Đơn xin… gọi điện thăm má!

09/06/2013 - 15:32

PNO - PNCN - Thời gian về Việt Nam chỉ chín ngày, chị cấp tốc gõ cửa nhiều nơi để nộp “Đơn xin được gọi điện thoại thăm má”. Chị cho rằng người đã cản trở đường dây liên lạc chính là chị ruột, đang sống với má.

Ngày 16/5, đôi bên hòa giải tại UBND P.Phước Bình, (Q.9, TP.HCM), ngày 17/5, chị lên máy bay trở về Đức, Lòng vẫn nặng trĩu nỗi lo một ngày không vui nào đó, bà chị có thể “ngắt sóng”.

“Chẳng lẽ má ngủ suốt ngày?”

Lấy chồng người Đức và sống ở Berlin, chị Trần Thị Bích H. (sinh năm 1959) thường xuyên gọi về thăm hỏi, vấn an mẹ thông qua số điện thoại của người giúp việc. Mấy tuần gần đây, người giúp việc nghỉ làm nên chị H. phải gọi điện trực tiếp cho chị ruột là Trần Thị C. (làm nghề kinh doanh tại P.Phước Bình). Mẹ các chị mắt đã mờ, tai lãng, không tự sử dụng điện thoại được. Trong đơn gửi đến Báo Phụ Nữ TP.HCM và UBND P.Phước Bình, chị H. trình bày: “Tôi xin nói chuyện với má nhưng đều bị chị C. từ chối với lý do má ngủ. Tôi yêu cầu chị cho tôi thời điểm thuận tiện để được nói chuyện với má, nhưng chị không trả lời”.

Chị H. cho rằng, chỉ do chị C. cố tình gây khó dễ, chứ không lẽ bà cụ ngủ suốt, nếu ngủ triền miên, li bì ở tuổi 95 thì thật đáng lo ngại. Không gọi được mẹ, chị H. đã bay về Việt Nam và ba lần đề nghị chị C. quy định thời gian nào là thuận tiện cho chị C. (hay một người nào đó mà chị C. cho phép) nghe điện thoại để chuyển lời đến má nhưng chị C. vẫn im lặng. Chị H. và cả chị C. đều cho rằng “chuyện bé tí” mà chị em trong nhà lại phải kéo nhau ra chính quyền thì chẳng hay ho gì, nhưng hai người khó mà có tiếng nói chung. Chị H. bảo, nếu chị C. cho câu trả lời sớm hơn thì sự thể đã không phức tạp như vậy, chị C. đáp vặn: “Hãy xem lại cách hỏi của mình có dễ nghe không!”.

Trong buổi hòa giải với sự tham dự của Hội Phụ nữ, Công an, Tư pháp phường, lời qua tiếng lại hồi lâu, cuối cùng hai chị em đã thỏa thuận được thời điểm chị H. gọi điện thoại cho chị C. để thăm má là từ bảy-chín giờ Chủ nhật hàng tuần. “Còn các ngày trong tuần muốn nói chuyện với má thì cứ gọi điện cho anh, chị, em, cháu trong gia đình đến thăm má. Khi nào má có bất ổn thì chị C. sẽ gọi điện thoại báo H.”.

Bất kể thời điểm do chị C. đề nghị có bất tiện, chị H. vẫn nhanh chóng chấp thuận. Do lệch múi giờ, buổi sáng ở Việt Nam thì ở Đức là tầm… hai, ba giờ khuya. Để được gọi về mẹ, chị H. phải thức canh hoặc đặt đồng hồ báo thức. Theo chị C., thời điểm này là tiện lợi nhất để má nghe điện thoại. “Chứ nhằm lúc má đang ăn, ngủ, tắm… mà bắt phải ngưng lại để nghe điện thoại thì không được. Người già khó ăn khó ngủ, tôi làm hết sức mình để má được như hôm nay. Tôi phải bảo vệ sức khỏe của má”. Chị H. lại khẳng định, lời thăm hỏi, quan tâm của chị từ phương xa góp phần làm cho má khỏe, sống thọ và minh mẫn hơn. Chị gọi điện không hề gây tổn hại cho má, trái lại càng khiến má vui, an tâm. Má đã lớn tuổi, chị biết có còn bao ngày bao tháng nữa để nghe tiếng nói của má. Vả lại, chị muốn con cái sẽ nhìn vào cách chị thể hiện tình yêu dành cho má để hiếu thảo, biết quý trọng cội nguồn, không mất gốc.

Don xin… goi dien tham ma!

Chị Trần Thị C. (bìa phải) đối mặt với em út Trần Thị Bích H. tại buổi hòa giải ở UBND P.Phước Bình ngày 16/5

Chuyện bé - xé tình…

90 phút hòa giải, thời gian khá dài cho 10 dòng thỏa thuận. Cán bộ tư pháp đọc biên bản vừa dứt, chị H. liền xin bổ sung: “Khi tôi gọi về, chị C. phải đồng ý lặp lại, truyền đạt lời của tôi cho má nghe vì má lãng tai, nói qua điện thoại từ xa lại càng khó nghe”. Vài phút trước đó, chị C. đã khẳng định chẳng việc gì phải bất hợp tác trong chuyện em gái gọi thăm má. Tuy nhiên, chị H. không tin lời hứa của chị mình nên cương quyết đề nghị “giấy trắng mực đen”.

Bác bỏ lời em gái cho rằng mình cô lập má, không muốn các chị em hoặc những người họ hàng khác đến thăm, chị C. cũng xin ghi thêm: “Tôi hoan nghênh mọi người, nhất là các anh chị em về thăm má”. Chị C. tỏ vẻ bực bội, phiền lòng khi không nhận được sự thấu hiểu, chia sẻ thỏa đáng. Những cuộc gọi của người em phương xa giống như để quản lý, điều khiển, kiểm soát.

Không khí buổi hòa giải có nhiều pha căng thẳng, sôi bùng bằng những câu kể tội, lời oán trách tưởng như lạc đề so với nội dung cơ bản “xin được gọi điện thoại về thăm má”. Thực sự, mấu chốt vấn đề nằm ở những mâu thuẫn, bất hòa ngấm ngầm trong quá khứ. Nào chuyện trách nhau ém tiền của má, nào chuyện lên mạng bôi xấu chị em với nhóm bạn cũ, nào chuyện lấn đất, xây cổng bít lối đi, nào là rủa nhau cho công việc lụn bại, ngóc đầu không lên… Oán giận chất chứa, dồn nén nên chuyện bé như gọi điện thoại mà cũng được tận dụng để “châm kim xát muối” nhau.

Kết lại buổi hòa giải, chị Đoàn Thị Kim Ngoan - Chủ tịch Hội LHPN phường nhắn gửi: “Rất mong các chị dung hòa, mở rộng lòng, bỏ qua tất cả những căng thẳng, bất đồng. Chị H. ở xa, tình cảm thiếu thốn, cần được cảm nhận hơi ấm gia đình. Lớn tuổi, nếu ngồi suy ngẫm lại, các chị sẽ thấy tiếc khi mất một cơ hội, một khoảng thời gian không khắng khít yêu thương nhau”.

Cán bộ hòa giải vừa nhận được tin vui của chị H. từ Đức. Vài tuần nay, các cuộc gọi về cho má vào sáng Chủ nhật đã diễn ra khá suôn sẻ, nhịp nhàng…

TÔ DIỆU HIỀN

HÀNH VI NGĂN CẢN, KHÔNG CHO MẸ NGHE ĐIỆN THOẠI LÀ VI PHẠM PHÁP LUẬT

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, tại điều 2, điểm d nêu rõ: “Hành vi bạo lực gia đình là ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu, giữa cha, mẹ và con, giữa vợ và chồng, giữa anh, chị, em với nhau”. Hành vi ngăn cản không muốn cho mẹ nghe điện thoại đã xâm hại quyền lợi về tinh thần cho em gái trong thời gian qua, ảnh hưởng làm tổn thất đến tinh thần, gây lo lắng, bức xúc cho người em gái, gây thiệt thòi tình cảm mẹ con.

“Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ…” (điều 35, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000). Việc cố ý cản trở em gái gặp mẹ qua điện thoại chỉ vì tính ích kỷ cá nhân, không thể ngụy biện. Quyền và trách nhiệm thăm hỏi, vấn an, trao đổi thông tin giữa con với cha mẹ phải được chấp nhận, tôn trọng. Với những người con ở xa càng cần được tạo điều kiện, tận dụng các phương tiện thông tin để “kéo gần” hơn. Nếu quyền và nghĩa vụ này bị xâm phạm mà không có cách thỏa thuận thì nên sớm được can thiệp, hòa giải, khuyên nhủ ở khu phố, phường xã, để giữ cái tình. Đa phần sự việc được hóa giải, đạt hiệu quả tốt. Nếu đến mức phải tố cáo, khiếu nại, đương sự phải có bằng chứng để chứng minh mình bị ngăn cản (chứng cứ là hình ảnh, đoạn clip, ghi âm…). Nhiều người nghĩ rằng, hàng ngày mình gần gũi chăm sóc cha mẹ thì chỉ có mình yêu thương cha mẹ. Từ đó, tự “cấp” cái quyền độc đoán, cấm đoán không muốn cha mẹ chia sẻ tình cảm với anh chị em khác. Thực ra, con cái hòa thuận, nhường nhịn, đùm bọc, cùng chăm lo báo đáp song thân mới là cái phúc lớn nhất của người già, khiến cuộc sống của họ thật sự hạnh phúc, có ý nghĩa. Sự chăm lo bao hàm cả đời sống vật chất và tinh thần. Hãy nghĩ đến một tuổi già hẩm hiu, ngày đêm mong chờ con cháu thăm nom, điện thoại, ăn cùng…

Hành vi ngăn cản tình cảm người khác không chỉ ngược đạo lý và truyền thống tốt đẹp mà còn vi phạm pháp luật. Những ai đang bị xâm hại quyền lợi về tinh thần như thế nên mạnh dạn nhờ sự trợ giúp để ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Luật sư LÂM THỊ MAI
(Đoàn Luật sư TP.HCM, Công ty Luật Thiện Việt, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI