Cú hích cho sản phẩm Việt Nam giành thị phần quốc tế

15/05/2017 - 10:00

PNO - Bảy sản phẩm (SP) công nghệ cao (CNC) thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, nano, bán dẫn và tự động hóa của các cá nhân, doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) sẽ đứng vững ở thị trường nước ngoài.

Định hướng này nằm trong chương trình TP hỗ trợ thương mại hóa, đưa SP Việt Nam ra thế giới và đây cũng là khao khát “được ghi bàn” trên thương trường quốc tế của nhiều người dân Việt Nam.

Cu hich cho san pham Viet Nam gianh thi phan quoc te
 


Song để “vượt vũ môn” ra khỏi ao nhà, đâu mới là vé thông hành quan trọng nhất? Phóng viên báo Phụ Nữ đã trao đổi với ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP, xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về khả năng DN Việt Nam, thuộc SHTP, xuất khẩu SP ra thế giới?
- Ông Lê Hoài Quốc: Tính đến thời điểm này, số lượng DN Việt Nam hoạt động trong SHTP nhiều hơn so với các DN có vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài). Minh chứng là trong 115 dự án đang triển khai, có hơn 60% dự án của các DN Việt.

Song xét về vốn đầu tư, các DN Việt Nam có vốn đầu tư thấp hơn các DN có vốn FDI, cụ thể tổng vốn đầu tư của DN Việt chỉ chiếm 15% tổng vốn đầu tư tại SHTP và giá trị sản xuất mang lại cũng thấp, tương đương 10% tổng giá trị.

Điều đó cho thấy, vốn đầu tư không phải là thế mạnh của DN Việt Nam. Không chỉ thế, DN Việt Nam cũng gặp thách thức về công nghệ và thiếu nhân lực có chuyên môn, trình độ cao.

Cu hich cho san pham Viet Nam gianh thi phan quoc te
Doanh nghiệp Việt phải nỗ lực trong quá trình sáng tạo, đưa sản phẩm CNC ra thế giới.


Song nếu nói vì những cản trở đó mà DN Việt Nam không thể xuất khẩu SP ra nước ngoài là không thuyết phục. Nói là thiếu, nhưng nhiều DN Việt cũng có những cá nhân giỏi về chuyên môn, giàu tâm huyết.

Do đó, trên nền tảng này, một trong hai sứ mệnh quan trọng mà SHTP đặt ra là phải tập trung hỗ trợ các DN trong nước thương mại hóa SP.

Nói như vậy thì trong chương trình này, SHPT sẽ triển khai hỗ trợ DN thương mại hóa SP như thế nào, thưa ông?
- Việc tạo ra SP là điều không đơn giản và càng không đơn giản gấp nhiều lần như thế nếu đó là SP CNC. Lý do là vì SP CNC đòi hỏi ở mức rất rất cao về chi phí, trang thiết bị và trình độ sản xuất. 
Vì vậy, các chính sách hỗ trợ kịp thời sẽ làm đòn bẩy để các DN tự tin, mạnh dạn nghiên cứu, sáng tạo SP mới. Từ năm 2016, chúng tôi đã trình UBND TP.HCM “Dự án Khoa học và Công nghệ thí điểm hỗ trợ thương mại hóa các SP CNC trong hoạt động nghiên cứu triển khai tại SHTP, giai đoạn 2017 - 2018”.

Chương trình dự kiến triển khai trong vòng ba năm. Mỗi DN được hỗ trợ tối đa hai dự án, mỗi dự án không quá ba tỷ đồng. Tổng ngân sách TP chi ra sẽ không quá 50 tỷ đồng/năm. Các DN sẽ dùng số tiền hỗ trợ này để đầu tư xây dựng ý tưởng, hoàn thiện thiết kế, chất lượng SP, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ khâu phân phối, tiếp thị SP. 

Song song đó, SHTP còn có các hoạt động đã và đang hỗ trợ DN như tiếp cận vốn vay, có quỹ kích cầu, tìm kiếm, hỗ trợ trang thiết bị, phòng thí nghiệm. Hiện nay, dự án đã được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM thông qua và có tờ trình cho UBND TP.HCM từ tháng 4/2017, hy vọng sớm được phê duyệt. 

Câu chuyện xuất khẩu SP CNC đã được đề cập nhiều lần. Và đặc biệt với cách đề cập quyết liệt như lần này, người Việt Nam liệu có thể tin rằng SP CNC Việt Nam chắc chắn sẽ có chỗ đứng trên thương trường thế giới?
- Chúng ta đã từng nghe chuyện DN Việt không làm nổi ốc vít, dụng cụ sạc pin… cho một tập đoàn điện tử lớn. Rõ ràng, cách làm ăn theo kiểu động tay chứ không động não như trước nay đã giết chết cơ hội vươn xa của DN. Và từ thực tế này, các DN Việt Nam đã thay đổi, đã có DN trở thành đơn vị cung ứng số 1 cho một tập đoàn quốc tế.
Do đó, việc đưa SP CNC xuất khẩu không chỉ là câu chuyện của bảy SP nằm trong chương trình hỗ trợ năm 2017. Nhìn rộng hơn, đó là tín hiệu lạc quan cho ngành sản xuất của Việt Nam và sẽ có nhiều DN Việt tạo ra các SP CNC.
Song cho dù đã có sự hỗ trợ của nhà nước, nếu DN không nghiên cứu để phát triển, thì cơ hội để SP sống ở thị trường nước ngoài là hiếm hoi. Ý tưởng sáng tạo, trí tuệ của chính DN mới là vé thông hành quan trọng nhất để bơi ra biển lớn.
Xin cảm ơn ông!

7 sản phẩm công nghệ cao được hỗ trợ thương mại hóa
1. Miếng đắp giúp làm lành vết thương có chiết xuất nhung hươu gắn kết quy trình ông nghệ tạo vật liệu nanocellulose của Công ty TNHH Thế giới Gen.
2. Sản phẩm công nghệ cao y sinh học ứng dụng trong điều trị chấn thương chỉnh hình (nẹp ốc cho gãy xương đùi, xương cẳng tay, cánh tay…) của Công ty CP nhà máy trang thiết bị y tế USM Healthcare.
3. Bột nanolycopene 5 - 10% hướng đến ứng dụng viên nang chống nắng của Công ty TNHH Thế giới Gen.
4. Dung dịch thuốc tiêm Stimus của Công ty TNHH CNSH Dược Nanogen.
5. Keo tản nhiệt từ nền vật liệu carbonnanotube và graphen ứng dụng trong các thiết bị điện tử của Công ty CP Nano năng lượng và môi trường Neetech.
6. Sản phẩm ứng dụng công nghệ MEMS trong chế tạo linh kiện cảm biến áp suất đo mực nước của Công ty CP Phát triển cơ điện tử MEMSITECH.
7. Sản phẩm siêu cách nhiệt sử dụng silicaaerogel dạng tấm, hoặc sơn, lớp phủ của Phân viện Miền Nam -Viện Vật liệu xây dựng.

Ông Lê Hoài Quốc cho biết: "Ngoài ý thức nỗ lực của DN, SHTP còn có những quy định để thúc đẩy DN thuộc khối của mình đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế: 

Xu hướng phát triển của các DN lớn trên thế giới là tăng giá trị vô hình (tức tài sản trí tuệ) và giảm giá trị hữu hình (máy móc sản xuất, nhân công…).

Hầu hết khi các DN vào SHTP, chúng tôi đều buộc DN cam kết phải có hoạt động nghiên cứu và phát triển. Điều này có nghĩa DN phải đầu tư thêm kinh phí, trí tuệ, thời gian. Thị trường thay đổi mỗi ngày, anh không nghiên cứu để phát triển thì sẽ tụt lại phía sau. 

Khi DN tham gia vào SHTP, có nhiều dự án của DN mà chúng tôi phải nuôi từ trong trứng nước. Ví dụ, dự án của Công ty CP Phát triển Công nghệ Viotek đã nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm nano nghệ dạng nước và đang được tiêu thụ tốt tại thị trường trong nước.

Tuy nhiên, muốn vươn xa hơn, Viotek buộc phải cho ra sản phẩm viên nén nano nghệ tiện dụng...". 

 Thu Hồng (thực hiện)

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI