Phụ nữ Sài Gòn - một thời hoa lửa - Bài 3: Tiếng rao trong con hẻm nhỏ

22/04/2015 - 08:09

PNO - PN - Những ngày giữa tháng Tư, ra vô con hẻm 159 Nguyễn Trãi (P.2, Q.5, TP.HCM), đâu đâu tôi cũng nghe những câu chuyện trĩu nặng nghĩa tình người dân lao động nghèo dành cho cách mạng. Trong đó, có chuyện của người mẹ, người em gái đã...

edf40wrjww2tblPage:Content

Phu nu Sai Gon - mot thoi hoa lua - Bai 3: Tieng rao trong con hem nho

Ông Tám Trấn chuyển tài liệu cho Út Huyền tại nhà in Trí Thức Mới số 2 159/5F Nguyễn Trãi.

Sống giữa “ổ kiến lửa”

Mấy tuần nay, trong phòng bệnh trên lầu 1, khu C, bệnh viện Nguyễn Trãi (Q.5, TP.HCM), bà Ba Nhứt nhấp nhổm không yên. Cứ nằm được một lúc bà lại trở mình, vịn thành giường ngồi dậy. Ngoài 80 tuổi, bà “gánh” đủ thứ bệnh, từ co dãn tĩnh mạch, tim, huyết áp cao đến viêm amiđan. Ở bệnh viện mấy tuần, bà kêu dài như đời người chớ chẳng chơi. Bà giục Thanh Phú (con trai thứ 9) về thôi, ở đây riết thấy nhớ hẻm nhà mình. Cái hẻm 159 Nguyễn Trãi, Q.5 nhỏ xíu, nhà bà cũng nhỏ xíu nhưng không gì đo, đếm được tình nghĩa mà hẻm 159 cưu mang bà qua cuộc bể dâu.

Bữa đầu tiên tôi đến, bà hấp háy mắt, hỏi đứa nào đây bây? Bữa thứ hai, bà cười hiền, nắm tay tôi kêu ở viện buồn, có người tới nói chuyện thiệt không gì bằng. Tôi đã ngồi với bà trong phòng bệnh ấy suốt mấy buổi chiều. Có bữa mua sữa đến, bà khoác tay, kêu bây đừng bày vẽ, người già có ăn uống bao nhiêu đâu.

Vừa nghe tôi hỏi chuyện nhà in Trí Thức Mới cách đây hơn 40 năm, bà Ba Nhứt cười xởi lởi, nói, hồi đó có biết Út Huyền (Nguyễn Thị Ngọc Lành, nguyên cán bộ nhà in Trí Thức Mới) mần báo hay mần chi đâu, chỉ biết con nhỏ là cán bộ cách mạng thì mình phải cố gắng bảo vệ thôi. Nói rồi, bà nhìn bâng quơ ra khung cửa sổ phòng bệnh, nói nghe xa xôi: “Giờ có mấy mốc thời gian thì quên trơn trọi rồi. Bây hỏi, nhớ đâu tao kể đó nghen con”.

Ba Nhứt tên đầy đủ là Nguyễn Thị Nhứt, sinh năm 1933 trong một gia đình “cộng sản nòi” ở miệt Cai Lậy, Tiền Giang. Nhà có sáu anh em thì đến năm người thoát ly đi kháng chiến. Ba Nhứt học được dăm chữ lận lưng là nghỉ. Cũng muốn đi kháng chiến lắm nhưng ở nhà chỉ còn ba má, lại là cơ sở mật nên Ba Nhứt tự an ủi mình, không cầm súng ra trận thì cầm cuốc, cầm gậy, cầm lưỡi hái trồng trọt nuôi quân.

Má của Ba Nhứt - bà Tám Trâm (Phạm Thị Trâm) như lời nhận xét của bà con miệt Cai Lậy là một người “đàn bà thép”. Ba Nhứt học được từ má cái tính gan góc, không biết sợ là gì. Ngay từ nhỏ, Ba Nhứt đã hì hục cùng má đào hầm bí mật. Nhiều bận, cán bộ lội qua sông để vô căn cứ đúng lúc bọn lính đi tuần, má Tám Trâm với Ba Nhứt nhảy ùm xuống nước, nhanh như cắt bơi ngay lại chỗ cán bộ cùng mớ đồ nghề bắt cá. Lính tới, quát tháo om sòm “cộng sản à?”. Má con Ba Nhứt nhoẻn miệng cười, giơ cao đồ nghề “tụi tui đi bắt cá đổi gạo”. Kể tôi nghe chuyện này, bà Ba Nhứt hấp háy mắt “ít học chớ cũng khôn dữ lắm nghen”.

Phu nu Sai Gon - mot thoi hoa lua - Bai 3: Tieng rao trong con hem nho

Bà Út Huyền (trái) và bà Ba Nuôi cùng hồi tưởng lại những ngày còn làm việc tại nhà in Trí Thức Mới

Năm 1950, Ba Nhứt được gả cho anh bộ đội Nguyễn Văn Thanh (Ba Thanh). Năm 1960, vợ chồng Ba Nhứt lên Sài Gòn “bám rễ” trong con hẻm 159 Nguyễn Trãi, lần lượt sinh ra 11 người con. Hai Bông (Nguyễn Thị Bông) và Ba Bình (Nguyễn Thanh Bình) thoát ly đi kháng chiến. Như bao người mẹ thời chiến “Ngày mai con đi/ Nửa đất đai này mẹ gánh” (Trường ca Những người đi tới biển - Thanh Thảo), bà Ba Nhứt gánh phần áo cơm, gánh việc chở che cho cán bộ cách mạng ngay trong nội thành Sài Gòn.

Ngày ấy, cứ tầm 2g sáng, Ba Nhứt lại lặn lội ngoài bến xe lục tỉnh trên đường Lê Hồng Phong bán trang sức mạ vàng và vài thứ linh tinh, còn ông Ba Thanh bán mũ, mắt kính dạo. Thi thoảng, người dân trong con hẻm 159 lại thấy bà Ba Nhứt đeo chiếc thùng gỗ trên ngực, nhưng thay vì rao “vàng đây”, bà lại rao “Út Rớt ơi!”, “Út Rớt ời”… một cách mơ hồ. Ít ai biết đó là ám hiệu mật của bà và những cán bộ nằm vùng trong nhà in Trí Thức Mới.

Năm 1966, từ địa chỉ 51/10/12 Cao Thắng, Q.3, nhà in Trí Thức Mới của Ban Trí vận, Mặt trận Khu Sài Gòn - Gia Định chuyển qua cơ sở mới 159/5F Nguyễn Trãi (nay là 159/5 Nguyễn Trãi, P.2, Q.5). Tổ ấm của bà Ba Nhứt nằm sát nhà in. Mà đâu chỉ có vậy, Tổng nha Cảnh sát quốc gia và Bộ Tư lệnh quân đội viễn chinh Đại Hàn cũng… nằm trong bán kính đó. Bà Ba Nhứt ví von nơi ấy như “ổ kiến lửa”. Câu chuyện đến đây, bà bỗng hỏi tôi gặp Út Minh chưa. Tôi gật. Bà siết tay khách, nói vậy là được, phải gặp con nhỏ đó chớ. Hồi mới 11, 12 tuổi, Út Minh đã gan lì thấy sợ rồi.

Út Minh mà ba Ba Nhứt nhắc đến là cô con gái út của ông bà Tám Trấn (Phạm Vĩnh Trấn - Hồ Thị Có). Vợ chồng ông Tám Trấn có hai căn nhà đối diện nhau trong hẻm 159 Nguyễn Trãi. Họ quyết định giao cho cách mạng một căn. Khi nhà in Trí Thức Mới về đây, Út Minh đang học trường nữ sinh Regina Pacis. Giờ, cô nữ sinh ngày ấy đã ngấp nghé tuổi 60. Mấy lần gặp tôi, chị nhắc hoài, chuyện mình làm có nhiêu đâu, đừng kể chi “dị chết”. Bà Ba Nhứt đi viện, chị khăn gói tới thăm. Cô cháu bịn rịn, ngồi nhắc chuyện xưa, khi cười, khi khóc. Hai người đàn bà, một già, một trẻ cùng một chí hướng, cùng một nguyện vọng. Lần nào gặp họ, lòng tôi cũng xốn xang. Thương quá những người đàn bà Sài Gòn, cả đời cống hiến cho cách mạng mà hễ ai nhắc chuyện công cán cũng gạt đi.

Phu nu Sai Gon - mot thoi hoa lua - Bai 3: Tieng rao trong con hem nho

Út Huyền làm việc tại nhà in Tri Thức Mới số 2

Ám hiệu đặc biệt

Nằm trong “ổ kiến lửa” nên nhà in Trí Thức Mới luôn cần sự cảnh giới cao. Bữa nào có chuyện sục sạo, kiểm tra của cảnh sát, mật vụ quanh quẩn, bà Ba Nhứt lại gọi lên “Út Rớt ơi!”. Út Rớt là con bà. Bà nói thằng nhỏ có tí xíu, cơm còn chưa ăn được, biết chi mà ơi với hỡi. Gọi khơi khơi vậy thôi, ám hiệu mà. Hoạt động trong nhà in, Út Huyền hiểu ngay tiếng gọi của người mẹ ấy là “báo động đỏ” cho mình.

Nếu không có bà Ba Nhứt thì Út Minh lãnh phần làm “còi báo động”. Mỗi lần thấy “có động”, ông Tám Trấn liền mang cây đàn kìm ra chơi. Út Minh chạy đến bên cha, vừa làm điệu bộ nhún nhảy vừa hát Lý con sáo. Cán bộ, cánh giao liên của ta khi vừa tới hẻm mà nghe tiếng đàn, tiếng hát ấy thì hiểu ngay nơi này đang nguy hiểm phải lánh đi. Út Minh kể, nếu tình hình không êm xuôi thì hát riết, từ sáng tới trưa, rồi trưa tới tối. Hát và đàn chừng nào bọn lính đi thì thôi. Minh nhỏ tuổi mà lanh lẹ và nhanh trí. Bọn lính nghe cô bé hát Lý con sáo hay, thêm tiếng đàn kìm trầm bổng nhặt khoan thì hứng chí vô nghe. Út Minh chạy đi rót nước, mua cà phê mời, dạ thưa thiệt to để cán bộ ta bên nhà đối diện biết.

Những buổi chiều ngồi với tôi, chị Út Minh thường tâm sự, ngày bé, chị biết Út Huyền và nhiều cô, chú hay ghé nhà mình; nhưng, làm cách mạng sẽ gặp nguy hiểm cỡ nào thì chị chưa hiểu. Ý thức bảo vệ nhà in, bảo vệ cán bộ nơi chị hình thành từ những việc làm có vẻ kỳ lạ, không giống ai của cha, của má. Út Minh thấy cha làm gì thì làm theo đó, không bao giờ hỏi, không bao giờ tỏ ra nhiều chuyện dù đầu óc trẻ con vốn tò mò. Niềm tin và ngọn lửa đấu tranh cách mạng của cô nữ sinh trường Regina Pacis được nhen nhóm như thế.

Ngày Út Huyền, người cuối cùng trong nhà in Trí Thức Mới bị bắt, con hẻm 159 buồn xo. Hôm đó, Út Huyền đã hẹn tới mai sẽ đưa Út Minh ra sở thú chơi. Vậy mà tối không thấy Út Huyền về, bà Ba Nhứt chạy ra chạy vô, bụng cồn cào, e có điềm dữ. Út Minh cũng đứng ngồi không yên. Khi lính đưa Út Huyền về nhà khám xét, bà Ba Nhứt chết lặng, những người khác chết lặng. Út Minh chạy qua nói “chị đừng sợ gì nghen”. Chỉ trừ nhà tù Côn Đảo không ra được, còn lại từ Tổng nha Cảnh sát, Nha Cảnh sát đô thành đến nhà lao Chí Hòa, Thủ Đức, Tân Hiệp… nơi nào bà Ba Nhứt với má con Út Minh cũng khăn gói đi thăm Út Huyền và những người cán bộ trong nhà in ngày ấy...

***

Tôi rời bệnh viện Nguyễn Trãi khi cơn mưa đầu mùa bất chợt ào qua thành phố. Sau bữa gặp bà Ba Nhứt, ngày nào tôi cũng ra vô hẻm 159, đi suốt cả tuần, gặp người này người kia nghe kể thêm chuyện xưa. Những câu chuyện chắp vá, có khoảnh khắc bất chợt tôi đứng thừ người bên đường, thấy đâu đó trong xa xăm có bóng một người phụ nữ mặc quần đen, áo bà ba vá lỗ chỗ đang đeo cái thùng hàng lủng lẳng trên cổ với lời rao “Út Rớt ơi!”. Liền đó, giai điệu Lý con sáo qua giọng hát của cô nữ sinh trường Regina Pacis vút cao trong trẻo cùng tiếng đàn kìm nhặt khoan làm nao lòng người. Tiếng gọi, tiếng hát ấy nghe xa xăm mà không hề mơ hồ…

 MẪN NHI 

Trong suốt 10 năm (1965 - 1975), nhà in Trí Thức Mới của Ban Trí vận - Mặt trận Khu Sài Gòn - Gia Định đã tồn tại ngay trong nội thành Sài Gòn. Nhà in này là nơi cho ra đời báo Trí Thức Mới, báo Cờ Giải Phóng, bản tin Sài Gòn Vùng Lên (ban đầu là tờ Trung Lập, sau đổi tên thành Quyết Thắng, cuối cùng có tên Sài Gòn Vùng Lên). Trong 10 năm đó, nhà in Trí Thức Mới di chuyển qua ba địa chỉ: 51/10/12 Cao Thắng, Q.3 - nhà in số 1), 159/5F (nay là 159/5 Nguyễn Trãi, P.2, Q.5 - nhà in số 2) và 18/2 - 18/3 Nguyễn Văn Học, Bình Hòa, Gia Định (nay là số 5/140 Nơ Trang Long, P.7, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - nhà in số 3). Từ giữa năm 1966 - 1972 (nhà in số 2), hơn 10 cán bộ của nhà in đã bị bắt, bị tù đày. Thế nhưng, dù chỉ cách Tổng nha Cảnh sát quốc gia chừng 600m và Bộ Tư lệnh quân đội viễn chinh Đại Hàn 350m, nơi đây vẫn là địa chỉ “bất khả xâm phạm”.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI