Đời chị không chỉ là bóng tối

01/07/2019 - 15:30

PNO - 25 năm tha hương kiếm sống và làm dâu, trải qua bao cay đắng, có lúc tưởng phải buông xuôi, nhưng rồi chị đứng dậy và bình thản đối mặt với tất cả, bởi tin rằng còn được sống bên những người yêu thương đã là hạnh phúc.

Hương vị đậm đà của tô bún bò Huế

Sinh năm 1975, chị Võ Thị Liên là con gái thứ sáu trong gia đình có bảy chị em ở Huế. Nghỉ học sớm, Liên theo mẹ ra đồng cấy lúa, nhổ mạ. 14 tuổi, Liên làm bánh bột lọc, bánh bèo gánh đi bán rong. 15 tuổi, Liên và người chị cả dắt díu nhau vô Sài Gòn thuê trọ ở khu chợ Bà Quẹo (Q.Tân Bình) tiếp tục bán các loại bánh Huế. Liên quen anh Lê Văn Toàn, một người ít nói, làm lụng siêng năng, rồi làm dâu Sài Gòn.  

Theo chồng về ở Q.12 nhưng nhiều năm sau chị Liên vẫn miệt mài làm bánh và đạp xe đi bán ở chợ Bà Quẹo. Tích lũy được ít vốn, hai vợ chồng chuyển qua nuôi heo, lúc cao điểm lên tới 60-70 con. Dịch bệnh khiến heo chết hàng loạt, cụt vốn. Suy nghĩ mãi chẳng thấy đường ra nên chị quyết định lên Q.Tân Bình xin phụ bán quán và học nấu bún bò Huế. Khi đã thành thạo nghề, chị vét hết những đồng tiền tích cóp và vay thêm vốn của Hội Phụ nữ để mở quán bán trước nhà… 

Doi chi khong chi la bong toi
Chị Liên bán bún buổi sáng đã hơn 13 năm

Quán bún bò Huế của chị nằm gần cuối hẻm nhỏ ở khu phố 1, P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM. Mỗi buổi sáng chị nấu khoảng 100 tô. Sáu cái bàn dọn ra chỉ một lát là kín khách. Không chỉ người trong khu phố mà khách ở bên Gò Vấp, Phú Nhuận cũng ghé lại vì hương vị đậm đà của tô bún bò Huế. Việc buôn bán kéo dài đến hơn 9g. Thời gian còn lại trong ngày, chị xoay như chong chóng với bốn người bệnh và tham gia hoạt động thiện nguyện.

Nỗi khổ trần ai

Mẹ chồng chị Liên là bà Lê Thị Lang. Chị Liên về làm dâu nhà bà Lang khi mới 19 tuổi. Cô dâu trẻ thích vui chơi, giao lưu với xóm giềng, trong khi bà Lang lại coi cái sự mau miệng ấy là nhiều chuyện và thường xét nét. Từ một cô gái trẻ hoạt bát chị Liên trở nên trầm lặng, chẳng dám kết bạn với ai. 

Khi con gái đầu hơn 7 tuổi và chị Liên đang mang thai lần thứ hai thì cha chồng nhập viện vì căn bệnh ung thư. Chồng chị, đi làm xa nên mẹ chồng nàng dâu phải cận kề chăm sóc ông. Thương ông những ngày còn khỏe vẫn thường dạy chị viết chữ, tính toán, bênh vực mình, chị Liên nhủ lòng “cha chồng cũng như cha ruột, phải lo cho ông chu toàn”. Lao tâm và lao lực khiến chị sẩy thai. 

Doi chi khong chi la bong toi
Chị Liên cận kề chăm sóc má chồng

Đến năm 2006, chị Liên hạ sinh hai con trai Lê Hoàng Anh - Lê Hoàn Mỹ đem lại niềm vui cho cả gia đình. Nhưng niềm vui chẳng tày gang, ba tuổi, rồi bốn tuổi, Anh và Mỹ vẫn chưa nói được. Có những khi đang tất bật buôn bán, chị Liên hoảng hồn khi con chạy về mếu máo ý nói vừa đánh bạn. Bỏ dở công việc để đi tìm đám nhỏ xin lỗi chị Liên mới hay con mình bị đánh. Sau nhiều lần như vậy, chị biết con mình hay nói ngược. “Hai cháu chậm phát triển trí tuệ” - chẩn đoán của bác sĩ như một thảm họa giáng xuống đời chị.  

Do thể trạng yếu nên hai cháu phải uống thuốc mỗi ngày, không học được, chị lại phải chăm bẵm từng li từng tí. Nhiều khi, đang đút cơm cho đứa này thì đứa kia làm bể cái chén, hất đổ cái tô.  “Cũng có lúc cực lòng, nhưng tôi nghĩ, dù sao cũng là con mình... Mừng là hai cháu giờ đã nói năng rành rọt, hết tiểu học rồi lên trung học, tuy chậm mà ngoan, biết nghe lời”, chị Liên phấn khởi.  

Nỗi khổ này vừa qua thì nỗi khổ kia ập tới. Lúc chị Liên mới về làm dâu, em trai chồng là Lê Đức Thắng, 20 tuổi, vẫn khỏe mạnh. Nhưng vài năm sau, Thắng bắt đầu có những biểu hiện lạ, mất ngủ dài ngày, thường rì rầm một mình, bất ổn trí nhớ và nhận thức. Bệnh nặng dần, gần đây Thắng không còn kiểm soát được bản thân. Việc chăm sóc Thắng lại đến tay chị Liên. Móng tay, móng chân dài, chị cắt. Tóc dài, chị chở ra tiệm. Cơm bưng, nước rót, dọn dẹp vệ sinh… chị đều làm. 

Hơn ba năm trước, bà Lang được phát hiện mang bệnh Parkinson nên phải hạn chế vận động. Cách nay sáu tháng, bà bị ngã, gãy tay phải. Từ đó, việc ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cá nhân của bà đều do chị Liên chăm sóc.

Niềm vui trở lại 
Bà Lang và anh Thắng sống ở căn nhà bên cạnh. Bà thường gọi con dâu là “bé ơi”. Nhiều khi 1-2g sáng, văng vẳng tiếng gọi “bé ơi”, chị Liên vùng dậy chạy qua thì thấy mẹ và em vẫn ngủ. Làm lụng suốt ngày, hễ rảnh là chị lại ngồi xoa bóp tay chân và dìu mẹ chồng ra ngoài hóng gió.

Chị Việt Hà, một người dân cùng khu phố, xuýt xoa: “Con ruột cũng chưa chắc được như vậy. Biết bả hơn 20 năm rồi, tôi đến sợ cái tính chịu khó của bả”. Bà Lang lặng nhìn chị Liên rồi nghẹn giọng: “Con dâu tôi khổ lắm. Hồi xưa tôi khó với nó, giờ nghĩ lại thấy thương”. Một hôm, khi đang được con dâu tắm gội thì mẹ chồng ngước lên rưng rưng: “Hồi này, thấy con má thương lắm”. Câu nói ấy khiến chị Liên bần thần, nước mắt tuôn ra. 25 năm nhọc nhằn trở nên nhẹ hều. 

Với bản tính sôi nổi và lạc quan, từ dạo má chồng thấu hiểu, chị Liên đã tham gia công tác Hội Phụ nữ tại địa phương, làm Tổ trưởng Tổ Phụ nữ 3A và đã cùng các chị em tham gia hiến máu tình nguyện 12 lần. Hằng năm, cùng với chị em trong tổ, chị góp tiền, góp sức tổ chức nấu ba bữa cơm chay (200 suất/lần nấu) trao cho những người lao động nghèo, người già neo đơn. Đầu năm, cuối năm chị tranh thủ đi xin quần áo cũ về giặt cẩn thận rồi vận động thêm tập, sách, học bổng để tặng cho trẻ em nghèo. 

Thấm thoắt đã 30 năm tha hương. Cha chị vào thăm, thấy con gái bươn chải suốt ngày, ông xót xa, nhưng căn dặn phải sống trọn đạo dâu con. Con gái lớn Phước Huệ mới tốt nghiệp đại học, đang làm nhân viên marketing. Ngoài thời gian đi làm, Huệ phụ má bán quán, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc bà nội và chú. “Huệ là nguồn động viên, an ủi lớn của tôi. Con bé chịu khó, đỡ đần ba má đủ mọi việc. Bà con quanh xóm hay quở sao tôi chịu đựng, cực khổ quá. Nhưng tôi thấy, mình sống một đời bình thường, có đau khổ, sướng vui, hạnh phúc. Với lại, tham gia Hội, những buồn lo trong tôi đã vơi đi nhiều” - chị Liên bộc bạch. 

Mẫn Nhi

“Hội viên phụ nữ và người dân đều quý mến chị Liên, một phụ nữ hiền lành, chất phác, hay giúp đỡ những cảnh đời khó khăn dù hoàn cảnh bản thân không lấy gì làm dễ thở. Chồng chị làm nghề xây dựng, thường xuyên vắng nhà, một mình chị cáng đáng việc buôn bán, cơm nước, chăm sóc người thân đau ốm, nhưng chị vẫn sắp xếp thời gian tham gia các buổi sinh hoạt Hội, các hội thi nấu ăn, ra quân dọn dẹp vệ sinh và là nòng cốt phong trào của Chi hội Phụ nữ khu phố 1”. 

 Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hội LHPN P.Hiệp Thành, Q.12 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI