Hè ơi! Sao vui thế?

03/06/2015 - 06:39

PNO - PN - Năm học dần khép lại, cánh cửa mùa hè mở ra đưa các em học sinh đến chân trời rộng để tung tăng, tíu tít như đàn chim non. “Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê / Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ! (Xuân Tâm). Có được vậy không với tất cả các em, hay đâu đó vẫn có bản biến tấu ảm đạm “Hè ơi! Sao “oải” thế?”. Vì những lý do riêng, người lớn đối phó với mùa hè của con bằng chương trình học “xì khói”. Mùa hè - học kỳ III cũng chẳng khác mấy, giống ở cả “tính năng” gây căng thẳng, mệt mỏi, trầm uất cho trẻ. Nghỉ hè, trẻ nên làm gì? - chia sẻ của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhắc chúng ta đứng “cùng phe” với trẻ để chọn chơi, chọn học phù hợp trong mùa hè quý giá.

edf40wrjww2tblPage:Content

Vào thời điểm Apple tung ra máy tính bảng đầu tiên, một phóng viên hỏi Steve Job: các con ông hẳn sẽ rất thích iPad? Thật ngạc nhiên khi người đàn ông huyền thoại trả lời: bọn trẻ đâu có được xài. Chúng tôi rất hạn chế dùng công nghệ tại nhà. Và không phải chỉ Steve Job, nhiều ông trùm công nghệ bị con lên án là “phát xít” trong việc… giám sát thời gian sử dụng công nghệ của con.

Trong khi đó, iPad nói riêng và các thiết bị điện tử nói chung đang được xem là… vú em, là cánh tay phải của nhiều cha mẹ trong việc cho con ăn, ngủ, dạy con chơi để mình rảnh rang làm việc…

Có bao giờ bạn tưởng tượng con mình sẽ ra sao nếu iPad không có mặt trên đời? Ta biết làm gì, chơi gì với trẻ, sẽ thu xếp công việc và thời gian của mình như thế nào? Hãy theo dõi chuyên trang Mùa hè không iPad trên báo Phụ Nữ, bạn sẽ phát hiện ra con mình mê vận động, thích khám phá, ưa tìm tòi, con mình là đứa trẻ thích tưởng tượng và trầm tư…

Bạn sẽ phát hiện ra: so với bạn, iPad chỉ là con số 0 to tướng. Thật đấy, hãy thử cùng con tận hưởng một mùa hè không iPad.

He oi! Sao vui the? 

Đừng tham lam, nhồi nhét con!

Học vẽ, đàn, múa hát, võ thuật, nữ công gia chánh, ngoại ngữ… là những môn trẻ có “nguy cơ” bị nhồi trong mùa hè. Nhiều cha mẹ muốn tận dụng quỹ thời gian rảnh đào luyện con trở thành nhân tài hay người đa năng nên món gì cũng muốn trang bị. Thế là dù vào hè vẫn phải tất bật đưa rước con đi học để khi kết quả “chẳng ra hồn” lại khiển trách con.

Sẽ rất tốt nếu trẻ được học, được tiếp cận những lĩnh vực mình yêu thích. Tuy nhiên, mỗi trẻ thường chỉ thực sự thích một hoặc một vài môn. Vì thế, dù có điều kiện tài chính, phụ huynh cũng không nên bạ đâu cho con học đấy, mà phải chọn lọc, ưu tiên, tránh trường hợp người lớn và trẻ cùng quá tải, mùa hè mất vui. Trẻ cần nghỉ ngơi. Cha mẹ “tham” cùng lắm là cho con nghỉ nhưng không cho… ngơi (ngưng lại một số hoạt động), sợ sang năm không theo kịp chúng bạn.

Dựa vào điều con thích và thiếu

Phụ huynh khi đăng ký học ngoại khóa hoặc môn năng khiếu nào cho trẻ cũng cần bàn bạc thống nhất, không áp đặt, bắt ép, để trẻ đưa ra quyết định. Nếu trẻ thích môn nào, phụ huynh cần hỏi lý do. Tập cho trẻ thói quen ghi ra giấy những kế hoạch, mục tiêu và dán lên bảng, tường, thể hiện động lực và quyết tâm của trẻ trong những ngày hè.

Học ngoại khóa, năng khiếu, dù trẻ tự nguyện đăng ký, đến giai đoạn nâng cao sẽ khó hơn khiến trẻ dễ chán nản và bỏ dở, phụ huynh nên đồng hành để giúp đỡ con, không “được chăng hay chớ”. Nắm bắt điều con thích để đáp ứng là cần thiết, nhưng với kinh nghiệm của mình, phụ huynh nên khuyến khích trẻ bổ sung những kiến thức, kỹ năng quan trọng mà trẻ còn thiếu. Ví dụ, dù không thích, sáu tuổi, trẻ vẫn phải học bơi, học ứng phó hỏa hoạn, sơ cứu… để chủ động với tai nạn có thể xảy đến với mình và người khác.

Thỏa thuê trải nghiệm

Mùa hè, hoạt động chủ đạo của con là chơi, cần tạo điều kiện cho con gần gũi đời sống thực. Trẻ sẽ học được nhiều điều từ trò thả diều, đá dế, trèo cây, bắt cua, cưỡi trâu, cất nhà chòi, lợp lá, bán đồ hàng, khơi bếp than củi cùng nướng cá, rang bắp, lùi khoai… Trẻ sẽ ham mê, hứng thú với trải nghiệm ngược dòng. Trẻ thành thị được về miền đồng quê, núi rừng, sông biển. Trẻ nông thôn thì được hòa mình vào nhịp sống đô thị hối hả, biết thế nào là đèn tín hiệu giao thông, cầu vượt... Nghỉ hè, trẻ nên làm gì? Gì cũng được, miễn an toàn, vui và thu nhận thêm cái mới.

Đừng bao giờ dán rịt vào những màn hình ti vi, điện thoại, iPad để đôi mắt giảm tinh tường, đầu óc bớt nhạy bén và tương tác người. Mùa hè vốn công bằng với tất cả: trẻ nông thôn hay thành thị, trẻ giàu hay nghèo, miễn cha mẹ đừng quay lưng với nhu cầu chính đáng của trẻ.

Nghỉ hè đến… mất sức

Nếu không có gì gấp gáp, cha mẹ có thể để con ngủ thả giàn, ngủ thẳng cẳng, bù lại năm học. Giấc ngủ say nồng, tròn đầy là thời điểm cơ thể tiết hormon sinh trưởng cho con cao lớn, khỏe mạnh. Thức khuya, thức trắng xem phim, chơi game rất tai hại. Sáng ra lại đi ngủ thì đó không phải là giấc ngủ sinh lý, mà là ngủ vùi, vì quá mệt mỏi, bải hoải.

Nghỉ hè để lấy lại sức nhưng nếu để trẻ tự do tùy ý, ăn ngủ không điều độ, không tập thể dục thể thao thì coi chừng càng nghỉ càng… xiêu. Xem phim, chơi game khuya dễ ghiền và cha mẹ cũng không thể theo sát để biết phim, game ấy có bạo lực, sex ảnh hưởng nhân cách, tâm thần trẻ hay không. Trẻ vừa tổn hại sức khỏe vừa buông xuôi ý thức rèn luyện, xây dựng giới hạn, bản lĩnh sống, bắt đầu thỏa hiệp với những thói quen xấu, tâm thế không sẵn sàng bước vào năm học mới và sự phát triển lâu dài.

He oi! Sao vui the?

Các bé hào hứng khởi động mùa hè bằng buổi học làm bánh tại Trung tâm ngoại ngữ Eland (Q.3, TP.HCM) - cô giáo sử dụng tiếng Anh khi hướng dẫn làm bánh

Hè - cơ hội vàng gắn kết gia đình

Hè là quỹ thời gian dồi dào để bồi bổ, làm giàu tâm hồn trẻ, tăng lòng trắc ẩn bằng việc đọc sách, tiếp cận các chương trình nghệ thuật, thăm họ hàng, bạn bè, giúp đỡ người khó khăn… Đặc biệt là thắt chặt tình cảm gia đình bằng bữa cơm chung, vui chơi, du lịch. Tâm sinh lý trẻ đang biến chuyển từng ngày và mùa hè là bước ngoặt lớn trong sự phát triển của trẻ.

Cha mẹ cần giúp con chọn sách phù hợp và đọc cùng con. Trẻ đọc sách xong, có thể tóm tắt, đặt câu hỏi cùng thảo luận, đào sâu các chi tiết trong nội dung. Những bài học nhân văn cụ thể toát lên từ đó mà cha mẹ không cần giáo huấn trực tiếp với con. Nếu than rằng con càng lớn càng xa mình, thậm chí muốn cách ly thì mùa hè là cơ hội vàng để gần con, để lắng nghe và thấu cảm.

Nhiều đơn vị, công ty rao bán các khóa học kỹ năng sống trong hè nhưng không có kỹ năng nào bằng kỹ năng do cha mẹ dạy con, cả nhà cùng căng lều dã ngoại, cùng leo núi hay chỉ là quây quần bên bếp nhà mình, cùng lặt rau, nấu nướng.

 TÔ DIỆU HIỀN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI