Khủng hoảng nắng nóng ở châu Âu và hồi chuông cảnh báo thế giới

10/07/2019 - 15:00

PNO - Trên khắp châu Âu vào tháng 6,các trường học đóng cửa, nhiều ngôi làng phải sơ tán, lính cứu hỏa chiến đấu với cháy rừng và nhân viên xã hội chạy đến nhà của người già để ngăn chặn những cái chết vì sốc nhiệt.

Theo cơ quan thời tiết quốc gia Pháp, Gallargues-le-Montueux, một thị trấn ở miền nam đạt nhiệt độ 45,9oC vào hôm 28/6, con số cao nhất từng ghi nhận tại xứ sở rượu vang. Những mùa hè nóng nhất ở châu Âu trong vòng 500 năm đều xuất hiện vào 17 năm qua.

Một vài trong số đó mang dấu vết của biến đổi khí hậu do con người tạo nên, và theo các nhà khoa học, vùng ôn đới tự nhiên này sẽ trở thành “chảo lửa” của thế giới trong tương lai.

Khung hoang nang nong o chau Au va hoi chuong canh bao the gioi
Biển báo trạm xe buýt ở thành phố Logrono, Tây Ban Nha hôm 29/6 cho thấy nhiệt độ đạt mức 42oC. (Ảnh: EPA)

Tổ chức Khí tượng Thế giới khẳng định sự thay đổi nhiệt độ thường xuyên, kéo dài và dữ dội bắt nguồn từ nồng độ khí nhà kính dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Trên toàn thế giới, 2019 trở thành một trong những năm nóng nhất được ghi nhận.

Riêng “lục địa già” Châu Âu đang oằn mình sử dụng tiền bạc và mạng lưới an toàn xã hội để ứng phá với thời tiết cực đoan: bệnh viện làm việc cật lực, nhân viên y tế hoạt động 24/24, người nông dân nhận trợ cấp bảo hiểm mùa màng.

Số lượng sóng nhiệt nguy hiểm ở Pháp tăng gấp đôi trong 34 năm qua và dự kiến ​​tiếp tục tăng gấp đôi vào năm 2050, với cường độ không ngừng mở rộng. Ở vùng Gard, miền nam nước Pháp, 60 đám cháy vào cuối tháng 6 đã thiêu rụi 607 hecta rừng và đất nông nghiệp.

Khung hoang nang nong o chau Au va hoi chuong canh bao the gioi
Những du khách tìm cách hạ nhiệt tại Rome. (Ảnh: EPA)

Tại Paris, Sở cứu hỏa trả lời các cuộc gọi khẩn cấp nhiều hơn 20% so với thông thường với hàng ngàn trường học đóng cửa vì lo ngại cho sức khỏe của học sinh. Quan trọng hơn, một số hồ sơ cho thấy nền nhiệt độ tối thiểu vào ban đêm cũng thay đổi. Một loạt các đêm cực kỳ nóng có thể gây chết người, vì nó thay đổi quá trình phục hồi tự nhiên xảy ra sau khi mặt trời lặn.

Ở Đức, giới hạn tốc độ được áp dụng vì nhiệt độ cực cao có thể khiến mặt đường tan chảy; ngoài ra, hơn 100 vận động viên ngã gục trong chặng đua marathon ở Hamburg vào Chủ nhật 30/6.

Ở Tây Ban Nha, hỏa hoạn phá hủy diện tích khoảng 10.000 hecta trong nhiều ngày qua ở bốn vùng khác nhau của đất nước, buộc phải chính phủ sơ tán một số ngôi làng và đóng cửa nhiều con đường huyết mạch. Ở khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Catalonia, đám cháy được cho là bắt đầu từ một trang trại gà do nhiệt độ cao làm khí ủ phân bốc cháy.

Khung hoang nang nong o chau Au va hoi chuong canh bao the gioi
Quang cảnh một đám cháy rừng tại Tây Ban Nha. (Ảnh: AP)

Tuần cuối tháng 6, Bộ Y tế Ý đưa hơn một chục thành phố bao gồm Florence, Milan, Rome, Torino, Venice, Bologna và Naples vào tình trạng báo động đỏ khi nhiệt độ lên tới trên 37oC. Cục Bảo vệ Dân sự ở Rome trao nước uống miễn phí cho khách du lịch xung quanh các địa danh nổi tiếng.

Các sự kiện thời tiết cực đoan và sóng nhiệt xảy ra ngay cả khi không có sự nóng lên toàn cầu. Dù vậy, một lĩnh vực nghiên cứu đang phát triển gọi là khoa học phân bổ cho phép các chuyên gia đánh giá mức độ ảnh hưởng từ quá trình nóng lên toàn cầu đối với bất kỳ sự kiện thời tiết nào, bằng cách so sánh số liệu thực thực tế với mô hình giả định trên máy tính về thế giới không ô nhiễm.

Theo đó, đợt nắng nóng năm 2018 trên khắp Bắc Âu được đẩy mạnh hơn gấp năm lần do biến đổi khí hậu. Tương tự, vào năm 2017, một đợt nắng nóng với biệt danh Lucifer, tàn phá Địa Trung Hải cũng có tỷ lệ xuất hiện cao gấp mười lần bởi ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính.

Khung hoang nang nong o chau Au va hoi chuong canh bao the gioi
Người dân Paris tắm nắng gần tháp Eiffel. (Ảnh: AP)

Các nhà nghiên cứu còn cho rằng quá trình biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt vì ảnh hưởng của luồng gió xoáy ở cực Bắc, hay nói cách khác, sự di chuyển nhanh của dòng không khí trên cao quanh vùng cực có thể là một yếu tố bổ sung, ảnh hưởng đến thời tiết trên khắp Bắc bán cầu. 

Nếu những luồng gió xoáy mạnh lên, không khí lạnh ở Bắc cực có thể tràn vế phía nam hoặc không khí nóng hơn từ giữa hành tinh có thể di chuyển lên phía bắc.

Một số nhà khoa học liên kết những thay đổi cực đoan của luồng gió Bắc Cực với sự nóng lên toàn cầu, thông qua giả thuyết cho rằng quá trình tan băng, cùng chênh lệch nhiệt độ thu hẹp giữa Bắc Cực và các khu vực vĩ độ thấp làm giảm bớt sức mạnh của dòng không khí, khiến nó bị uốn khúc nhiều hơn.

Trên thực tế, Bắc Cực ấm nhất trong 5 năm qua kể từ khi con người bắt đầu ghi nhận thời tiết quanh khu vực này vào năm 1900 và tình trạng này hứa hẹn sẽ tiếp diễn nếu con người không tìm được giải pháp chung hữu hiệu.

Tấn Vĩ (Theo NY Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI