Ba ngành mũi nhọn cần tập trung phát triển

06/06/2018 - 10:21

PNO - Chúng ta hay tự hào về nguồn nhân công dồi dào và giá rẻ, nhưng chưa hẳn tận dụng tốt lợi thế mình đang có.

Cuộc họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, và Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021 đã diễn ra tuần qua, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tham gia cuộc họp này có ông Trần Đức Cảnh với vai trò ủy viên hội đồng. Ông Cảnh nguyên là Giám đốc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của bang Massachusetts (Mỹ), nhiều năm từng là cố vấn Ban tuyển sinh cho Đại học Harvard... 

Ba nganh mui nhon can tap trung phat trien

Ông Cảnh đưa ra quan điểm về ba ngành mũi nhọn cần tập trung phát triển:

Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, nếu không xác định được lợi thế cạnh tranh của quốc gia, vùng miền, địa phương… thì không thể tồn tại được trong môi trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Chúng ta hay tự hào về nguồn nhân công dồi dào và giá rẻ, nhưng nguồn nhân công này đang được sử dụng bởi phần lớn các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam hay lực lượng nhân công xuất khẩu lao động ra nước ngoài, còn chúng ta thì chưa hẳn tận dụng tốt lợi thế mình đang có.

Theo tôi, có ba ngành rất đáng lưu tâm và tập trung phát triển vì có lợi thế cạnh tranh hơn các lĩnh vực khác. Thứ nhất là ngành du lịch - khách sạn. Chúng ta có điều kiện thiên nhiên đầy tiềm năng, thiên nhiên ưu đãi, nhưng đáng tiếc là việc đầu tư, điều hành quản lý du lịch còn nhiều hạn chế, thêm vào đó là việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này chưa hiệu quả. Điển hình doanh thu ngành du lịch và liên quan của Thái Lan năm 2017 (thống kê của World Travel & Tourism Council) là 95 tỷ USD so với Việt Nam 20,6 tỷ USD; tuy nhiên họ chỉ sử dụng 2,33 triệu nhân viên; trong khi Việt Nam sử dụng 2,5 triệu nhân viên. Nôm na, nguồn nhân lực ngành du lịch của Thái Lan hiệu quả gấp 5 lần so với Việt Nam. Cho thấy nhu cầu đào tạo quản lý và dịch vụ của Việt Nam còn rất lớn.

Thứ hai là ngành nông nghiệp. Có quá nhiều lợi thế trong ngành này nhưng do trong toàn bộ chuỗi giá trị nông nghiệp, chúng ta chỉ mới tập trung vào sản xuất thô, nên lợi nhuận không thu được bao nhiêu. Người nông dân hiện đang phải “còng lưng” mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp thu mua từ nước ngoài mà ngành nông nghiệp vẫn bỏ lỡ nhiều cơ hội bứt phá. 

Thứ ba, đúng là chúng ta có lực lượng lao động trẻ năng động, giỏi giang, có khả năng phát triển các ngành nghề về công nghệ thông tin, phần mềm, kỹ thuật, dịch vụ ở các cấp... nhưng lại chưa biết cách tận dụng lợi thế cạnh tranh. Hơn nữa, nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề lại hạn chế trong việc cập nhật công nghệ thông tin và ngoại ngữ - là hai yếu tố không thể thiếu trong thời hội nhập, song song với cơ chế hỗ trợ phát triển loại ngành này còn rất giới hạn.

Trần Đức Cảnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI