Tiếng thở dài những ngày giáp Tết

20/01/2015 - 15:46

PNO - PN - Những ngày gần Tết, mọi người đều mong mỏi trở về sum họp bên gia đình, người thân, nhưng ở nhiều góc đường nơi phố thị, không ít người cao tuổi phải cật lực kiếm sống với bao vất vả, lo toan.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tiéng thỏ dài nhũng ngày giáp Tet

Đêm về khuya nhưng bà Lê Thị Nho vẫn tranh thủ ngồi bán vé số

Mỗi “già” một cảnh

Chiều nào vào giờ cao điểm, bà Nguyễn Thị Sang (75 tuổi) cũng dừng xe ve chai nghỉ mệt trước Việt Nam Quốc Tự (đường 3/2, Q.10, TP.HCM). Bắt đầu công việc lượm ve chai từ 5g30 sáng, bà Sang chỉ dừng chân khi xe ve chai đã đầy ắp giấy carton, chai lọ…

Có sáu người con nhưng ai cũng nghèo nên cuối đời, bà Sang vẫn phải vất vả mưu sinh. Nhắc đến gia cảnh, gương mặt bà thoáng buồn. Bà tâm sự: “Cha mẹ tụi nhỏ đi bước nữa nên hai đứa cháu về ở với ngoại. Ngày tụi nó còn nhỏ xíu, tui bỏ lên xe ve chai kéo đi khắp nơi. Giờ cháu gái lớn đang học đại học năm cuối, cháu trai 13 tuổi nghỉ học sớm theo cậu đi sửa xe gắn máy”. Bà phụ giúp quét, đổ rác, nhiều gia đình thương thường gom góp giấy, chai nhựa cho bà. “Trưa có cơm của mấy chú từ thiện cho nên cũng đỡ phần tiền”, bà Sang thật thà. Mỗi ngày, bà kiếm được hơn trăm ngàn đồng. Nhắc đến ngày Tết, bà Sang thở dài. Với ba bà cháu, ngày Tết cũng không khác gì ngày thường. Bà Sang tranh thủ nhặt nhạnh thêm dây điện về để dành những ngày nghỉ ở nhà cùng các cháu gọt dây, lấy đồng bán kiếm thêm chút tiền.

Khu vực đường 3/2 (Q.10), Bà Huyện Thanh Quan (Q.3), Hàn Hải Nguyên (Q.11) là những nơi thường xuyên lui tới của cụ Ba Đen (84 tuổi). Quê ở Rạch Giá, Kiên Giang.

Cuộc đời ông là chuỗi dài bất hạnh. Dưới cái nắng cận Tết của Sài Gòn, bộ quần áo rách mướp của ông cụ đầm đìa mồ hôi. Mở nắp thùng rác công cộng, đảo qua đảo lại vài lượt, ông tìm được vài vỏ chai nước khoáng. Nước mắt ngắn dài, ông cụ khóc kể: “Năm 1997 ở quê tui bão lớn lắm. Tui đi làm mướn về nghe người ta báo tin ghe con tui đánh cá thuê bị chìm. Con trai tui cùng với các ngư dân khác chết cả. Chưa hết bàng hoàng thì nhìn về căn nhà, tui như chết lặng.

Cả ngôi nhà đổ sụp, người ta kéo vợ tui ra. Nhìn thấy cái đòn xóc đâm ngang người bà, tui xỉu luôn. Không có bà con họ hàng thân thích nên khi vợ chết, con chết, tui bơ vơ, lang thang lên Sài Gòn xin ăn. Hồi thằng con trai còn sống, nó biểu cha mẹ nghèo, con không lấy vợ, ở vậy nuôi cha mẹ. Vậy mà... Dưới quê không có ruộng, chỉ còn cái nền nhà không. Lên đây, ban ngày đi lượm ve chai kiếm dăm ba đồng ăn cơm, tối về tui ngủ nhờ trong chùa”.

Tiéng thỏ dài nhũng ngày giáp Tet

Ông Ba Đen đi nhặt ve chai cho quên ngày tháng

Với các cụ lớn tuổi neo đơn, mỗi độ xuân về là khoảng thời gian cô đơn và buồn tủi nhất. Nhắc đến Tết, cụ Ba Đen xót xa: “Nói thiệt, sáu cái Tết tui chưa về quê. Tui chỉ ước năm nay kiếm thêm được chút tiền về quê mua bó nhang thắp cho vợ con. Tro cốt của bà còn để dưới đó mà không về thì tội quá. Ở đây, mỗi khi nhớ vợ con, tui mua tô hủ tíu rồi đưa ra cổng chùa thắp nén nhang”. Ông cụ khẽ đưa bàn tay nhăn nheo, đen sạm quệt nước mắt.

Sáng sớm, cụ Ba Đen thường tranh thủ dậy quét dọn chùa, sau đó, cụ bắt đầu lượm ve chai. “Mỗi ngày tui kiếm được gần trăm ngàn. Buổi sáng tui cũng giống như mấy thầy trong chùa, chỉ uống nước. Trưa thì ăn lưng chén cơm. Già rồi chân yếu nên không đi được nhiều như người ta.

Trưa nắng lên, mắt tui thường bị mờ, nhìn một xe ra hai xe, có hôm suýt đụng vào xe máy”. Những ngày lặn lội ngoài đường mưu sinh, nhìn thấy cảnh mọi người sum họp bên con cái, nước mắt ông cụ lại rơi. “Người ta có gia đình để về, còn tui ngày Tết không biết đi đâu. Giờ sống ngày nào biết ngày đó”. Hai tay run rẩy đẩy chiếc xe đạp ra đường, ông cụ chầm chậm đạp xe đi. Chiếc lưng khom lầm lũi khuất dần trong dòng xe cộ nhộn nhịp.

Tiéng thỏ dài nhũng ngày giáp Tet

Ông Hà gồng lưng đạp xích lô kiếm sống

Không mong Tết

Trưa nắng chang chang, mồ hôi thấm ướt cả lưng áo nhưng chú Lê Văn Hà (65 tuổi, ngụ đường Âu Dương Lân, P.2, Q.8, TP.HCM) vẫn gồng mình đạp xích lô chở bộ giàn giáo cồng kềnh.

Từ nhiều năm nay, các chủ tiệm làm bảng hiệu là khách mối của chú Hà. Đạp xích lô chở khách từ năm 1976 nhưng không “cạnh tranh” nổi với xe ôm, xe buýt nên hơn 5 năm nay, chú Hà chuyển sang chở bảng mi-ca, giàn giáo… Chú kể: “Nhiều người nhìn thấy tui chở bảng mi-ca tưởng ngon ăn, tới khi chạy mới biết là khó. Có khi khách nhờ chở những tấm bảng lớn rộng hơn 3m, dài 8m, không có chỗ để đạp, vậy là tui đẩy bộ từ Q.Tân Bình xuống tới... chợ Biên Hòa, Đồng Nai. Mỗi cuốc "xích lô bộ" giá cao gấp đôi lần cuốc đạp. Đẩy bộ mệt lắm, vừa phải dùng sức của tay, vừa mỏi chân, vừa phải tinh mắt quan sát. Nếu không may để va quẹt xe bên đường, rách bảng của khách là phải bồi thường tiền. Biết vi phạm quy định vì chở cồng kềnh, mà vẫn đành phải làm”.

Nước da đen nhẻm, người gầy gò, ít ai nghĩ chú Hà từng đẩy xích lô đi bộ cả 100 cây số. Chú bảo cước xe cao nhất từ trước tới nay là hai triệu đồng. “Nhận được một - hai triệu, nhưng đâu ai biết tui phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Người ta thuê xe tải chở bảng đâu có giá rẻ như vậy. Mình chủ yếu lấy công làm lời. Không tốn xăng, chỉ tốn sức thôi”, chú Hà bộc bạch.

Thu nhập mỗi tháng ngoài khoản tiền hai vợ chồng chú ăn uống hằng ngày, thi thoảng dư dả chút ít, chú Hà phụ giúp cô con gái thứ hai nuôi hai con nhỏ. Chú Hà bộc bạch: “Nhà có ba đứa con, hai trai, một gái. Nhưng tui thương nhỏ con gái lắm. Nó làm công nhân, chồng làm phụ hồ bấp bênh, nuôi hai đứa con ăn học đâu có nổi. Giờ mình còn sức làm ra tiền thì ráng giúp con cháu”.

“Tính đạp hết năm nay là nghỉ, dạo này chân yếu rồi, đi bộ nhiều, hai cái khớp gối đau lắm. Tui uống thuốc Bắc quá chừng mà vẫn không hết. Kiểu này phải chuyển qua xe ôm thôi”, chú Hà thở dài. Lịch nghỉ Tết của chú Hà tùy theo những cơ sở làm bảng hiệu. Ngoài niềm vui chở hai đứa cháu ngoại đi chơi đó đây, chú Hà không có nguyện vọng gì khi xuân về.

Còn bà Lê Thị Nho (80 tuổi, ở trọ tại đường Phạm Thế Hiển, P.6, Q.8, TP.HCM) cũng ái ngại khi nghĩ đến ngày Tết. Bà có năm người con gái, một người con trai nhưng ai cũng nghèo khó. Quê tận Phú Yên, chồng mất, các con đều bận bịu lo toan cuộc sống riêng. Bà Nho một thân một mình lặn lội vào thành phố bán vé số dạo. Bà cho biết: “Quê tôi nghèo lắm, lại hay lũ lụt. Nhà tôi gần mé sông có khi nước vô tận nhà. Vô đây bán vé số vậy mà có đồng ra đồng vô, đỡ khổ hơn ở quê. Trước Tết một tháng, tôi phải tranh thủ bán cả ngày lẫn đêm mới có tiền đi tàu về quê”.

Mỗi tháng, sau khi trừ 300.000đ tiền thuê nhà trọ, bà Nho dành dụm chút ít gửi về quê cho con cháu. Húng hắng ho, bà thật thà: “Mấy bữa đi nhiều đổ bệnh, bán lời đồng nào mua thuốc hết. Một ngày lời được hơn 100.000đ mà ăn uống rồi thuốc thang tốn quá. Hôm qua tôi còn lạc đường, phải đi xe ôm mất năm chục ngàn. Có khi Tết này không có tiền về quê luôn”. Đêm càng về khuya, gió thốc từng cơn lạnh buốt, bà Nho ngồi co ro bên góc đường. Dù trời không mưa nhưng bà vẫn lấy vội chiếc áo mưa khoác lên người cho bớt lạnh. Ở tuổi gần đất xa trời, bà Nho cũng như nhiều cụ khác vẫn phải lao động vất vả, bất kể năm hết Tết đến...

 NGUYỄN NGA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI