TP.HCM: Đảm bảo quyền chăm sóc y tế và giáo dục cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS

30/07/2019 - 17:59

PNO - Trẻ nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi giải trí.

Theo ước tính của Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM, Thành phố hiện có khoảng 25.000 trẻ dưới 16 tuổi nhiễm hoặc chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (có cha mẹ nhiễm HIV/AIDS, sống với người nhiễm HIV/AIDS), riêng trẻ nhiễm HIV là 1.228 em, trong đó có 1.162 em đang được điều trị. Do gia đình, người chăm sóc trẻ nhiễm HIV vẫn còn sợ bị kì thị, bị phân biệt đối xử, nên đôi khi giấu tình trạng bệnh của trẻ dẫn tới quá trình chăm sóc y tế, trợ giúp tâm lý, pháp lý gặp khó khăn, gián đoạn. 

Thông tin trên được bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân - Chủ tịch Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM đưa ra vào sáng nay, 30/7, nhân lễ khởi động Dự án “Đảm bảo quyền chăm sóc y tế và giáo dục cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại TP.HCM” (gọi tắt là Dự án Quyền của em) do tổ chức phi chính phủ Oxfam tại Việt Nam hỗ trợ.

TP.HCM: Dam bao quyen cham soc y te va giao duc cho tre bi anh huong boi HIV/AIDS
Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân - Chủ tịch Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM - thông tin về tình hình trẻ nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Dự án Quyền của em nói đơn giản là đảm bảo quyền trẻ em cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, sẽ triển khai từ nay đến hết tháng 5/2020. Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM đặt mục tiêu tiếp cận và truyền thông nâng cao nhận thức về quyền trẻ em, nhu cầu hỗ trợ pháp lý của trẻ dưới 18 tuổi nhiễm HIV đang điều trị và người chăm sóc trẻ tại 27 phòng khám ngoại trú trên địa bàn thành phố; giúp trẻ nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tăng cường khả năng tiếp cận và thụ hưởng quyền được chăm sóc y tế, quyền được trợ giúp pháp lý và quyền được giáo dục, vui chơi giải trí lành mạnh.

TP.HCM: Dam bao quyen cham soc y te va giao duc cho tre bi anh huong boi HIV/AIDS
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.HCM - đánh giá cao mục tiêu của dự án và hy vọng ngày càng có nhiều cá nhân, tập thể cùng chung tay hỗ trợ người nhiễm nói chung, trẻ nhiễm HIV nói riêng.

Thực tế, thời gian qua, Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM đã thiết lập được mạng lưới kết nối các cơ sở y tế, tình nguyện viên, nhân viên công tác xã hội tham gia vào hoạt động hỗ trợ trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS với các hoạt động cụ thể như trao tặng quà, tổ chức họp mặt vui chơi ngày 1/6, Tết Trung thu, chuyển gửi điều trị, tư vấn tâm lý…

TP.HCM: Dam bao quyen cham soc y te va giao duc cho tre bi anh huong boi HIV/AIDS
Đại biểu tham dự nêu một số thắc mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án.

Triển khai dự án này, trong vòng một năm, những cán bộ nhân viên của dự án sẽ gặp gỡ, thông tin các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền trẻ em cho 1.000 trẻ, 500 người chăm sóc trẻ nhiễm HIV (ở các bệnh viện Nhi Đồng 1, 2 và địa bàn dân cư), 30 cán bộ phường - xã thuộc các quận 4, 6, Gò Vấp.  Song song đó, sẽ có những đợt khảo sát để trợ giúp pháp lý cho 200 trẻ, giáo dục nghề nghiệp 30 trẻ vị thành niên, tạo sân chơi cho 100 trẻ và mua bảo hiểm y tế tặng 200 trẻ.

TP.HCM: Dam bao quyen cham soc y te va giao duc cho tre bi anh huong boi HIV/AIDS
Đại biểu kí tên ủng hộ dự án.

Theo ông Nguyễn Anh Phong - đại diện người sống với HIV Việt Nam chi nhánh phía Nam, hiện nay nhiều trẻ nhiễm HIV không có giấy tờ tùy thân để tiếp cận y tế, giáo dục là điều khiến những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS vô cùng trăn trở. Lý do, một số trường hợp ba mẹ đã mất, các em sống với người quen, thân; vì lo sợ bị kì thị nên người thân không khai báo. Dự án sẽ nỗ lực hỗ trợ làm giấy tờ tùy thân, mua bảo hiểm y tế, tư vấn tâm lý để trẻ chấp nhận tình trạng nhiễm của mình và lựa chọn lối sống tích cực.

TP.HCM: Dam bao quyen cham soc y te va giao duc cho tre bi anh huong boi HIV/AIDS
Ông Nguyễn Anh Phong chia sẻ mục tiêu của dự án.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.HCM - cho rằng, thực hiện dự án hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS là người lớn đã khó, làm với trẻ em càng khó hơn. Cách nào để nói cho trẻ biết tình trạng nhiễm của mình, rồi sau đó sẽ kéo theo hàng loạt khó khăn khác, tâm lý bất ổn, duy trì việc điều trị, học hành và con đường kiếm sống về sau của trẻ. Sự kì thị của xã hội với HIV chính là rào cản lớn trong quá trình hòa nhập của trẻ.

Bác sĩ Dũng nhấn mạnh, để dự án này đạt được kết quả khả quan cũng như công tác phòng, chống HIV/AIDS lan tỏa, rất cần tiếng nói của nhiều người, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ. Tại lễ khởi động, nhiều đại biểu khẳng định sẽ hỗ trợ đội ngũ làm dự án tiến hành quay/chụp các clip, hình ảnh tuyên truyền kêu gọi xóa bỏ kì thị - phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, tham gia các hoạt động thiện nguyện như trao học bổng, vui chơi,  sinh hoạt kỹ năng sống với trẻ nhiễm HIV.

THẢO NGUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI