Bên lề 'Trump-Kim 2.0'

27/02/2019 - 10:39

PNO - Bên ngoài phòng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, công chúng quan tâm đến những điều thú vị khác…

Cả thế giới đang hướng về những nội dung mà ông Donald Trump và Kim Jong Un sẽ trao đổi trên bàn làm việc, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. Bên ngoài phòng hội nghị, công chúng cũng quan tâm đến những điều thú vị khác…

“Người gác cổng” của lãnh đạo Kim

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội không có sự xuất hiện của Đệ nhất phu nhân Mỹ - Melania Trump lẫn Đệ nhất phu nhân Triều Tiên - Ri Sol Ju. Thay vào đó là nhân vật quyền lực đang từng ngày khẳng định vị thế trong bộ máy chính quyền Bình Nhưỡng.

Nhiều trang tin cho rằng, vì bà Melania Trump không khỏe, không thể đến Hà Nội, nên Ri Sol Ju, theo nghi lễ ngoại giao, cũng ở lại Bình Nhưỡng. Vì thế, nữ nhân vật cấp cao được báo chí săn đón chính là bà Kim Yo Jong - Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và là em gái ông Kim Jong Un.

Ben le 'Trump-Kim 2.0'
Kim Yo Jong là cánh tay phải đắc lực của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un

Khi đoàn tàu bọc thép chở ông Kim cùng phái đoàn đến nhà ga Đồng Đăng, mọi ánh mắt đều hướng đến cửa ra và người bước xuống trước lãnh đạo Kim chính là bà Kim Yo Jong. Bà dõi mắt sang hai bên để kiểm tra, chắc chắn mọi thứ đã ổn, rồi ông Kim mới xuất hiện. Sau đó, giữa rừng ống kính của truyền thông Việt Nam và quốc tế, bà lặng lẽ rút về phía sau.

Hình ảnh bà Kim Yo Jong ở ga Đồng Đăng ngày 26/2 gợi nhớ hình ảnh bà đích thân đưa bút cho lãnh đạo Kim ký tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tháng 6/2018 cũng như Hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều hai tháng trước đó. Kim Yo Jong được ví như “người gác cổng” cho những kết nối quan trọng của anh trai với thế giới.

Đội đặc nhiệm PR của Tổng thống Mỹ

Từ chuyến công du của ông Barack Obama đến Việt Nam hồi năm 2016 đến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội, hình ảnh các đặc vụ Mỹ trong đội hình bảo vệ Tổng thống Mỹ luôn khiến các chị em “rụng rời” bởi dáng vóc cao to, vẻ ngoài lạnh lùng, trang bị tối tân và luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Nhiều người đã không ngần ngại khẳng định: lực lượng mật vụ này cũng chính là cách người Mỹ phô diễn hình ảnh, sức mạnh của mình với thế giới - luôn nghiêm túc, hào nhoáng, sẵn sàng giúp đỡ nhưng cũng sẵn sàng trấn áp khi lợi ích bị xâm phạm.

Ben le 'Trump-Kim 2.0'
Dù tinh nhuệ, CAT vẫn chỉ là lực lượng bảo vệ vòng ngoài của Tổng thống Mỹ

Cần biết rằng, đội mật vụ và phản ứng nhanh (CAT) thuộc mật vụ Mỹ vẫn chỉ là những người bảo vệ vòng ngoài nơi ở của Tổng thống Mỹ và phái đoàn tháp tùng chứ chưa phải là lực lượng cận vệ mặc đồ vest (PPD) ở ngay cạnh tổng thống. Dù vậy, đây được xem là lực lượng đáng gờm, có khả năng dập tắt mọi cuộc tấn công nhắm vào Tổng thống Mỹ ngay từ trong trứng nước. Họ được tuyển chọn từ khắp các đơn vị của quân đội Mỹ, phải tham gia hai khóa huấn luyện đặc biệt kéo dài 29 tuần mà việc bị loại có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

Kể cả những thành viên tinh nhuệ từ SEAL, Recon của Mỹ, muốn trở thành mật vụ bảo vệ tổng thống cũng phải được huấn luyện lại để… quên các kỹ năng tác chiến kiểu quân đội và học cách chỉ tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ tổng thống. Nếu bạn tự tin nhan sắc của mình có thể hạ gục mọi chàng trai và bạn xuất hiện trước mặt một mật vụ Mỹ đang làm nhiệm vụ, bạn nên hiểu rằng, bạn chỉ là một đối tượng có khả năng gây nguy hiểm.

Nếu chàng mật vụ chăm chăm nhìn bạn, anh ta không phải đang ước lượng sự duyên dáng hay khiêu gợi của bạn mà chính xác là đang tính xem liệu bạn có phải là kẻ tấn công tiềm tàng không. Nếu câu trả lời là có, anh ta sẽ tính xem cần trấn áp và tiêu diệt bạn như thế nào.

Nếu khi bạn tiến đến gần và chàng mật vụ sờ tay vào súng, bạn nên cầu nguyện để sống sót thay vì mơ có một buổi tối lãng mạn cùng chàng. Thậm chí, nếu chàng chưa ra tay, bạn cũng có khả năng bị một mật vụ khác, từ một vị trí khác tiêu diệt; bởi các mật vụ trong đội CAT không bao giờ hoạt động riêng lẻ mà luôn được đồng đội yểm trợ từ các hướng, trong phạm vi bảo vệ của họ. 

Một đội CAT có thể lên đến 200 người hoặc hơn trong mỗi nhiệm vụ, tùy theo độ phức tạp của nhiệm vụ và nguy cơ an ninh đối với Tổng thống Mỹ. Họ là những người xuất hiện trước nhất ở mọi nơi Tổng thống Mỹ sẽ đến để rà soát, đảm bảo, bảo vệ và là những người rời đi sau cùng, khi những người cần được họ bảo vệ đã an toàn ở một nơi khác. 

Thiên Anh - Hoàng Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI