Thủ phủ của 'quốc bảo' - tiền bó trong mây

02/11/2018 - 06:44

PNO - Mây vờn kín thung lũng, sà xuống rồi bốc lên như có gió xoáy. Cũng mây đó nuôi cây sâm, còn người thì ôm tiền đi trong mây…

LTS: “Sâm Ngọc Linh như một quốc bảo của nước ta” (phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi khánh thành Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh tại Kon Tum, ngày 5/9). Sâm Ngọc Linh nay không còn độc quyền của những cư dân Xê Đăng trên nóc nhà Đông Dương, bởi sản phẩm này đã mở đường cho sự chuyển mình ngoạn mục của một vùng núi hoang vu trở thành kho báu.

Nhưng khi giá trị của sâm Ngọc Linh chỉ mới dừng lại ở những cuộc mua bán “tiền trao cháo múc”, thì cũng đồng nghĩa nhận thức mới chỉ loanh quanh ở chuyện tiêu xài của những “trưởng giả học làm sang” dưới tán lá rừng. Để họ vươn lên khỏi những… mây mù chỉ toàn là tiền, để cây sâm vụt cao hơn trong nhận thức của những cư dân bản địa lẫn cái nhìn của cộng đồng, tỏa bóng rợp hơn, đáng tự hào hơn, xứng là “quốc bảo”, có lẽ còn là một hành trình gian nan, mà nếu chỉ riêng mình họ thì không thể làm được.

Họ nắm trong tay bạc tỷ, đang giã biệt cái nghèo, nhưng mây vẫn lẩn quất trong mắt họ. Khoảng cách từ làng xuống phố không xa nữa, nhưng cái nhìn sấp ngửa nửa bê tông nửa nhà sàn vẫn níu chân họ. Mây đã đẻ ra tiền cho họ, và cũng chính mây khiến họ chỉ loanh quanh với tiền… Vén mây để thấy một khoảng trời khác là chuyện còn rất xa vời.

Thu phu cua 'quoc bao' - tien bo trong may
Sâm Ngọc Linh

Thay vì bắt đầu đi bộ từ sáng sớm ở huyện thì chiều muộn mới đến xã Trà Linh, nay xe máy chạy non 2 giờ đã đưa tôi chạm cổng làng Tắc Ngo (thôn 3). Vẫn mây, sương mù phủ kín và những mái tôn trông như cây nấm lớn. Trời có ấm hơn, dù ban đêm vẫn vậy, buốt lạnh. Căn phòng tạm bợ của cô giáo cắm bản năm kia, giờ nằm chơ vơ bên vệ đường. Những phòng học gỗ cũ nát, mùa mưa thường phải nghỉ học buổi chiều vì gió và sương mù mờ mịt, giờ đã được thay bằng bê tông. Điện, sóng điện thoại di động đã phủ. Tôi cố nhớ lại chỗ này, chỗ kia thuở đó. Tất cả đều biến mất dưới đá gạch.

Cơn trở dạ trên nóc nhà Đông Dương này bắt đầu từ việc huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) làm đường ô tô đến tận xã và các thôn. Người Xê Đăng sống dưới rừng già bắt đầu cuộc dịch chuyển về trung tâm huyện, chở sau xe máy là sâm. Cứ mỗi tháng, phiên chợ sâm mở một lần. Những con số 5 tỷ, 10 tỷ đồng thu được, hé mở những tưởng tượng đầy khêu gợi, tò mò về sự giàu có của người dân vùng Ngọc Linh. “Họ giàu lắm” - cán bộ và dân dưới huyện không ngớt trầm trồ…

Tôi nhảy qua con suối cạn, rẽ vào chỗ đang giặt đồ, nước từ bồn nhựa khá to chảy ra chứ không phải từ cây lồ ô nối những máng nước như năm xưa: “Nhớ ai không?”. Chị ngẩng lên, nhìn chằm chằm. Bạn đồng nghiệp là người địa phương nhắc: “Năm đó uống rượu nhà chị bị đau bụng đó”. “Ồ”. Năm đó, cách đây 7 năm. Một buổi tối quanh bếp lửa trong căn nhà gỗ chật chội, hôi hám. Rượu cần rót ra bát to, tôi quất liền, sau đó ráng ngậm cứng miệng vì mùi hôi quá, rồi từ chối. Chị Vân uống. Anh Hồ Văn Hình chồng chị  cũng uống trong tiếng khóc léo nhéo của hai đứa con. 

“Ồ, nhớ rồi”, chị nắm tay tôi cười. Như bao người chốn mây mù này, chị vẫn ăn trầu với thuốc lá xay thành bột và uống rượu. Đứa con thấy khách sợ quá bám riết mẹ. Căn nhà mới xây 1,7 tỷ đồng còn ngổn ngang. Tấm phản gỗ mới cứng còn mùi sơn phun, to đùng. “Mới mua, 300 triệu đó”. Cái này ở huyện chừng 150 triệu. “Làm mấy cái nhà?”. Cách chừng 2m là một căn nữa đang xây dở dang: “Ừ, à, 4 cái”. “Bao nhiêu tiền hết thảy?”. “Ui, chưa tính, chắc chừng 5 tỷ đồng”. “Ông Hình đâu?”. “Đi Tam Kỳ rồi, mới mua ô tô”. “Bao nhiêu tiền?”. “1,5 tỷ”.

Thằng con khóc thét. “Mấy đứa con rồi? Thằng này con út hả?”. “Không, có đứa mới đẻ 4 tháng. Ừ, 8 đứa con”. Tôi choáng. Chị còn có hai con riêng đời trước. Một đám lít nhít la chạy ngoài sân. “Con đầu có đi học không?”. “Không, nó có vợ, sắp đẻ rồi”. “Nó bao nhiêu tuổi?”. “Không biết - chị cười vẻ xấu hổ - vợ nó bên Kon Tum”. “Thằng nhỏ này 3 tuổi rồi, sao không đi học?”. “Nó không chịu đi, cho tiền cũng không đi”, chị lại cười. 

Thu phu cua 'quoc bao' - tien bo trong may
Nhà anh Hồ Văn Hình, một lúc xây 4 cái

Sau lưng là căn bếp chật chội, hôi hám, mé góc cửa ra vào là một tủ lạnh Samsung to vật vã, mới toanh. Tôi mở tủ, trống trơn. “Mới mua 28 triệu hôm qua đó”. “Có cất tiền trong này không?”. Chị cười to: “Không, cũng không biết cất chi”. Thực phẩm ở đây phải mua từ đồng bằng, không thì có chi ăn nấy từ rừng. Tôi nhìn chị Vân một lần nữa. Gương mặt ám khói. Chị đã thành bà lão mất rồi, dù sinh năm 1977.

***

Thôn 3 này là nơi tập trung các “tỷ phú sâm”. Chủ tịch xã Hồ Văn Thể cho con số: 570/677 hộ trồng sâm trên diện tích 2.000ha. Giá sâm củ, tùy theo loại, nhưng loại 1 chắc chắn không dưới 120 triệu đồng/kg. Lá, cây con, hạt, đều quy ra tiền triệu. Cây 1 tuổi từ 300-350.000 đồng, cây ba tuổi 1 triệu đồng... Hạt thì bán theo lon (loại lon sữa Ông Thọ), mỗi lon 1.000 hạt, mỗi hạt 80.000 đồng. Nếu gieo 7 tháng sau, mỗi hạt  ra một cây, thì giá trị lên gấp 3 lần. Nên có chuyện vui mà có thật, là bây giờ dân Trà Linh đi nhậu không cần cầm theo tiền, chỉ bỏ túi 4 hạt là đổi được một thùng bia!

Từ năm 2009 đến nay, khi giá sâm bắt đầu nhích lên, họ biết được giá trị của nó nên ra sức trồng và… giấu kỹ. Tôi hỏi ông Thể: “Anh có trồng sâm không?”. Ông ngẩng lên rồi cúi xuống, cười cười. “Nói đi, tôi ở xa, không ăn trộm được đâu”, tôi đùa. “Ừ thì được một ít”. “Một ít là mấy ngàn? Năm ngàn cây hả?”. “Ừ, à”. Ông lảng qua chuyện khác: “Xã tôi có 334 hộ nghèo”. Tôi tưởng mình nghe không rõ, bèn hỏi lần nữa. Ông xác nhận: “Chừng đó, theo tiêu chí điều tra đa chiều, không điện, xe máy, ti vi, tủ lạnh là nghèo”. 

Ông trầm ngâm: “Quy định này vô lý. Đây, thôn tôi có thằng Hồ Viết Gương hộ nghèo, xã hỗ trợ miết, nhưng nó lại có 10.000 cây sâm, trị giá 4 tỷ đồng, chuẩn bị xây nhà to, nhưng nhà nó chưa có điện, không tủ lạnh, ti vi, vậy có nghèo không?”. Ông bật cười hô hô: “Nếu tính đúng, chỉ còn 25% nghèo thôi. Có tiền nhiều cũng đỡ, nhưng mệt lắm, sinh ra đủ thứ”. “Cụ thể là chi?”. “Nhà Hồ Văn Hình đấy, giàu nhất nhì xã, anh biết rồi đó, nhưng con cái không học, rồi trộm cắp sâm, say rượu, tiêu xài không đúng chỗ”. 

Năm đó tôi lên, chứng kiến họ uống rượu. 22 nóc nhà, cứ tính trung bình mỗi nhà 5 người, nhưng lò rượu của một giáo viên cắm bản ở đây mỗi ngày làm ra 150 lít, bay sạch. Già trẻ trai gái uống và uống. “Còn, chủ yếu là bia”. Tôi dạo quanh làng, vỏ bia ngổn ngang. Cả nóc này 37 hộ, nhưng có đến 8 quán tạp hóa. Chiều có nghe anh Đức, chủ quán kể: ngày 20/10, chi hội phụ nữ liên hoan, 37 chị em uống hết đúng… 40 thùng! 

Thu phu cua 'quoc bao' - tien bo trong may
Trường mẫu giáo thôn 3 vừa đưa vào sử dụng

“Mình là đàn ông, nói thiệt tôi uống cũng khá lắm, nhưng nhìn họ uống, tôi run chân”, anh kể và kết luận: “Giàu, nhưng chỉ chừng ấy thôi. Ngày nào cũng uống, từ sáng đến chiều, vác bia vô rẫy thay cho nước chè, làm mệt là uống. Con nít bỏ học cũng không lạ, nói có tiền rồi học cũng vậy thôi, mệt”. Thầy giáo Võ Hồng Lợi, hiệu phó trường tiểu học cho hay, năm ngoái có 18 em bỏ học, nhiều nhất huyện, năm nay thì chưa thấy.

Đêm xuống, ánh điện như những ngôi sao to tướng đậu trên nóc nhà, như lẻn vào sương và mây vấn vít ngay cầu thang.  Họ bắt điện cả trên nóc. Nhiều nhà đang hối hả xây. Tôi ngó vào một bếp, thấy họ đang nhậu. Hồi đó, ánh sáng là bếp lửa. Giờ vẫn còn bếp đó, nhưng đèn điện và ti vi át ánh lửa. Uống xong, họ hát, nhà nào cũng có dàn karaoke. Chị Biềm, nhà sát chị Vân, rầu rầu: “Uống hát cả đêm, mệt lắm, họ giàu mà”. Ông Thể nói: “Nếu tính luôn số người đang chờ lấy đăng ký xe, thì số ô tô trị giá 1 tỷ đồng trở lên của xã là 13 chiếc. Họ ra Huế, đi Quảng Ngãi học lái xe chứ không thèm xuống Tam Kỳ. Thích vậy đó”.  

Đau ốm, taxi về thẳng bệnh viện tỉnh cách chừng 200km, không thèm ghé bệnh viện huyện. Có một ông, đếm tiền bằng cách xếp lại một xấp tờ mệnh giá 500.000 đồng, bỏ lên cân bao nhiêu ký là bấy nhiêu tiền, sau đó, chỉ cân, không đếm. Ba năm qua, kể từ ngày giá sâm mỗi ngày một cao, họ cũng bắt đầu rộ lên chuyện hiếu hỷ quà cáp dịp cưới xin, sinh nhật, thôi nôi con, một lối hành xử chưa từng có ở người Xê Đăng. Con trai ông Thể sinh nhật 1 tuổi, được anh Hồ Văn Lượng (sở hữu 250.000 gốc sâm), tặng 5 cây sâm 3 tuổi. Số sâm này, ông Thể dành riêng cho con, không đụng đến, khi nó lớn lên, đó là tài sản của nó. Năm 2016, vợ chồng Hồ Văn Biên và Hồ Thị Méo cưới nhau, gia đình hai bên cho 1.500 gốc, làm của để dành.

Tức là họ đã biết tư duy cái lợi lâu dài, khi sâm đã thay tiền làm vật trao đổi. Làm nhà, mua vật liệu, thực phẩm, cưới xin, ngay cả việc trả công làm lụng cũng bằng sâm. Ông Thể cười vẻ thỏa mãn: “Chi bộ cơ quan tôi, nhiệm kỳ trước gây quỹ bằng cách góp cây sâm để trồng trong 5 năm, hết nhiệm kỳ chia nhau mỗi người được mấy chục triệu. Hội Phụ nữ cũng vậy, ở đây Chi hội Phụ nữ thôn 3 là chi hội giàu…nhất nước”. 

Chị Hồ Thị Gỉ, chủ tịch Hội Phụ nữ địa phương nói: “42 chị em, mỗi người góp hai cây, từ năm ngoái, thuê người chăm giữ, khi nào thu hoạch sẽ trả công cho họ. Tụi em phát động các thôn khác nhưng chưa được. Chỉ có cách vậy Hội mới có tiền”. Tôi lội quanh làng. Vẫn nước chảy tràn, nhầy nhụa  rác, phân súc vật, trẻ con đầu trần chân đất, nhiều đứa hớt tóc bắt chước trong phim ngoại, bước vô quán tự tin lắm, xòe tiền như xòe bài, những cái nhìn kín đáo rồi quay mặt đi của phụ nữ sau cánh cửa…

Thu phu cua 'quoc bao' - tien bo trong may
Sâm lá, củ tại lễ hội sâm Ngọc Linh

Chị Gỉ trầm ngâm: “Như bà Vân đó, giàu mà quá cực. Vận động sinh đẻ ít, không nghe. Họ tiêu tiền dữ dằn, nói: “Trước đây nghèo, không có ăn, chừ có tiền thì ăn, chứ chết không mang theo”. Tất nhiên nhiều người cũng biết gửi tiết kiệm, rồi lo cho con đi học, nhưng kiểu tiêu tiền như thế này, em thấy sao đó”. 

***

Cái “sao đó” ám tôi từ chiều qua đến sáng sớm nay. 4g sáng tôi ra đứng ngó. Mây kín đỉnh Ngọc Linh. “Sao đó” hay là mây trong mắt họ, dù tay họ đang đầy tiền. Những tiện ích công nghệ hiện đại đã lên tới đây rồi, không khó khăn gì khi thấy họ, nhất là lớp trẻ cầm trên tay điện thoại hạng sang, tiêu tiền như nước, vài đứa cha mẹ đưa xuống huyện học nhưng cắm đầu vô quán game.

Tôi gặp Hồ Văn Hình đang đứng xỏ tay túi quần ngay cổng. Anh vừa xuống thành phố để trang trí nội thất chiếc xe mới mua. Năm 2017, anh thu hoạch được 300 lon hạt; năm nay 100 lon; số sâm bán ra  được 10 tỷ đồng rồi. Anh đã cạo râu, trông lạ hoắc, có thêm cái nanh lợn rừng bằng vàng lủng lẳng nơi ngực, còn lại tôi ngó kỹ, vẫn thế, vẫn lối nói thật chậm, trả lời ậm ừ bằng tiếng gió trên vòm họng và cái nhìn không sơ không thân. “Có mua xe, xây nhà nữa không?”. “4 cái rồi, hết đất rồi. Xe thì thôi”. “Sao không cho con đi học?”.

Anh trả lời bằng cái nhìn cụt ngủn. Chờ cho anh đi khuất, tôi ngoắt tay ra hiệu chị Vân đứng gần đó. Không như hôm qua nói cười, hình như có điều chi đó khiến chị luôn nhìn xuống. Mây vờn kín thung lũng, sà xuống rồi bốc lên như có gió xoáy. Cũng mây đó nuôi cây sâm, còn người thì ôm tiền đi trong mây… 

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI