biết này biết nọ với đời.

Biết này biết nọ với đời - mấy chữ đó cứ như tiếng chuông thanh bình và đẹp đẽ vang vang trong giấc mơ đổi đời của gia đình bà. Mọi người đều tràn ngập niềm tin người con lớn thành đạt sẽ làm đầu kéo cho cả nhà.

Trước đây, mỗi khi xương khớp nhức nhối bà chỉ sợ mình không còn sức để lo cho con tới nơi tới chốn, nhưng giờ thì bà đã yên tâm hơn rồi. Bà nghĩ đến thằng con lớn như một chỗ dựa vững chắc. Thằng Út không giỏi giang bằng anh nhưng được cái chăm chỉ, hiền lành và chịu nghe lời. Anh em đùm bọc nhau, cha mẹ còn trông mong gì hơn? 

Vậy mà đùng một cái, thằng anh điện thoại về đòi chia gia tài. Mớ tôm đồng kho mặn ngon thì có ngon nhưng lại khiến thằng anh chợt nhận ra em mình đã lớn, lỡ nó lấy vợ trước mình thì sao? Thôi trước sau gì thì cũng chia tài sản, giờ ba má cứ chia luôn, mai này khỏi rắc rối.

Giọng thằng con trai rõ ràng, khúc chiết. Mấy đứa bạn con làm trên ủy ban huyện nói quy hoạch có con đường lớn đi qua ruộng nhà mình, vừa được đền bù vừa thành đất mặt tiền. Là anh nhưng mà con không phong kiến đâu, cứ chia hai phần bằng nhau, phần con thì bán đi để con mua căn hộ chung cư ở đây, ba má muốn ở với đứa nào tùy ý.

Bà lặng người, cái điện thoại trên tay như run lẩy bẩy. Làm cha làm mẹ ai cũng đến lúc phải đối diện với chuyện chia tài sản cho con cái, nhưng chuyện ập đến quá thình lình, bà chưa chuẩn bị tinh thần, lại đang tràn trề hy vọng. Con bà học hành để biết này biết nọ là đây sao? Đất ruộng thành mặt tiền mà sao miệng bà đắng ngắt.

Cuộc điện thoại vỗ vào mặt bà một cú thẳng thừng, đập tan tành giấc mơ đùm bọc. Tàn nhẫn hơn là thằng con biết rõ vợ chồng bà sống chết gì cũng gắn bó với quê. Chia đôi. Ba má ở với đứa nào tùy ý.

Bà nằm liệt, yếu đến nỗi phải lên trạm xá truyền dịch. Bà giấu không dám kể ai nghe về cú điện thoại, sợ nỗi ghen tị bấy lâu sẽ thành tiếng cười chê. Nếu không có cơn mưa, chắc bà cũng chẳng thổ lộ với tôi.

Nhưng cũng có thể vì một điều gì khác. Thằng con Út chạy chiếc Dream tàu đem cháo lên trạm xá cho bà, vừa mở nắp gà mên vừa nói: “Ba dặn con đừng gọi báo cho anh Hai là má bệnh, mất công anh lo lắng”. Nước mắt bà lại tuôn.

“Vài bữa khỏe lại tôi sẽ nói với chồng tôi, coi như chính tôi nghĩ ra cái chuyện chia đôi đó. Nhà mình phước phận ngắn ngủi, biết làm thế nào. Cũng may là nó gọi điện cho tôi. Chồng tôi bị huyết áp, nghe vậy chắc là khỏi cứu luôn, cô à”.

Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI