Nếu mỗi chúng ta, từng chút một, không chấp nhận những định kiến...

13/06/2019 - 06:30

PNO - Bình đẳng giới là vấn đề rất lớn, nó không những mang lại hạnh phúc cho con người mà còn giúp thúc đẩy xã hội phát triển. Bài viết dưới đây là cách nhìn khá đặc biệt về bình đẳng giới của một nữ sinh lớp 12.

Trên trang “Hội và Cuộc sống” Báo Phụ Nữ số ra ngày 10/6 có đăng bài Thế nào là bình đẳng giới? Vấn đề này nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, nên sau bài báo chúng tôi nhận được nhiều ý kiến chia sẻ. Bài viết dưới đây là cách nhìn khá đặc biệt của một nữ sinh lớp 12 về bình đẳng giới. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Bình đẳng giới là một trong những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày gần đây, với quan niệm sự công bằng về quyền lợi, cơ hội và nghĩa vụ của mọi cá nhân - điều tất yếu để phát triển xã hội. 

Neu moi chung ta, tung chut mot, khong chap nhan nhung dinh kien...
 

Nói đến bình đẳng giới, là nói đến cả đàn ông, phụ nữ và những người đồng tính, song tính, chuyển giới. Dù thuộc bất kỳ giới tính nào họ vẫn có quyền đòi hỏi quyền lợi và sự tôn trọng như nhau của một con người. Thế nhưng, những cụm từ “đàn bà/con gái gì mà...” , “đàn ông/con trai gì mà...” vẫn được tùy tiện thốt ra, cùng với đó là thái độ mỉa mai, miệt thị những người không làm đúng theo “khuôn thước” và “quy luật của tự nhiên”.

Không thể phủ nhận người phụ nữ đang được nhận lại những quyền lợi mà họ xứng đáng được hưởng. Thế nhưng, quan niệm của xã hội vẫn còn gò ép họ vào khuôn mẫu mà nhiều người cho rằng, đó là những điều phụ nữ phải có, phải làm. Lúc còn nhỏ, đứa bé gái sẽ được mặc định là thích màu hồng, thích chơi búp bê, thích làm tóc; bé trai phải thích chơi điện tử, thích siêu nhân, thích vận động. Lớn lên, trẻ sẽ được dạy: con trai phải cứng rắn, không được khóc, phải chững chạc đường hoàng; còn con gái phải thùy mị nết na, nói năng nhỏ nhẹ, đảm đang việc nhà. Đến lúc có gia đình, người phụ nữ sẽ được ngầm chỉ định là người chu toàn việc nhà, chăm con, còn đàn ông thì đi làm, giao tiếp xã hội, kiếm tiền. 

Cho dù người phụ nữ có đi làm, họ vẫn phải chu toàn việc nhà, chăm con, chăm chồng, công việc lại nhân đôi. Ngược lại, khi người đàn ông thường xuyên làm việc nhà, người ta lại nói anh ta “không đáng mặt đàn ông”, “sợ vợ”. Cũng như khi một người đàn ông chú tâm phát triển sự nghiệp, sẽ được khen ngợi, ủng hộ. Còn nếu đó là phụ nữ, người ta lại ném cho cô ta cái nhìn ái ngại, đôi khi còn là sự mỉa mai.

Người ta hay dùng từ “đàn bà” để chỉ những người đàn ông nhỏ nhen, yếu đuối như đó là một phần tính không thể thiếu của phụ nữ mà mấy “thằng đàn bà” mới có. Ngược lại, họ lại mỉa mai những cô gái có tính cách mạnh mẽ là… “như đàn ông”. 

Neu moi chung ta, tung chut mot, khong chap nhan nhung dinh kien...
 

Tại sao một người lại bị dè bỉu khi chỉ đang cố gắng sống cuộc sống của chính mình và hưởng thụ những quyền lợi mà mình đáng có? Không quan trọng giới tính, chắc chắn rằng mỗi người đều có điểm mạnh riêng. Xã hội cần cả đàn ông và đàn bà để tồn tại, vậy thì chẳng phải đương nhiên khi mọi cơ hội đều đến được với mọi người, cũng như mọi nghĩa vụ và trách nhiệm của họ nên được chia đều? 

Năng lực và đam mê của nhiều người đang dần dà bị những quan niệm cũ kỹ nhốt vào một chiếc lồng vô hình và khóa chặt đến suốt đời. Bình đẳng giới là vấn đề rộng bao trùm tất cả lĩnh vực, kể cả quyền lợi về tinh thần. Đó không chỉ là việc tại sao đàn ông (hoặc phụ nữ) có thể làm được, mà phụ nữ (hoặc đàn ông) không được quyền làm, mà còn là sự tôn trọng mà bất kỳ ai cũng đáng được nhận. Chừng nào vẫn còn những sự bất công, con người vẫn bị giới hạn vì giới tính, thì lúc đó xã hội vẫn không thể hoàn toàn tận dụng được mọi nguồn lực để phát triển.

Người ta vẫn nói “thế giới thay đổi khi bạn thay đổi”. Nếu mỗi chúng ta, từng chút một, không chấp nhận những định kiến đang giới hạn bản thân mà phá vỡ sự ràng buộc ấy, chứng minh được bản thân, đứng lên bảo vệ những quyền lợi của chính mình, thì từng chút một, giá trị thật của một con người mới dần được chấp nhận và sự công bằng có thể sẽ không còn là một khái niệm xa lạ nữa. 

Neu moi chung ta, tung chut mot, khong chap nhan nhung dinh kien...

Ngày 20/9/2016, Emma Watson - diễn viên, người mẫu, nhà hoạt dộng xã hội - đã có mặt tại buổi họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 71 tại New York và có bài phát biểu về quyền bình đẳng giới và an toàn trường học. Đây là một phần trong chiến dịch HeForSher của Liên Hợp Quốc về quyền bình đẳng giới mà Emma Watson làm đại diện vào năm 2014. Bài phát biểu đã truyền cảm hứng cho nhiều người.

 

Bình đẳng về giới chính là cho người ta cơ hội để trở thành một phiên bản tốt đẹp hơn. Để những người đàn ông đôi khi có thể bộc lộ sự yếu đuối, những người phụ nữ có thể có tiếng nói lớn hơn trong xã hội và để mọi người, dù ở giới tính nào cũng có thể sống thật sự là chính mình và nhận được đầy đủ sự tôn trọng. Như nữ diễn viên Emma Watson - một nhà hoạt động xã hội ủng hộ cho quyền bình đẳng giới - đã nói: “Nếu không phải tôi, thì là ai? Nếu không phải bây giờ, thì bao giờ?”. 

Ngay lúc này, mỗi con người đều có đầy đủ những giá trị như nhau và được quyền hưởng hạnh phúc, vì thế đừng e ngại khi đứng lên bảo vệ chính mình, bảo vệ những quyền lợi, những khát khao của bản thân. Đây có lẽ thực sự là một cuộc cách mạng lâu dài về tinh thần, về quan điểm, văn hóa cần sự chung tay của mỗi người để có thể hoàn thành. 

Hồ Công Khánh Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI