Độc đáo phở hai tô Tây Nguyên

15/06/2015 - 15:07

PNO - PN - Lên Tây Nguyên, nhất là ở hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, du khách không thể bỏ qua món phở khô hay còn gọi là phở hai tô. Bánh phở nơi đây sợi nhỏ, mảnh nhưng khi trụng lên không dễ gãy và cũng không bị dính nên rất ngon.

edf40wrjww2tblPage:Content

Không ai biết xuất xứ món này từ đâu, nhưng có một đặc biệt là bánh phở ở đây hoàn toàn khác với bánh phở ở các nơi khác. Cũng là bánh phở khô giống như bánh phở hủ tiếu (miền Nam) hay bánh phở khô (miền Trung) thế nhưng sợi bánh rất nhỏ, mảnh, không dai nhưng không dễ dứt gãy. Thứ nữa, nếu bánh phở các nơi khác sau khi trụng qua nước nóng già, để nguôi bện dính vào nhau, dai, hơi nhão… thì bánh phở Gia Lai tơi, rời, mềm. Chính yếu tố này làm tô phở khô dễ ăn, không bị ngán dù mùa nóng hay lạnh.

Doc dao pho hai to Tay Nguyen

Phở khô Tây Nguyên khi trụng vẫn dai, mềm, sợi phở không bị dính lại, ăn rất ngon 

Người ta cho rằng bởi bánh phở Gia Lai làm hoàn toàn từ bột gạo, không pha trộn bột mì, bột năng nên đảm bảo yếu tố khô rời mà vẫn mềm. Luận về món phở hai tô mới thấy, cách chế biến giống như hủ tiếu khô. Bánh phở trụng qua nước nóng già, xới lên cho tơi, cho vào tí dầu ăn trộn đều, xịt xì dầu trộn lại lần nữa, sau đó cho thịt heo hay gà lên mặt và cuối cùng là hành phi vàng.

Yếu tố quyết định làm nên thương hiệu tô phở này còn bởi các loại thịt làm mặt bên trên. Có thể là thịt heo bằm (đã xào khô và có gia vị), thịt gà xé, thịt sườn, gà thưng chặt miếng… khiến người ăn liên tưởng đến tô mì của vùng Quảng Ngãi. Tuy kiểu chế biến giống hủ tiếu khô, nhưng tô nước lèo ở đây rất đặc biệt đó là có thịt bò tái. Có thể nước lèo nấu từ xương heo hay nước luộc gà nên không hề có mùi phở mà rất thanh, ngọt, thơm đặc trưng.

Doc dao pho hai to Tay Nguyen

Các loại thịt bên trên phở khô có thể là thịt bằm, gà xé... Ảnh: Internet 

Như vậy phở hai tô có gì đặc biệt? Đó là tổng hòa nhiều trong một món, gợi nhớ và liên tưởng đến các món khác như phở, hủ tiếu, mì quảng, mì xào… Nếu khách ăn phở khô heo và nước tái thịt bò thì thưởng thức được hai món hủ tiếu và phở. Nếu khách ăn phở khô gà và nước tái thịt bò thì thưởng thức được các vị mì gà và phở…

Thêm một điều làm nên vị ngon của phở khô là tương đen. Hai tô bưng ra. Khách lấy đũa đảo đều, cho thêm tí tương đen, thích thì vắt miếng chanh, sau đó cứ một gắp phở lại kèm gắp rau. Đặc biệt có quán chỉ mang ra giá sống. Và, giữa các hiệp cắn miếng ớt xiêm xanh, húp miếng nước. Quả là ngon không thể tả được. Mùa nắng nóng, tô phở khô không ngán bởi có rau hay giá sống và tô nước súp dễ ăn. Mùa lạnh, các gia vị béo, đậm đà và nước lèo nóng khiến càng ấm lòng, no bụng hơn.

Doc dao pho hai to Tay Nguyen

Lên Tây Nguyên, bạn có thể mua bánh phở khô về chế biến phở hai tô tại nhà 

Trong các chợ Gia Lai hay Kon Tum đều có bán bánh phở khô này. Khách mua vài ký về làm quà, bỏ vào ngăn mát tủ lạnh mười ngày không bị hư. Món “fast food” phở khô gia đình nhanh chóng gọn nhẹ là nấu nồi nước lèo (có thể là giò, sườn hay xương với củ cải, thêm ít bò tái). Bánh phở trụng qua nước nóng già, bỏ vào tô, cho dầu ăn, xịt ít xì dầu, nêm hành phi, hành lá. Múc một tô nước súp, cả nhà mỗi người hai tô, cũng ngon lành không thua phở “chính chủ”. Ấy là bởi bánh phở khô Gia Lai đã làm nên tô phở khô dù không đầy đủ gia vị nhưng vẫn man mác không khí Tây Nguyên.

BÌNH AN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI