Cậu con “Bà Tám”

06/04/2013 - 14:12

PNO - PNCN - Con trai tôi 10 tuổi, nhưng cháu rất thích hóng và bàn chuyện “thời sự”. Trong nhà có điều gì không vui, cháu cũng qua hàng xóm kể, nhà hàng xóm có động tĩnh gì, cháu lại về tường thuật.

Nghe người lớn nói chuyện, từ giá vàng, đô la hay tình yêu hôn nhân gì cháu cũng xen vào, buộc người lớn phải dừng lại nghe cháu nói và hỏi. Tôi đã dạy, phân tích cho con nhiều lần là không được chen vào và chen ngang chuyện người lớn, nhưng cháu vâng dạ rồi lại như cũ. Tôi phải làm sao với cậu con “bà tám” này?

ngocthanh@

Cau con “Ba Tam”

Chị ngocthanh@ mến!

Chúng tôi chia sẻ với nỗi lo của chị về cậu con trai “bà tám”. Bất cứ phụ huynh nào cũng muốn con trẻ nhà mình phải thật ngoan, thật khuôn phép theo đúng ý người lớn trong nhà, nên những biểu hiện của con trai quả thật đã khiến chị trăn trở.

Tuy nhiên, động cơ thật sự của việc cháu thích hóng chuyện và bàn chuyện “thời sự” không quá nghiêm trọng.

Cháu đang 10 tuổi, đây là độ tuổi cuối tiểu học và “vai” của bé ở trường đã là “đàn anh đàn chị”. Ở tuổi này, trẻ đã có những quan điểm của riêng mình về những vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Những lập luận, lý giải của trẻ mặc dù chưa súc tích, hợp lý nhưng đã hình thành. Và từ đó, trẻ có nhu cầu chia sẻ ý kiến của mình. Tự bản thân trẻ hình dung rằng, mình có khả năng cùng tham gia với người lớn để bàn luận. Trẻ tham gia vào các cuộc trò chuyện để khẳng định vị thế cá nhân và muốn người lớn thừa nhận vị thế đó.

Và một nguyên do nữa để bé trai nhà mình có tật “bà tám” là rất có thể trước đó phụ huynh đã không có những giải pháp ngay từ đầu cho tật nói leo của trẻ và việc gieo hành vi, gặt thói quen là điều dễ hiểu.

Để giúp cải thiện điều này, mong chị hãy thông hiểu về mặt động cơ và tác động đến trẻ không phải với phương châm cấm đoán mà thay vào đó là điều chỉnh, giúp trẻ thể hiện được bản thân một cách phù hợp.

Cụ thể:

- Trò chuyện riêng với trẻ để trẻ hiểu chuyện gì thì không nên chia sẻ với người ngoài, chuyện gì người lớn đang nói thì mình không nên tham gia. “Nếu trong trường hợp con có ý kiến về những điều đó thì trước hết hãy nói với cha mẹ trước”. Đương nhiên, đi kèm với điều này, chị phải nói cho cháu biết lý do vì sao không được có ý kiến trong những bối cảnh đó.

Hướng dẫn trẻ cách lắng nghe người khác và không được chen ngang khi người khác đang nói. Khi trẻ muốn chia sẻ ý kiến của mình thì cách thức “lên tiếng” như thế nào là được chấp nhận mà không bị người khác xem là khiếm nhã hay vô lễ, chẳng hạn, nên có một câu xin phép nói hoặc giơ tay ra hiệu.

- Đánh giá những lần tham gia trò chuyện của bé. Trẻ nhỏ rất quan tâm đến việc mình có làm đúng, làm giỏi hay không. Sau mỗi lần trẻ “chen ngang” vào câu chuyện của người lớn, chị hãy chỉ cho con thấy điều gì trẻ làm đúng và điều nào chưa hợp lý.

- Thay vì cấm đoán, hãy quan sát cách trẻ thể hiện mình. Đây là cơ hội tuyệt vời để chị hiểu được tâm tư, nguyện vọng của con, từ đó có những cách tác động phù hợp. Chính thái độ tôn trọng của chị với con sẽ giúp trẻ ý thức hơn về bản thân, lắng nghe người lớn để tự hoàn thiện mình.

Chúc chị sẽ có nhiều buổi trò chuyện thú vị với cậu con trai “bà tám”.

Tô Nhi A
(Trường CĐ Sư phạm Trung ương III)

Thư cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ: tuvandanhchochame@baophunu.org.vn

Từ khóa Cậu con bà tám
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI