Nguy cơ bảo mật và lạm phát từ 55 triệu thẻ ngân hàng 'rác'

25/05/2018 - 06:29

PNO - Ít ai nghĩ rằng thẻ ngân hàng cũng phát sinh… thẻ “rác”. Và còn hơn thế, với những sự cố vừa xảy ra thời gian qua, vấn đề bảo mật cho thẻ ngân hàng đang ngày càng đáng lo lắng hơn.

Lâu nay chúng ta chỉ hay nghe đến SIM “rác", những năm qua lên đến cả trăm triệu chiếc. Nhưng con số đầy bất ngờ do Hiệp hội Thẻ Việt Nam công bố gần đây khiến nhiều người ngạc nhiên: Trong số khoảng 132 triệu thẻ ngân hàng đã phát hành hiện nay, chỉ có khoảng 77 triệu thẻ là đang hoạt động; còn 55 triệu thẻ kích hoạt xong để đó, hoặc lâu rồi không sử dụng để giao dịch, được gọi là… thẻ ngân hàng “rác”.

Nguy co bao mat va lam phat tu 55 trieu the ngan hang 'rac'
Ít ai nghĩ rằng thẻ ngân hàng cũng phát sinh… thẻ “rác”. 

Tình trạng lạm phát thẻ ngân hàng “rác” cũng có những điểm tương đồng như SIM “rác”, là phần lớn được phát hành từ các đợt khuyến mại hoặc kèm theo các chương trình có tặng quà, tặng tiền vào tài khoản; phát hành cho công nhân tại các doanh nghiệp để chuyển phát lương, nhưng sau khi doanh nghiệp chuyển ngân hàng thì các thẻ đó không còn được công nhân sử dụng…

Vấn đề thẻ ngân hàng “rác” gây tốn tài nguyên của ngân hàng không đáng kể, xong đối với người dùng thì dễ bị phát sinh phí duy trì thẻ, tuy loại mỗi năm với mức từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng, thậm chí 800.000 đồng cho dù không còn sử dụng, nguyên nhân vì quên không chịu hủy dịch vụ thẻ.

So với những khoản tiền vài trăm ngàn như trên dù không dùng mà vẫn phải trả vì quên hủy thẻ thật sự không đáng so với sự mất mát tiền bạc từ các nguy cơ bảo mật, để kẻ xấu, hacker xâm nhập lấy đi.

Một minh chứng mới nhất là hàng chục chủ thẻ ATM sử dụng dịch vụ của ngân hàng Agribank bị mất tiền vào tháng trước. Theo một số chuyên gia, có thể kẻ xấu dùng thiết bị sao chụp lại đặt ngay bên trên khe đút thẻ của máy ATM để lấy cắp thông tin và sau đó rút tiền.

Nguy co bao mat va lam phat tu 55 trieu the ngan hang 'rac'
Thẻ ngân hàng tại Việt Nam hầu hết đang sử dụng công nghệ thẻ từ, rất dễ bị giả mạo và tính bảo mật không cao.

Song lại có tình huống là, sau khi khách hàng báo với ngân hàng và ngân hàng đã xác nhận khóa thẻ, thì tiền từ tài khoản của chủ thẻ vẫn tiếp tục bị rút. Ở đây đặt ra hai nghi vấn và cũng là nguy cơ: Vấn đề từ hệ thống bảo mật của ngân hàng và cách sử dụng thẻ của khách hàng đã vô tình hoặc thiếu cẩn trọng mà để rò rỉ thông tin.

Một số người có kinh nghiệm còn cho biết, khi sử dụng thẻ tín dụng thanh toán tại các nơi đừng phó mặc thẻ cho nhân viên tại các quầy. Tại TP.HCM đã từng xảy ra trường hợp khách ăn nhà hàng đã bị quẹt thẻ đến vài trăm triệu đồng sau đó mới phát hiện, nguyên nhân là vì quá tin vào nhân viên đứng quầy thu tiền và lơ là không quan sát. Tuy nhiên, việc để cho kẻ xấu sao chụp được thẻ tín dụng cũng tiềm ẩn nguy cơ bị đánh cắp tiền nếu để chúng nắm được luôn cả mật khẩu.

Từ nhiều năm qua các chuyên gia bảo mật đã cảnh báo rằng, thẻ ngân hàng tại Việt Nam hầu hết đang sử dụng công nghệ thẻ từ, rất dễ bị giả mạo và tính bảo mật không cao và cần sớm chuyển đổi sang thẻ chip có tính bảo mật cao hơn.

Tuy nhiên tính đến nay, vấn đề chip hóa thẻ ngân hàng mới chỉ ở giai đoạn thí điểm và hơn 70 triệu thẻ nội địa đang có hoạt động thực sự tại Việt Nam vẫn chưa có lộ trình chuyển đổi rõ ràng trong khi tại nhiều quốc gia trong khu vực việc chuyển đổi này đã được hoàn tất.

Theo Cty cổ phần thanh toán quốc gia VN (NAPAS), điều này khiến cho Việt Nam trở thành “vùng trũng” của tội phạm thẻ ngân hàng so với các quốc gia khác.

Thụy Du

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI