PNO - PN - Một người mẹ ở Đăk Lăk trừng phạt con nghiện game, thường ăn cắp tiền bằng cách suốt một tuần lễ nhốt con vào… chuồng chó. Con nhiều lần trốn học, sau trận đòn đau, người cha ở Hải Phòng lột trần rồi trói con vào trụ...
edf40wrjww2tblPage:Content
Rất nhiều người trong lúc phạt con đã quên rằng, ý nghĩa và mục đích của trừng phạt nhằm giúp đứa trẻ nhận ra lỗi lầm, biết sửa sai để không tái phạm. Tôi kể ra đây câu chuyện của gia đình mình để một lần nữa khẳng định hậu quả dai dẳng của phạt con không đúng cách.
Phi - một người anh của tôi, từ nhỏ đã nhiều lần bị trừng phạt. Ba tôi mất sớm, một mình má bận bịu mưu sinh, khó lòng quản lý, dạy dỗ bảy đứa con nên người. Trong số chúng tôi, anh Phi “hư” nhất nên thường bị ăn đòn. Gia đình tôi, mỗi lần nhắc về quãng đời túng thiếu, đói khổ vẫn không sao quên những trận đòn giáng xuống anh, trút từ cơn bực tức, tủi hổ của má và các anh chị lớn.
Một lần, má tôi phát hiện anh mang bao lúa giống bán lấy tiền đãi bạn. Lúc ấy má mới đi đồng về, người mệt nên không kìm được giận, giáng cho anh bạt tai, hăm “làm sao thì làm, phải mang bao lúa về”. Má tôi… làm khó anh bởi lúa bán rồi làm sao mang về được, anh cũng chẳng thể mua trả lại. Nhưng vì sợ, anh đã đi ăn trộm của hàng xóm để kiếm tiền mua lại bao lúa. Bị hàng xóm mách, má tôi xấu hổ, đánh anh một trận nên thân.
Để “trả thù”, anh lại sang nhà họ phá tan mảnh vườn. Anh tiếp tục ăn đòn, trận sau luôn nặng hơn trận trước... Tôi nhớ như in, có lần, nửa đêm anh Phi cạy cửa lẻn vô một cửa hàng tạp hóa, bị phát hiện. Người chủ trói tay anh dẫn qua nhà. Má chưa kịp phản ứng thì chị Ba nói: “Chú muốn xử nó sao cũng được”. Anh Hai tôi đang ngủ, bật dậy lao đến giáng lên anh Phi mấy cú đạp, mắng: “Nuôi tốn cơm tốn gạo. Ngày mai mày cuốn gói ra đường sống cho biết khổ!”. Cả nhà thức suốt đêm hùa nhau mắng chửi, hăm dọa anh. Sáng ra, anh bỏ nhà đi thật, gửi lại đôi dòng: “Không ai thương thì con đi…”. Hai ngày không thấy anh về, má tôi cuống cuồng, gặp ai cũng hỏi thăm. Chỉ cần nghe ai bảo “hình như có gặp thằng Phi ở huyện A., tỉnh B…” là anh Hai hộc tốc đi tìm. Anh Phi vẫn bặt tin. Tám tháng trời ròng rã tìm kiếm, mỏi mệt, cộng với cuộc sống quá khó khăn, cả nhà chỉ biết hy vọng một ngày anh trở về. Giai đoạn đó với gia đình tôi vô cùng nặng nề. Những bữa cơm đầy nước mắt vì thương nhớ, lo lắng cho anh.
Một năm sau ngày anh Phi bỏ đi, nội tôi bệnh nặng. Trước khi bà hấp hối, anh Hai đạp xe lên tỉnh đăng tin ở đài truyền hình tìm anh Phi. Buổi tối sau ba ngày nội mất, cả nhà đang ăn cơm, anh lầm lũi bước vào, liêu xiêu, gầy ốm, áo quần xộc xệch, tóc phủ đến vai. Anh bảo mấy tháng qua đi hái cà phê thuê trên Tây Nguyên, rồi thấy trên đó… hay nên ở lại. Anh về vì có người xem ti vi, nhắn lại tin nội mất. Lần đầu bỏ nhà đi mở đường cho những lần “gặp chuyện” sau này, dù chỉ bị la rầy chút đỉnh là anh lại bỏ đi. Đi chán anh lại về... 18 tuổi, anh nhập ngũ.
Ngày phục viên, anh như người khác, ngoan hiền và chí thú làm ăn. Nhưng anh sống khép kín, kiệm lời với người thân hơn trước. Mở tiệm sửa xe ngay trước nhà nhưng đến bữa cơm, anh viện cớ bận để sau đó ăn một mình. Đêm anh ngủ trên ghế bố tại tiệm. Anh tự nuôi cặp heo cưới vợ mà không nhận của bất kỳ ai trong nhà một khoản tiền mừng cưới. Có lần tôi đọc trộm nhật ký anh viết trong ba năm quân ngũ, thấy chất chứa nỗi cô đơn kiểu “cả nhà không ai hiểu, thương mình”. Má tôi rất buồn, thường tự trách đã đẩy anh khỏi gia đình từ những ngày thơ bé.
Chúng tôi bất lực hơn khi thấy anh đau khổ vì bị vợ chê nghèo, bỏ đi nhưng lại từ chối mọi người đến gần hỏi han, an ủi. Anh thường phản kháng: “Buồn chi, ai rảnh đâu mà buồn”. Xót xa nhất là chuyện má tôi khuyên anh đi bước nữa, anh trầm giọng: “Ai thèm sống với con!”. Không ai “gần” anh được… Vỏ bọc kiên cố kia, dường như để giúp anh tránh bị tổn thương lần nữa từ chính người trong nhà, dù rằng, chúng tôi chỉ muốn được gần gũi, chia sẻ những nỗi đau của anh.
Vậy đó, sự trừng phạt không đúng cách vô tình tạo nên khoảng cách giữa người bị trừng phạt và người trừng phạt.
Trở lại chuyện phạt con. Nguyên nhân khiến nhiều người phạt con theo kiểu tức nước vỡ bờ, giận mất khôn là bởi đã để xảy ra tình trạng đứa trẻ chây lì với hình phạt, kéo theo phụ huynh… chây lì rồi ngày càng tìm một biện pháp nặng tay hơn. Hoặc khi phạt con, phụ huynh còn lẫn lộn giữa trừng phạt và “trút giận”. Khi phụ huynh bị dẫn dắt bởi cảm giác tức giận, nóng nảy, hình phạt thường “nặng” hơn nhiều so với lỗi lầm con mắc phải. Tôi cho rằng, hậu quả kéo dồn của việc phạt con sai cách, nếu không tạo “vết tích” đứa trẻ luôn mang theo để lúc có dịp lại trút ra - như thống kê cho thấy người phạm tội thường có tuổi thơ bị bạo hành, bỏ mặc, phạm tội theo kiểu lặp lại hành vi từng nhận lãnh - thì cũng là nỗi đau, mặc cảm đeo bám suốt cuộc đời.
Người lớn thường có tâm lý mình đúng, có quyền đưa ra bất cứ kiểu trừng phạt nào mà ít khi chịu tìm hiểu nguyên nhân hòng “chữa trị” tận gốc. Vì sao con ăn cắp, nghiện game? Do đâu con bỏ học? Đứa trẻ không nghe lời hẳn đều có nguyên nhân song ít người chịu tìm hiểu để khuyên bảo, giúp đỡ, tháo gỡ ngay từ đầu. Trong lỗi lầm của con, rõ ràng, phụ huynh cần nhận phần trách nhiệm để biết tự kiềm chế, bình tĩnh, cân nhắc, tùy mức độ lỗi mà chọn hình phạt phù hợp, sao cho đứa trẻ không bị tổn thương sâu sắc.