Đã thương thì đến tuyền đài vẫn thương…

08/03/2019 - 20:00

PNO - 'Hôm nay 8/3, ba viết thư này gửi mẹ'. Nét chữ run run của ông lão 77 tuổi gửi vợ dưới suối vàng làm tim tôi quặn thắt.

Ba tôi mang lá thư này để ngay bài vị của mẹ.

Mẹ mất chưa đến 100 ngày. Trong 49 ngày đầu, ngày nào cơm cúng bà, ông cũng dành phần ăn. Những chén cơm chay đạm bạc, nguội lạnh, còn vương khói nhang, chị em tôi mang vào lò viba quay lại cho nóng, bị ông từ chối. Ông nói, bà ăn sao, ông ăn vậy. Trong khói nhang kia có bóng bà.

Da thuong thi den tuyen dai van thuong…
Lá thư ba tôi để trên bài vị vợ sáng nay. 

Thật như ba nói, mẹ tôi vô cùng vĩ đại. Bà là con gái một gia đình giàu truyền thống cách mạng, thương ông, người chiến sĩ hóa học, bạn “thanh mai trúc mã” cùng làng ở Xuân Thành, Thọ Xuân, Thanh Hóa.

Nhờ có chút học thức, bà được phân công đảm nhận nhiều vị trí công tác quan trọng. Bà từng là phân xưởng trưởng xí nghiệp bánh kẹo Thanh Hóa, phân xưởng chè Báo Đáp, Yên Bái… Nhưng, rất nhiều lần bà gạt ngang hết chức vụ để khăn gói theo chồng đi “xẻ dọc Trường Sơn”.

Năm 1976, ba tôi nhận nhiệm vụ về Bạc Liêu công tác, mẹ lại ôm bốn chị em tôi theo chồng. Lúc đó, chị Hai mới 11 tuổi, em Út còn ẵm ngửa trên tay. Từ phân xưởng trưởng xí nghiệp, mẹ một lần nữa làm lại từ đầu, xắn tay cuốc đất, đào mương. Giống bao người dân Bạc Liêu thời đó, mẹ nuôi cá giống, trồng dừa… Thấy mẹ hay lam hay làm, phường mời mẹ tham gia Hội Phụ nữ. Nhờ có kinh nghiệm tổ chức hoạt động, gầy dựng phong trào, chẳng mấy năm, mẹ được bầu làm chủ tịch Hội Phụ nữ phường 8. Buổi đi hội họp, buổi lặn lội khắp hang cùng ngõ hẹp trong các xóm rẫy sâu thăm hỏi chị em, về tới nhà mẹ lại lội xuống ao thăm cá.

Lúc đó, do nhiệm vụ công tác, ba được điều động về Nông trường Minh Hải, trụ sở tận Cà Mau, mỗi tuần mới về một lần. Chưa bao giờ chúng tôi thấy mẹ phàn nàn hay than phiền bất cứ câu nào. Dù nghèo khó, nhưng mỗi tuần lúc ba về, nhà lại rộn tiếng cười của mẹ. Một tay mẹ vừa làm, vừa chăm bốn đứa con. Thương mẹ vất vả, không đứa nào dám rong chơi, đi học về, chị Hai lại phân công chúng tôi việc nhà, chăm ao cá. Cứ vậy, lần lượt từng đứa con lớn lên. Khi cả làng không ai vào đại học, thì chị em tôi lần lượt được ba mẹ đưa tới tận cổng trường đại học.

Ngày đó chưa có khái niệm vay vốn cho con đi học, nên để chúng tôi được học, ba mẹ lần lượt xin nghỉ mất sức, nghỉ hưu sớm để lấy tiền chế độ làm lộ phí cho mỗi đứa. Thậm chí để con có tiền ăn, ba đưa cả sổ lương hưu cho anh Tư tự lãnh, tự chi tiêu.

Da thuong thi den tuyen dai van thuong…
Mẹ tôi (bìa phải) cùng các chị em bạn dâu ở Thọ Xuân, Thanh Hóa, gặp lại sau hơn 30 năm nhờ chuyến du lịch xuyên Việt đầy kỷ niệm với ba.

Thế rồi trồng cây cũng đến ngày hái quả. Khi các con học hành xong, yên bề gia thất, ba mời cả nhà đến thông báo sẽ đưa mẹ đi du lịch xuyên Việt. Chị em chúng tôi nhìn nhau bất ngờ. Ba nói, xưa giờ mẹ đã xuyên Việt cùng ba, từ Bắc vô Nam, từ Bạc Liêu lên Sài Gòn, nhưng những chuyến đi đó chưa lần nào vì mẹ của các con. Mẹ phải khăn gói, áo cơm vất vả, chưa bao giờ được đi chơi.

Thế là ba mẹ đi một tháng. Và đó dường như là một trong những chuyến đi sau cùng của mẹ. Năm 2011, mẹ bị phát hiện bệnh Parkinson, bắt đầu những tháng ngày khủng khiếp nhất với mẹ, ba và bốn chị em chúng tôi. Từ một người hay làm, làm nhanh gọn tất cả mọi thứ, khi thấy tay mình không cầm nắm được, mẹ rơi vào khủng hoảng. Mẹ giận dỗi, trách mắng mọi thứ quanh mình. Khi ấy các chị em đi làm hết, chỉ còn ba bên mẹ, lẳng lặng nghe, chịu và thương.

Chín năm mẹ bệnh, người giúp việc là vai chính, còn ba thành tổng chỉ huy: phân chia thuốc men, dinh dưỡng cho mẹ, theo dõi huyết áp, tim mạch mỗi ngày. Vì hội chứng rung liệt và suy giảm trí nhớ, mẹ quên nhiều thứ. Nhưng tâm thức bà không hề quên chồng con. Mỗi lần các con gái, con dâu hoặc người giúp việc đút cháo, sữa cho mẹ, trước bữa ăn, lúc nào mẹ cũng hỏi: “Ông tôi ăn chưa? Hôm nay ông ăn gì? Ông tôi thích bánh cuốn, thích phở Trọng đó, biết không?”.

Da thuong thi den tuyen dai van thuong…
Ba tôi bên mẹ khi bà vừa phát bệnh.

Ba tôi cũng thế, dù biết mẹ bị vẹo xương, chẳng thể ngồi mâm, nhưng mỗi lần vào bữa, ông cũng gọi mời: “Bà ăn cơm nhé!”.

Ngày bà mất, ông bảo chúng tôi, ba biết mọi sự kết thúc thế này là tốt cho tất cả, và hơn hết nhẹ nhàng cho mẹ. Ba sẽ cố gắng kiên cường, nhưng không biết bao giờ ba quỵ đâu nha.

"Hôm nay 8/3, ba viết thư này gửi mẹ". Nét chữ run run của ông lão 77 tuổi gửi vợ dưới suối vàng làm tim tôi quặn thắt. Tôi biết, mỗi con chữ viết ra đều là yêu thương chan chứa. Chị em tôi bảo nhau: “Mẹ mình thật hạnh phúc!”. Mối tình duy nhất trong đời, mẹ tôi đã mang được xuống tuyền đài!

Nguyễn Thụy Diễm Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI