Không tìm thấy điện thoại, khách VIP tát nhân viên hàng không

17/08/2016 - 10:19

PNO - Khi không tìm thấy điện thoại, ai cũng bình tĩnh ở lại tìm kiếm. Nếu khách quên, chúng tôi nhặt được thì chuyển đến bộ phận “Lost and found”. Giờ má tôi đã đỡ đau, nhưng tôi thấy tổn thương về tinh thần khi bị đánh như vậy”.

Lúc 20g ngày 13/8, chuyến bay VN255 (từ Hà Nội đến TP.HCM) hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Hành khách Mai Thanh B. (ngồi ghế 2H, hạng thương gia) tìm không thấy chiếc điện thoại iPhone 6 Plus, đã tát mạnh vào má trái của tiếp viên Chu Thị T. Tiếp viên trưởng hô hoán: “Anh đã đánh tiếp viên hàng không!”. Ông B. lớn tiếng: “Tôi sẽ chịu hết trách nhiệm”.

Nữ tiếp viên bị đánh sưng tấy ở má. Tiếp viên T. tường trình: “Máy bay vừa hạ cánh, hành khách ngồi ghế 2H gọi tiếp viên, bảo là mất điện thoại, trước đó khách để trên bàn ăn. Tôi trả lời khi xếp bàn ăn của khách, không thấy điện thoại. Tôi đang cùng tiếp viên trưởng lật đệm ghế ra tìm, nhưng khách nói không cần tìm nữa, rồi bất ngờ tát mạnh vào má trái của tôi. Đau đớn và bất ngờ, tôi chạy vào buồng bếp, được các đồng nghiệp chườm đá. Tôi còn nghe hành khách dọa tát cả tiếp viên trưởng”.

Khong tim thay dien thoai, khach VIP tat nhan vien hang khong
Khong tim thay dien thoai, khach VIP tat nhan vien hang khong

Điều gì đã khiến hành khách nổi nóng đột ngột? Ông B. giải trình với Cảng vụ hàng không Miền Nam: “Tôi để điện thoại trên bàn ăn, ăn xong điện thoại vẫn để trên bàn và tôi ngủ thiếp đi. Khi máy bay tiếp đất, tôi thức dậy thì không thấy điện thoại đâu cả. Tôi xếp lại ghế để tìm, tìm kỹ dưới sàn cũng không thấy. Tôi dùng điện thoại còn lại gọi vào chiếc điện thoại đã mất, ba cuộc đầu vẫn nghe đổ chuông, cuộc thứ ba và thứ tư không đổ chuông, đến cuộc thứ năm và thứ sáu đổ chuông trở lại. Tôi nghi ngờ tiếp viên T. lấy điện thoại nên mới hỏi: “Em có lấy điện thoại của anh thì trả lại”, cô ấy bảo không thấy, tôi đã không kiềm chế được và tát cô ấy. Khoảng 20 phút sau, khi các hành khách khác đã xuống khỏi máy bay, một tiếp viên tìm thấy chiếc điện thoại dưới chân ghế ngồi của tôi. Trong hai cuộc gọi không thấy đổ chuông đó, tôi nghi ngờ người đánh cắp điện thoại đã tắt nguồn, sau đó thì mở nguồn trở lại”.

Ngày 16/8, trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ, chị T. vẫn còn chưa hết bàng hoàng: “Tôi phục vụ khoang VIP đã hơn 10 năm, chưa lần nào gặp hành khách côn đồ như vậy. Tôi có nghe hơi rượu từ người ông ấy. Ông ấy đặt câu hỏi: “Tại sao trong sáu cuộc gọi, có hai cuộc gọi ở giữa không đổ chuông?”. Tôi nghĩ có thể do sóng điện thoại ở sân bay chập chờn. Mỗi chuyến bay cả trăm khách, hầu như chuyến bay nào cũng có khách rớt điện thoại. Khi không tìm thấy điện thoại, ai cũng bình tĩnh ở lại tìm kiếm. Nếu khách quên, chúng tôi nhặt được thì chuyển đến bộ phận “Lost and found” (mất và tìm). Giờ má tôi đã đỡ đau, nhưng tôi thấy tổn thương về tinh thần khi bị đánh như vậy”.

Ông Đào Duy Dương, Phó phòng Pháp chế - thanh tra, Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết: “Sau khi làm việc với hành khách B., ông này đã thừa nhận hành vi tát chị T. Căn cứ vào điều 27 Nghị định số 147/2013/ NĐ-CP ngày 30/10/2013 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, lúc 23g ngày 13/8, Cảng vụ hàng không miền Nam ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông B. số tiền 15 triệu đồng vì hành vi hành hung thành viên tổ bay”.

Sáng 16/8, ông B. cho biết, ông đang trên đường đi đóng phạt, nhưng không “tâm phục khẩu phục” với quyết định xử phạt khi cho rằng: “Tôi tát là có lý do. Vì tôi nghĩ tiếp viên lấy điện thoại của tôi nên không kiềm chế được”. Khi được hỏi “Tại sao ông không tắt nguồn điện thoại khi đi máy bay? Ông có dùng rượu trước khi lên máy bay?”, ông B. khẳng định: “Tôi có uống rượu nhưng không nhiều đến mức mất kiểm soát. Tôi 47 tuổi, đi máy bay rất nhiều, không bao giờ tắt điện thoại khi lên máy bay cả, tôi tin nhiều hành khách khác cũng vậy”.

Trần Triều

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI