Rosi Nguyễn: Bay không cần đôi cánh

13/02/2017 - 06:30

PNO - Trở về với đời sống bình thường, tôi bị dằn vặt bởi suy nghĩ “vì sao mình vẫn thấy không hạnh phúc, dù mình có công việc tốt, lương cao và được đi chơi nhiều?”.

Tháng 10 năm 2016, cuốn sách Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu của Rosi Nguyễn ra mắt độc giả với 1.500 bản in đầu tiên. Trong vòng một tháng, cuốn sách được tái bản đến lần thứ ba, một sự kiện rất có ý nghĩa trong thời buổi sách in thì nhiều, người đọc thì ít.

Gặp Rosi, tôi hỏi cô, rằng cuối cùng thì “tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu”? Cô mỉm cười, trả lời: “Vô giá”. Và để minh chứng cho điều đó, cô đã kể cho tôi nghe những gì cô đã trải qua để có thể nói một cách tự tin với những người trẻ rằng họ nên làm những gì, như thế nào để có thể sử dụng sự vô giá đó một cách tốt nhất.

Rosi Nguyen: Bay khong can doi canh
 

Phóng viên: Người ta thường nói, chỉ khi mất đi một cái gì đó rồi, mình mới có thể hiểu được giá trị của nó. Thế nhưng dù vẫn đang ở trong tuổi trẻ, chị đã biết được nó là vô giá?

Rosi Nguyễn: Khi còn nhỏ, tôi yêu môn văn, tôi thích viết. Lên cấp III, tôi học chuyên văn. Thế nhưng, cách dạy và học văn lúc đó đã khiến tình yêu này thui chột. Tôi quyết định thi vào ngành ngoại thương với ý nghĩ đơn giản: chọn một ngành ổn định, dễ kiếm tiền. Bốn năm đại học, tôi học làng nhàng. Trong một môi trường có quá nhiều người nổi bật, sáng chói, tôi mất dần tự tin, tôi co rút lại. Và đôi khi, câu hỏi của cô bé ngày xưa tự tin và đọc rất nhiều sách trở lại với tôi: mình đang đứng ở đâu?

Ra trường, đi làm ở một tập đoàn thương mại lớn, sau vài năm, tôi trở thành người quản lý chuỗi cung ứng cấp trung. Tôi đã có thể gửi tiền về quê cho bố mẹ xây lại nhà, nuôi em ăn học… Thế nhưng, dần dần tôi phát hiện ra sống, làm việc thế này (chỉ kiếm tiền), con người già đi mà không lớn lên. Tôi quyết định xách ba lô đi du lịch, để nhìn thấy người ta sống thế nào. Tôi đã đi du lịch qua 20 nước. Du lịch cho tôi khám phá không chỉ thế giới mà chính mình. Tôi lớn lên trong từng chuyến đi.

Trở về với đời sống bình thường, tôi bị dằn vặt bởi suy nghĩ “vì sao mình vẫn thấy không hạnh phúc, dù mình có công việc tốt, lương cao và được đi chơi nhiều?”. Rồi một lần tình cờ, tôi đến nhà sách Hà Nội ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, đứng lật sách, đọc tên những tác giả trẻ, tôi thấy ghen tị với họ: “Sao mình chưa có cuốn sách của mình?”.

Có lẽ đó chính là thời điểm tôi nghe được tiếng nói bên trong của mình. Giống như một điều tôi đã từng được đọc ở đâu đó: có một tiếng nói bên trong của mỗi người, nó như chiếc đồng hồ quả lắc, luôn đều đặn tích tắc, và nếu bạn lắng nghe, tiếng tích tắc ấy sẽ nhắc bạn điều gì đó. Tiếng nói bên trong ấy nhắc tôi: tôi muốn viết, đó mới là điều tôi muốn làm trong cuộc đời của mình.

Sau khi nghe được tiếng tích tắc nhắc nhở trong mình rằng bạn là một người viết, bạn đã làm gì?

Tôi bắt đầu viết lại. Tôi viết bằng những gạch đầu dòng, kể lại những câu chuyện cuộc sống, hành trình đi, những cảm nhận của tôi… Tôi tự học bằng cách đọc lại. Ngày nào tôi cũng dậy từ lúc 4 - 5 giờ sáng và đọc. Kiến thức của tôi sâu hơn, rộng hơn. Những bài viết du lịch của tôi được nhiều người đọc hơn, tôi hạnh phúc khi diễn tả được đúng cảm xúc của mình và chia sẻ nó với mọi người. Đã có bài viết có đến vài nghìn lượt share và like.

Một đơn vị phát hành đã liên lạc với tôi và hỏi tôi có ý tưởng viết sách nào chưa. Đó chính là động lực để tôi hoàn thành cuốn sách đầu tiên Ta balo trên đất Á, bao gồm những kinh nghiệm du lịch, những thông tin, kiến thức, những chuyện trên đường đi, những hướng dẫn. Khi cuốn sách in ra, tôi nhận được nhiều phản hồi rất tốt. Tôi đã thực hiện được ước mơ viết của mình.

Sau cuốn sách đầu tiên đó, tôi bắt đầu nghĩ nghiêm túc về chuyện bỏ việc để viết. Tôi biết rất rõ rằng nếu bỏ việc, tôi sẽ gặp những khó khăn lớn về tài chính. Tôi tìm đọc các tài liệu tiếng Anh xung quanh chọn lựa bỏ việc để đeo đuổi một ước mơ. Điều này hoàn toàn không phải là mới mẻ với các bạn trẻ nước ngoài và tôi tìm được những lời khuyên có ích. Đó là thứ nhất, bạn phải có đủ tiền để sống trong vòng một năm; thứ hai, bạn phải có kỹ năng, kiến thức, trình độ; thứ ba, bạn phải có phương án dự phòng; thứ tư, bạn phải có được kết nối với xã hội…

Tôi đọc tất cả những yêu cầu, điều kiện đó và tự reo lên với mình “đủ đủ đủ”, tôi có đủ những điều kiện đó. Tiền, tôi có dư cho hơn một năm sống. Trong suốt hành trình trải nghiệm du lịch, tôi đã có một cuộc sống đơn giản ngày ba bữa, không cần đến hàng hiệu hay tiện nghi quá nhiều. Suốt thời gian tìm tòi chính mình, tôi tham gia vào các nhóm bạn, các cộng đồng khác nhau, từ đó, tôi đã học được cách sống giản dị, quay về với thiên nhiên.

Tôi không sợ mình bị cô độc khi bỏ việc. Tôi đã tìm ra “bộ lạc” có cùng những giá trị sống với mình. Và phương án dự phòng của tôi vẫn là tôi còn trẻ, tôi còn có thể quay về với công việc nếu tôi thất bại. Vậy là tôi quyết định bỏ việc để viết.

Trong Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, chị đã đưa ra cụm từ “khủng hoảng 1/4 cuộc đời”. Cụm từ đó có thể không mới với các tài liệu về tâm lý của nước ngoài, nhưng với nhiều bạn trẻ Việt Nam, nó gọi tên được đúng vấn đề của lớp trẻ hôm nay và nó khiến nhiều bạn trẻ tìm đến với chị để trò chuyện, chia sẻ, tâm sự. Chị đã làm gì để giúp họ?

Khi những người trẻ đến với tôi, tôi kể lại hành trình đi tìm giá trị tuổi trẻ của bản thân để họ hiểu ra là họ không cô đơn, là những điều khiến họ hoang mang xảy ra với nhiều người và nhờ đó họ sẽ tự tin hơn để giải quyết những vấn đề của mình.

Tôi tin rằng, trong mỗi một con người trẻ đều có một ngôi sao, đó là ước mơ về những điều lớn lao, đẹp đẽ, chỉ cần họ nhận ra điều đó và tìm cách vươn đến nó. Lúc đầu, tôi định gọi cuốn sách của mình là Bay không cần đôi cánh. Điều mà tôi muốn truyền cho các bạn trẻ trong cuốn sách chính là như vậy, là hãy bay bằng nội lực của mình, bằng cách phát triển tiềm năng của mình mà không cần đến những tác động bên ngoài.

Có rất nhiều lời kêu than về giới trẻ hiện nay, cho rằng họ sống hời hợt, duy vật chất, là thế hệ fast food và Coca Cola. Còn bạn nghĩ gì về những người trẻ?

Tôi nghĩ mỗi thế hệ có những giá trị sống ưu tiên khác nhau và khi áp hai giá trị đó vào nhau thì có khoảng cách. Thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay không muốn bó buộc đời mình vào cơm áo gạo tiền. Bạn bè tôi, có người muốn đóng góp công sức, khả năng của mình cho giáo dục, cho nông nghiệp; có người mở homestay đón khách du lịch nước ngoài, với mục đích giới thiệu văn hóa và thiên nhiên Việt Nam; có người làm những công việc đơn giản như vẽ tranh, học âm nhạc, thiết kế quần áo, làm bánh…

Họ không đặt nặng việc kiếm tìm vật chất mà cố gắng hướng đến tố chất của mình, hướng về cốt lõi tinh thần, hướng về thiên nhiên. Tất cả những điều đó chứng tỏ rằng giới trẻ ngày nay đang có những dịch chuyển tích cực và tôi tin là những dịch chuyển đó sẽ tạo nên thay đổi trong tương lai.

Trong tất cả các câu chuyện chị nói và viết, tôi không nhìn thấy tình yêu của tuổi trẻ, chính xác là tình yêu nam nữ ấy. Chẳng lẽ nó không có chỗ trong tuổi trẻ ngày nay?

Thật sự là thế hệ của chúng tôi yêu đương rất khó. Người ta lên giường với nhau rất dễ mà nắm tay nhau rất khó, người ta dễ phải lòng nhau mà lại rất khó chấp nhận ràng buộc với nhau. Chúng tôi luôn sợ mất cơ hội, bỏ lỡ một điều gì đó vì có quá nhiều thứ để chọn lựa.

Thế hệ của mẹ tôi cho rằng lấy chồng và có con là thiên chức của phụ nữ. Tại sao lại cho đó là quy luật của cuộc sống và không thể làm khác đi? Cũng như hễ gọi là tình yêu thì phải là tình yêu nam nữ? Điều tôi hướng đến là tình yêu cuộc sống. Hành trình cả đời mình phải là hành trình học yêu thương mình nhiều hơn và lan truyền điều đó cho người khác chứ không phải là kiếm tìm một tình yêu của ai đó dành cho mình. Mục đích sống của những người trẻ hiện nay là yêu và hiểu bản thân, phát triển bản thân, sống với ước mơ, đam mê của chính mình, trở thành con người mà mình muốn.

Chị luôn nói rằng muốn trở thành một người viết. Tại sao không phải là nhà văn mà là người viết? Chị đang viết gì tiếp sau hai cuốn sách đầu?

Tôi muốn viết cái gì đó sâu sắc hơn, lâu dài hơn và hữu ích hơn cho mọi người. Tôi không muốn trở thành nhà văn mà muốn là một người kể chuyện giỏi. Cuộc sống trôi qua rất nhanh và nếu bạn không ghi lại những trải nghiệm của mình thì có lúc bạn sẽ không biết nó trôi qua thế nào, quá khứ khi đó sẽ trở nên rất mờ nhạt. Tôi có tham vọng ghi lại tiếng nói của người trẻ Việt Nam và mang nó ra diễn đàn thế giới, trở thành người trẻ Việt Nam đến với thế giới qua những trang viết.

Hiện nay, tôi đang viết được 2/3 cuốn thứ ba, một cuốn sách nho nhỏ bao gồm những tùy bút về hạnh phúc và tình yêu cuộc sống. Tôi đã chuẩn bị viết cuốn thứ tư, về những vấn đề mà những người trẻ ở Việt Nam đang trải qua: họ muốn khám phá điều gì, họ muốn hòa đồng với thế giới bằng cách nào…

Dù gì chăng nữa thì con người ta cũng vẫn cần cơm ăn, áo mặc, một ngôi nhà để ở, một cái xe để đi. Chị làm sao có được tất cả những điều đó khi bỏ việc để theo đuổi ước mơ của mình?

Thật ra, bên cạnh viết, tôi vẫn làm những công việc tự do như copy writer, tôi được mời đi quảng bá các chương trình du lịch của các quốc gia, hợp tác với các dự án của các tổ chức phi chính phủ… Sau một năm bỏ việc, số tiền dành để sống của tôi không mất đi quá nhiều, dù không tăng lên. Tôi nghĩ rằng, khi mình đam mê một cái gì đó hết sức, đặt hết tâm trí của mình vào đó, sẽ có lúc mình thành công.

Song Văn

(Thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI