Lung linh hai tiếng 'gia đình'

15/05/2015 - 17:14

PNO - PN - Lồng ghép với chuỗi hoạt động thực hiện đề án “Giáo dục năm triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” giai đoạn 2010-2015, sáng 12/5, Hội LHPN Q.3, TP.HCM phối hợp với Phòng Giáo dục & đào tạo, Phòng Văn hóa thông tin quận tổ chức hội thi thuyết trình “Cha - niềm tự hào của con”.

edf40wrjww2tblPage:Content

NGƯỜI THẦY VĨ ĐẠI

Trời vừa sáng, hội trường Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (P.8, Q.3) đã đông kín người. Nhiều thí sinh đi bên cha, nói cười rạng rỡ. Lẫn trong đám đông có bóng những người đàn ông mặc đồng phục lao động, đồng phục của bảo vệ dân phố. Tạm nghỉ một buổi làm, họ tề tựu về đây với mong muốn rất đỗi dung dị là được thấy con mình đứng trên sân khấu, nói trước đám đông một cách tự tin...

Chống nạng gỗ, dáng đi liêu xiêu, mỗi lần lên cầu thang là một lần nhấc chân khó nhọc nhưng anh Nguyễn Văn Hiệp lúc nào cũng cười. Hôm nay, vợ chồng anh cùng “đi thi” với cô con gái nhỏ. Anh Hiệp chia sẻ: “Khi hay tin con gái lọt vào vòng chung kết xếp hạng, tôi cũng háo hức theo cháu. Ở địa phương, tôi đã có những dịp dự sinh hoạt, tọa đàm do Hội Phụ nữ tổ chức về đề án “Giáo dục năm triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”. Tôi áp dụng các kiến thức đó vào việc hướng dẫn con học, vui chơi, cách phòng tránh tệ nạn xã hội. Hội thi này là dịp tốt dể vợ chồng tôi nhìn lại quá trình cùng con phấn đấu xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc”.

Kể từ khi phát động Hội thi thuyết trình “Cha - niềm tự hào của con”, Ban tổ chức đã nhận được 133 bài dự thi. Sau vòng sơ loại, có 20 thí sinh lọt vào vòng chung kết. Theo quy định, mỗi thí sinh chỉ có từ 5-7 phút thuyết trình bài viết của mình. Không chỉ thể hiện phần nói tự nhiên, đầy xúc cảm mà hình thức trình bày cũng được thí sinh trau chuốt sinh động, đa dạng. Những bức ảnh, đoạn clip được chuẩn bị công phu khắc họa hình ảnh người cha ban ngày ra ngoài đi làm bác tài xe ôm, thợ xây, công nhân lao động… nhưng khi trở về nhà thì hết sức “đảm đang” công việc nhà.

Thí sinh Hồ Ngọc Gia Hân, học sinh lớp 8/9, Trường THCS Colette thú nhận: “Năm lớp bốn, chỉ vì đua đòi theo bạn bè, tôi nhõng nhẽo đòi cho bằng được bộ truyện cổ tích mới xuất bản. Ba không hề la rầy, quát mắng mà đội mưa gió đi mua. Sau lần đó, ba bệnh suốt mấy ngày. Tôi thấy mình hư quá, từ đó không còn nhõng nhẽo, đua đòi nữa”. Với Lương Hoàng Vân Khanh, học sinh Trường THCS Colette thì “cha là người thầy vĩ đại”.

Từ một cô bé nhút nhát, chưa từng nói chuyện trước đám đông, Khanh đã mạnh dạn bước lên sân khấu để kể về cha em - anh Lương Minh Trí với tất cả niềm tự hào. Cha đưa đón Khanh đi học, dạy Khanh phương pháp học hiệu quả bằng sơ đồ tư duy. Cũng chính cha là người gieo mầm “tình yêu biển đảo quê hương”, ý thức tri ân các anh hùng liệt sĩ trong trái tim Khanh. Xem xong phần thi của con gái, anh Lương Minh Trí thổ lộ: “Tôi quá bất ngờ. Đây là lần đầu tiên, Khanh bộc bạch tâm tư, tình cảm của mình về cha, tự nhiên, mộc mạc khiến tôi run lên vì xúc động. Tôi thật sự biết ơn ban tổ chức đã tạo ra sân chơi nhân văn này”.

Lung linh hai tieng 'gia dinh'

Gia đình anh Nguyễn Văn Hiệp

NỒNG ẤM TÌNH THÂN

Xuyên suốt phần thi của các thí sinh, hình ảnh của người cha luôn được lồng trong câu chuyện về tình cảm gia đình. Cũng như nhiều người cha khác, cha của Khanh, Ly, Hân, Thọ đã dạy các em tính trách nhiệm và sự kiên trì vô hạn. Trong khi đó, mẹ truyền cho các em lòng vị tha, bao dung, sự dịu dàng, ấm áp. Tất cả đã làm nên hai tiếng “gia đình” thiêng liêng. Nguyễn Ngọc Thọ (Hội LHPN P.7, Q.3) khẳng định: “Nếu phải kể về một người vĩ đại, tôi sẽ kể về cha tôi…”.

Nguyễn Hạnh Nguyên, Trường THCS Bạch Đằng bắt đầu phần thi bằng lời giới thiệu bất ngờ: “Ba tôi có vầng trán cao và hơi hói một chút, tóc xoăn tự nhiên xen lẫn vài sợi bạc…”. Bài học sâu sắc nhất mà Nguyên học được từ cha chính là “không phân biệt việc của phụ nữ, việc của đàn ông. Đi làm thì thôi, về nhà thể nào ba cũng trổ tài nấu nướng, dù món ăn lúc nhạt, lúc mặn nhưng má con tôi luôn cảm thấy hạnh phúc”.

Ban tổ chức đã trao giải nhất cho thí sinh Lương Hoàng Vân Khanh. Các thí sinh Vũ Minh Anh, Cao Thị Lý Uyên (Trường THCS Colette) và Nguyễn Hạnh Nguyên, Trường THCS Bạch Đằng nhận giải nhì. Ngoài ra, đơn vị Trường THCS Colette và Hội LHPN P.2 cũng được trao giải phong trào vì có lượng bài gởi dự thi cao nhất. Dù buổi lễ trao giải đã kết thúc nhưng hàng trăm thí sinh, phụ huynh vẫn nấn ná ở lại hội trường chuyện trò, chia sẻ cho nhau kinh nghiệm chăm lo sức khỏe, giáo dục con.

Anh Nguyễn Văn Hiệp nhắn nhủ: “Tôi nghĩ hội thi nên được duy trì, có thể cách từng năm để thay đổi chủ đề, khi về cha, khi về mẹ, khi khác thì về anh, chị, em, bạn bè vì điều đó thật sự có ý nghĩa giáo dục rất cao. Cuộc thi giúp ích rất nhiều để phụ huynh có hướng chăm sóc và định hướng lối sống đẹp cho con”.

 MẪN NHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI