Cháy sạch

16/01/2018 - 06:00

PNO - 'Cháy sạch' (burnout) - một dạng trầm cảm khó thừa nhận nhưng hậu quả đôi khi rất khủng khiếp. Đừng trông mong vào sự cố gắng của mình hay tự tìm những cách điều trị khác và nghĩ mình có thể tự vượt qua.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em năm nay 39 tuổi, đã lập gia đình, có hai con: một cháu học lớp Sáu, còn một cháu đang còn nhỏ.

Thời gian gần đây em thường cảm thấy mệt mỏi, làm việc gì cũng lo lắng, sợ thất bại, nghe người khác nói chuyện trái ý là nổi nóng, dễ cãi vã. Em nghĩ là do không khí gia đình em.

Chay sach
Ảnh minh họa

Chồng em làm việc trí óc, cần sự yên tĩnh, không thích ai lớn tiếng nên khi anh về nhà mọi người đều phải hạ giọng, nói nhỏ. Khổ nỗi, hai đứa nhỏ hiếu động nên mỗi khi chúng ồn ào, anh lại la mắng, khiến không khí trong nhà nặng nề, căng thẳng. Có lần, tụi nhỏ bật ti vi to, anh nổi nóng, đập nát cái remote. Em mà không kịp ngăn là anh đã đập luôn ti vi rồi. Tụi nhỏ sợ ba lắm, nhưng con nít mau quên thành ra cứ bị la hoài. Nhà em lúc nào cũng có vẻ yên tĩnh, nhưng trừ chồng em, các thành viên còn lại đều không thoải mái.

Em làm nhân viên văn phòng, không có phòng riêng, cả bộ phận ngồi chung trong các khoang làm việc, nên mọi người đều phải kiềm chế, không gây ồn ào. Văn phòng có camera theo dõi ở các góc khác nhau. Bốn năm làm ở đây, em cũng quen dần, nhưng hình như càng có tuổi em càng thấy khó chịu, về nhà cũng bức bối, không còn cảm giác yêu thương gì với chồng nữa, mà chỉ là buồn bực, mệt mỏi thôi.

Buổi tối, em rất khó ngủ nên sáng hôm sau thức dậy là em chỉ muốn hét lên, đập phá tan tành, rồi muốn ra sao thì ra. Nhiều khi, em sợ những suy nghĩ, tình cảm trong đầu mình. Em sợ có lúc nào đó mình sẽ làm như vậy thật. Em phải làm sao bây giờ? 

Minh Viễn (TP.HCM)

Em Minh Viễn thân mến,

Rất có thể em đang mắc căn bệnh thời đại mang tên “cháy sạch” (burnout) - một dạng trầm cảm khó thừa nhận nhưng hậu quả đôi khi rất khủng khiếp. Sự chán chường, mệt mỏi của em là hậu quả của một quá trình dài lao động căng thẳng và cả những áp lực đè nén về tâm lý. Em nên đi khám để được bác sĩ tâm lý điều trị tích cực. Đừng trông mong vào sự cố gắng của mình hay tự tìm những cách điều trị khác và nghĩ mình có thể tự vượt qua.

Chay sach
Ảnh minh họa

Điều đáng lo nữa là các con em. Môi trường gia đình và tính cách, hành xử của chồng em có thể làm cho những đứa trẻ bị tổn thương. Khó mà bắt những đứa trẻ phải “tắt âm” trong sinh hoạt ngày thường. Hơn nữa, môi trường gia đình cần thoải mái và  ấm áp yêu thương để trẻ phát triển trọn vẹn về thể chất và tinh thần, chứ cứ phải thì thào, đi nhẹ nói khẽ như vậy, chắc trẻ con cũng bệnh mất. Em có thể bàn với chồng, sắp riêng phòng làm việc, để anh ấy được tập trung; còn lại là không gian của các con, của em trong nhà.

Hạnh Dung biết, có những gia đình, nhà cửa chật chội quá, người cha người mẹ đã phải chịu khó tìm một không gian làm việc khác (thư viện, trường học), để dành ưu tiên cho trẻ. Hoặc có thể sắp xếp lại thời gian, ví dụ ban ngày, khi em đi làm, trẻ con đi học, anh ấy được toàn quyền không gian yên lặng ở nhà. Chiều tối, khi cả gia đình trở về quây quần, cần dành không gian cho trò chuyện, cho tiếng cười, cho sự gắn kết các thành viên trong nhà. Đây cũng là liệu pháp điều trị cho em nữa đấy. Mong em sớm cải thiện cuộc sống và sức khỏe.

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gởi về:
hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI