Nhung - của những thiên thần bị bỏ lại trần gian

08/03/2019 - 06:00

PNO - Điều dưỡng Lê Tuyết Nhung gọi Làng Hòa Bình là ngôi nhà thứ 2 của mình. Những đứa trẻ thấy Nhung vắng mặt vài ngày đã băn khoăn, lo lắng. Gặp lại cứ vặn vẹo hỏi vì sao Nhung nghỉ lâu thế.

Khách lạ là tôi, lơ ngơ bước chân trên hành lang trước dãy phòng các em đang ở, ngay lập tức được nữ điều dưỡng Lê Tuyết Nhung mời ra bên ngoài. Sau khi trình bày lý do và mang bao nilon bọc giày để tránh nhiễm khuẩn, tôi mới được Nhung mời vào thăm các em ở Làng Hòa Bình

Sững sờ vì nhiều trẻ không tay, thiếu chân

Nhung - cua nhung thien than bi bo lai tran gian
Điều dưỡng Lê Tuyết Nhung với bé Ánh, 23 tuổi, bị điếc bẩm sinh và xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn

Điều dưỡng Lê Tuyết Nhung (31 tuổi, quê Bến Tre) là một trong 22 nhân viên y tế đang làm việc tại Làng Hòa Bình.

Tên gọi Làng Hòa Bình không quá xa lạ với người dân ở TP.HCM. Trong 29 năm tồn tại, nơi này đã nuôi dưỡng trên 400 trẻ khuyết tật.

4 năm trước, cũng như rất nhiều người, điều dưỡng Nhung cũng nghe đến nơi này như địa điểm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật. Khi đó, cô điều dưỡng Lê Tuyết Nhung hăm hở xin vào làm việc ở Bệnh viện Từ Dũ.

Ban giám đốc đề nghị Nhung nhận công việc ở Làng Hòa Bình. Nghĩ việc chăm sóc trẻ khuyết tật cũng chỉ hơi khó xíu so với người bệnh bình thường, vả lại cũng đúng với chuyên môn của ngành điều dưỡng được học, cô gái trẻ hăm hở gật đầu đồng ý. 

Nhưng ngày đầu tiên đi làm, nữ điều dưỡng sững sờ trước những đứa trẻ của Làng Hòa Bình. Thậm chí cô sợ hãi vì nhân dáng của bọn trẻ quá đặc biệt. Những đứa trẻ có hình dạng không bình thường. Trẻ không có mắt hoặc có mắt lại không có con ngươi. 

Trẻ không tay hoặc không chân. Có em sinh ra đã không có hai chân, phải dùng tay để di chuyển. Có trẻ lớn lên với khuôn mặt móp méo hoặc bàn chân bàn tay thiếu ngón, cụt ngón.

Có trẻ câm điếc, có trẻ bại não đến đáng thương. Tín hiệu liên lạc thường xuyên giữa bọn chúng là ra dấu tay hoặc đơn giản huơ tay; nhiều hơn nữa là tiếng ú ớ hoặc dăm ba câu nói ngắn gọn giản đơn.

Nhung - cua nhung thien than bi bo lai tran gian
Điều dưỡng Nhung và Nguyễn Thị Thùy Giang - 38 tuổi, bị bại não

Trong số này, ám ảnh nhất với Nhung là ngoại hình với làn da cháy đen, phồng rộp như vảy cá của Cá – biệt danh của cậu bé Nguyễn Minh Anh (26 tuổi, quê ở Long An).  Em bị vảy cá bẩm sinh và chậm phát triển tâm thần, nhận thức như trẻ 2 tuổi. Cá là nguyên nhân chính khiến cho nữ điều dưỡng trẻ Lê Tuyết Nhung vừa chạm mặt đã hết hồn và sau đó là sững sờ vì ngoại hình kỳ lạ như vậy.

So với nhiều trẻ khác, sức khỏe của em vẫn rất tốt khi biết nói dù chậm. Em còn biết ăn uống, đi lại.

Những thiên thần bị bỏ rơi ấy – trong ngày đầu tiên chạm mặt, đã làm cô gái trẻ hốt hoảng vì sợ hãi, sững sờ vì xót xa. Cái tên Làng Hòa Bình thật quen thuộc nhưng những gì bên trong thật lạ kỳ, vượt quá tưởng tượng của Nhung.

Nhưng cũng chỉ một tuần sau đó, Nhung dần dần quen.

Từ xa lạ đến yêu thương

Làng Hòa Bình có 5 căn phòng, chia theo tình trạng bệnh nặng nhẹ khác nhau. Một ngày mới ở nơi đây bắt đầu với những thanh âm ú ớ gọi nhau của trẻ chậm phát triển, những bàn tay ra dấu của trẻ câm điếc.

Việc đầu tiên trong ngày của điều dưỡng Nhung và các đồng nghiệp là tắm cho các em. Sau đó là cho ăn, uống thuốc và thay tã...

Khoảng một nửa trong số 35 trẻ ở Làng Hòa không đi lại được. Tắm cho những trẻ này vì thế bao hàm cả việc ôm trẻ nhỏ hoặc khiêng trẻ lớn ra nhà tắm. Công việc tất bật từ 7 giờ sáng đến 4 giờ 30 phút chiều.

Người lo tắm, người lo mặc quần áo, người lo chia các suất ăn cho các em. Đa phần mỗi em có một phần ăn khác nhau vì là ăn theo dinh dưỡng, phù hợp với tình trạng bệnh. Có những em chỉ nằm yên, ăn qua ống sonde vì không nhai, không nuốt được.

Nhung - cua nhung thien than bi bo lai tran gian
Một trẻ bại não phải nằm úp để các điều dưỡng chăm sóc vết loét ở mông

Lịch sinh hoạt ở đây không khác mấy với… trường mầm non. Giờ ăn bắt đầu từ đúng 11 giờ trưa để sau đó ngủ trưa cho đến 13 giờ chiều.

Sau 4 năm làm việc, nữ điều dưỡng Lê Tuyết Nhung gắn bó với các em như trong mái ấm một gia đình. Nhung hiểu từng tính nết, từng thói quen, bệnh tật từng em. Thậm chí, nhìn ánh mắt của các em, Nhung hiểu họ muốn gì.

Những giờ trống là những lúc các em và các cô điều dưỡng, nữ hộ sinh trò chuyện rôm rả. Cuộc trò chuyện có khi là những cái nắm tay lắc lắc hỏi thăm điều dưỡng Lê Tuyết Nhung những câu như "Nhung... đi siêu thị. Nhung... sao nghỉ lâu vậy? Nhung, lại ngồi chơi”.

Những đứa trẻ ở đây thân thể không vẹn nguyên nhưng tâm hồn vẫn bình yên, hồn nhiên. Bên cạnh chúng là những y bác sĩ trong màu áo blouse trắng ngày đêm ân cần chăm sóc.

Trẻ lớn nhất ở đây, theo lời điều dưỡng Nhung là “chị Giang”. Gọi là chị Giang vì người này đã 38 tuổi. Dù vậy, với chứng bại não, nhận thức của Giang cũng như trẻ sơ sinh, chỉ nằm trên giường, chỉ biết khóc biết cười, biết vui buồn, còn lại là không biết gì hết.

Với chị Giang, Nhung dành sự quan tâm đặc biệt hơn vì chị nhiều tuổi, sức khỏe bắt đầu suy giảm. Tay chân co cứng, rất khó ăn uống lại kén người chăm sóc.

Nhung - cua nhung thien than bi bo lai tran gian
Điều dưỡng Nhung và Cá - nhân vật từng gây hoảng sợ khi Nhung mới bắt đầu công việc ở Làng Hòa Bình

Cá - một trong những nhân tố gây hoảng sợ cho Nhung giờ được cô nhắc đến trong giọng nói yêu thương: "Những khi Cá không chịu ăn, không chịu ngủ trưa, Nhung chỉ cần dụ: Ngoan nè, chiều Nhung dẫn đi siêu thị. Vậy là Cá ngoan".

Cụm từ "đi siêu thị" có phép màu như vậy do cách đây nhiều năm, một phụ nữ nước ngoài vào thăm, dẫn Cá đi siêu thị. Lần đầu ra thế giới bên ngoài, Cá được thưởng nhiều bánh kẹo, hàng đống sữa tươi, đồ chơi rực rỡ đã trở thành ký ức mãi tươi màu trong tâm trí Cá. Nhưng đó là lần duy nhất Cá được đi siêu thị.

Hình như cũng rất ít người vào nơi này. Số trẻ còn người thân chỉ khoảng 5-7 em, đa số là nghèo khổ, vật vạ trong đời mưu sinh nhọc nhằn. Cá cũng còn người thân nhưng gia đình nghèo và cũng chỉ vào thăm em mỗi năm một lần.

Nhưng Cá và những trẻ khác ở Làng Hòa Bình đã có Nhung và các y bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ.

Nhung - cua nhung thien than bi bo lai tran gian
Cô bé này tỏ ra thích thú khi được điều dưỡng Nhung thay tã

Từ bỏ đại học để theo nghề điều dưỡng

Điều dưỡng Lê Tuyết Nhung gọi Làng Hòa Bình là ngôi nhà thứ 2 của mình. Ở đây có những người từ xa lạ thành người thân. Những đứa trẻ ở đây thấy Nhung vắng mặt vài ngày đã băn khoăn, lo lắng. 

Nữ điều dưỡng cũng không dám nghỉ phép nhiều vì thấy nhớ bọn trẻ: "Ở riết rồi quen như trong một gia đình. Bọn trẻ hồn nhiên, dễ thương lắm. Đi xa nhớ lắm. Hầu như ai đã ở đây thì không bỏ ngang hay chuyển đi đâu hết. Lúc đầu thấy bỡ ngỡ nhưng giờ thì quen rồi.  Em xem các em ở đây như người thân của mình". 

Nghe điều dưỡng Nhung kể về các em ở đây khiến người nghe cảm nhận Nhung rất say mê công việc của mình. Nhung cho biết, chăm sóc người tàn tật là tâm nguyện của cô từ khi cô học lớp 10 - cũng là lúc Nhung trải qua 4 tháng chăm mẹ bệnh ở Bệnh viện Chợ Rẫy.

Nhung - cua nhung thien than bi bo lai tran gian
Trẻ ở Làng Hòa Bình được chăm sóc và yêu thương như người thân của các nhân viên y tế

Năm đó, mẹ Nhung trong một lần đi bơm cát cho người ta, bị cánh quạt của ghe máy chém vào cổ, quấn lóc toàn bộ da đầu, phải ghép da. Vết thương khiến bà vô cùng đau đớn. Những đứa con dù thương mẹ nhưng cứ loay hoay chạm vào vết thương khi chăm sóc mẹ là bà lại đau đớn.

Đến khi một anh điều dưỡng vào chăm sóc, thay vết thương cho mẹ gọn trơn, mấy anh em Nhung cứ ngỡ ngàng. Và từ đó, Nhung quyết theo con đường chăm sóc người bệnh. Kiên quyết đến nỗi Nhung từ chối suất đậu đại học ngành nữ hộ sinh để xuống học trung cấp điều dưỡng.

Giờ đây trải qua 4 năm trong nghề, gắn bó với các em ở Làng Hòa Bình, nữ điều dưỡng Lê Tuyết Nhung thú thật rằng: cô ở đây đã quen mất rồi, bằng lòng với những gì hiện hữu.

Những âm thanh quen thuộc của ngày mới, những tiếng la, tiếng cười đùa cùng ánh mắt thiết tha của bọn trẻ mỗi ngày nơi đây khiến Nhung không thể rời đi.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI