'Vốn điều lệ' cho hôn nhân

21/06/2015 - 08:31

PNO - PN - Nếu như một doanh nghiệp cần phải có vốn điều lệ để thành lập thì một cuộc hôn nhân cũng cần có vốn cơ bản về sự hiểu biết, kỹ năng của người trong cuộc để duy trì mối quan hệ. Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An (Hội...

edf40wrjww2tblPage:Content

Không thể hồn nhiên khi chọn bạn đời

Giai đoạn tìm hiểu rất quan trọng. ThS Hòa An cho rằng, trước khi quyết định kết hôn, người trong cuộc nhất thiết phải đặt câu hỏi: “Mình đã cơ bản hiểu hết về người ấy?”. Phải đảm bảo chọn những gì mình đã nắm bắt rõ ràng, tránh chuyện khi cưới xong mới “vỡ” ra những bất ngờ đau đớn.

Bạn Thùy Linh (Q.Bình Thạnh) bày tỏ, tình cảm là chuyện thiêng liêng, tự nhiên đến với nhau và chọn nhau lúc nào không hay. Làm sao để đủ lý trí trong việc tìm hiểu, chọn lựa? ThS Hòa An “mách”, quá trình tìm để hiểu bạn đời tương lai không cần phải tiến hành công phu theo công thức, chỉ cần để ý một chút là có thể nắm được bản chất vấn đề ngay.

Khi chọn bạn đời, rất cần lý trí chứ không thể quá hồn nhiên. Việc cả hai chủ động cho cuộc sống tương lai bao giờ cũng cần để đảm bảo hạnh phúc hơn là “đến đâu hay đến đó”.

Đơn cử, có anh đón bạn gái đi chơi nhưng chỉ đứng xa nhà bạn gái để chờ, dù được mời về nhà bạn gái chơi cũng không dám vào. Anh ta cũng không dắt bạn gái về nhà mình, không giới thiệu bạn gái với bạn bè. Trong trường hợp này, dù yêu mê đắm đến mấy, cô gái cũng phải đặt dấu hỏi ngay: anh ấy có điều gì “mờ ám” mà tỏ ra khó hiểu như vậy?

Ngoài ra, để tìm hiểu chính xác, bạn gái phải tạo ra những tình huống bất ngờ. Đối với những tình huống được chuẩn bị sẵn, khó có thể nhận biết được con người thật của “đối tác”. Có bạn nữ luôn tự hào về bạn trai khi anh ấy sạch sẽ, thơm tho, đến phòng trọ của bạn gái thì xăng xái quét dọn, rửa chén. Một ngày, cô bất ngờ tìm đến phòng trọ của chàng, mới tá hỏa khi thấy “bãi chiến trường bốc mùi”. Với cách “đột kích” bất ngờ ấy, người trong cuộc có thể dễ dàng “nắm thóp” người yêu.

Đa phần khách mời tham dự chương trình là nữ, nên những lo lắng trước ngưỡng cửa hôn nhân khá giống nhau. Một bạn thẳng thắn: “Không phải tôi đặt nặng chuyện tiền bạc, nhưng tôi phải tính xem anh ấy có đảm bảo thu nhập để hôn nhân “dễ thở” hay không”. ThS Hòa An nhất trí: “Cần phải xác định rằng, vấn đề kinh tế rất quan trọng.

Đã có không ít bạn gái "cắm đầu" yêu và lấy một anh lông bông với hy vọng “có gia đình anh ấy sẽ khác”, nhưng anh ấy đã… không khác, thế là bi kịch xảy ra. Việc tính toán, cân đối tài chính cho hôn nhân rất đơn giản. Bây giờ hai người đang hẹn hò, thử tính xem một ngày cả hai chi tiêu tổng cộng bao nhiêu tiền, cộng thêm số tiền có thể phát sinh trong ngày và nhân lên thành một tháng. Sau đó cân nhắc xem thu nhập của cả hai có ổn chưa, nếu chưa ổn thì hướng phấn đấu để cải thiện ra sao... Khi chọn bạn đời, rất cần lý trí chứ không thể quá hồn nhiên. Việc cả hai chủ động cho cuộc sống tương lai bao giờ cũng cần để đảm bảo hạnh phúc hơn là “đến đâu hay đến đó”.

'Von dieu le' cho hon nhan

Các bạn nữ thanh hào hứng chia sẻ chủ đề “Những điều cần biết trước hôn nhân” cùng ThS Đào Lê Hòa An

Bạn đã đủ hành trang?

“Hãy hình dung hôn nhân là một hành trình dài của hai người. Trước khi đi, phải đảm bảo mình đã chuẩn bị tương đối hành trang cần thiết” - ThS Hòa An nhấn mạnh.

Nhiều bạn nữ đã giật mình khi được vị diễn giả đặt câu hỏi: “Bạn đã biết nấu tối thiểu năm món ăn ngon chưa? Nếu chưa, làm sao lấy chồng?”. Có bạn còn thật thà chia sẻ rằng mình ở với mẹ từ nhỏ nên có mẹ lo hết. Không ăn cơm mẹ nấu thì có người yêu dẫn đi ăn nhà hàng... Một câu chuyện được kể: Đôi bạn quen nhau ba năm, chuẩn bị làm đám cưới thì bạn nam đề nghị bạn nữ đi học nấu ăn, bạn nữ “vặc” lại: “Anh lấy vợ hay lấy người giúp việc mà bắt em phải học nấu ăn?”.

Bạn nam âm thầm đăng ký cho người yêu học nữ công gia chánh ở Nhà văn hóa Phụ Nữ TP.HCM. Không ngờ, cô người yêu xé phăng tờ giấy đăng ký học và sau đó… họ chia tay nhau.

Cuộc sống hiện đại, nhiều “tiểu thư” ỷ có người giúp việc lo nội trợ, nhưng ThS Hòa An lưu ý: “Vấn đề không đơn giản ở chỗ tạo ra bữa ăn cho khỏi đói, mà người vợ phải biết gửi gắm tình cảm vào từng món ăn. Phụ nữ rành bếp núc mới “cột chân” chồng được”.

Ngày nay, cũng có nhiều bạn nữ không ngại bày tỏ việc sợ làm dâu, ngại ở chung với gia đình chồng. Khi có chàng trai đặt vấn đề “dài lâu”, bạn gái liền đặt câu hỏi “em có phải làm dâu không?”. “Dù ở dâu hay thỉnh thoảng mới về nhà chồng thì việc kỹ năng tạo dựng mối quan hệ với mẹ chồng là điều kiện cơ bản mà các bạn nữ nhất thiết phải có”- ThS Hòa An khẳng định.

Vẫn còn tồn tại tâm lý “ngại chung đụng gia đình chồng”, nhưng Thanh Hoa (Q.3) cho rằng: “Việc cố gắng dung hòa xung đột đối với gia đình chồng là điều mà bạn gái nào cũng không tránh được. Tôi sắp lấy chồng và tôi xác định, “môi trường khắc nghiệt” từ nhà chồng là cơ hội để tôi rèn luyện, trưởng thành hơn. Không thể vì thấy gia đình chồng “khó” mà chia tay người mình yêu”.

Ngoài ra, một trong những hành trang cơ bản mà bạn trẻ cần phải trang bị để làm “vốn đi lấy chồng” là kỹ năng kiềm chế cơn giận và khả năng hòa hợp. Đặc biệt, với các bạn nữ, khi còn độc thân và được bạn trai chiều chuộng thì “thánh tướng” thế nào cũng được, nhưng khi đã chung một mái nhà, cần phải biết cách nhường nhịn nhiều hơn. Riêng về giao tiếp, mỗi người cần phải để ý đến vấn đề phi ngôn ngữ (ánh mắt, nụ cười, ăn mặc); cách nói (nhẹ nhàng, truyền cảm) và nội dung nói (nói ít lại, biết lắng nghe khi nói).

ThS Hòa An đưa ra số liệu khiến cả hội trường ngỡ ngàng: trung bình mỗi ngày phụ nữ nói ra 18.000 từ còn đàn ông chỉ nói 2.000 từ. Vì vậy, khi đã có chồng, việc chị em... nói ít lại cũng đã ghi điểm cộng lớn để mối quan hệ được dễ chịu và bền chặt.

 TRẦN TRIỀU 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI