'Khi lương là một sự… ước lệ'

01/11/2017 - 14:53

PNO - Cái câu “cơm áo không đùa với khách thơ”, ở thời đại này, dường như còn đúng cả với “khách văn”, “khách toán”, “khách… vật lý”… tất cả những “vị khách” yêu giáo dục, đam mê văn chương.

Sắp xếp mãi, cuối cùng, Đào Lê Na đành gặp tôi ngay bữa trưa, chỉ cách vài chục phút sau cuộc điện thoại, vì, “dù có sắp xếp thêm nữa, thì lịch công việc vẫn kín mít vậy thôi”.

'Khi luong la mot su… uoc le'
Tiến sĩ Đào Lê Na

Tôi biết đến Đào Lê Na qua những… tấm băng-rôn giăng khắp sân Trường đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn hồi năm 2008. Khi ấy, Na thuộc top sinh viên 5 tốt cấp ĐH Quốc gia, và được giữ lại làm giảng viên theo chính sách thu hút nhân tài của khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Gặp lại nhau sau 9 năm, Đào Lê Na đã trở thành một tiến sĩ văn chương, rồi còn đang sửa soạn các thủ tục để ứng tuyển một chương trình trao đổi học giả của Mỹ. Nhưng, giữa quán cà phê đông đúc trong giờ nghỉ trưa chóng vánh của một giảng viên ĐH, Na chỉ bắt đầu câu chuyện bằng cách... hớp vội một miếng cà phê rồi cười hiền: “Thực ra thì, cuộc sống của Na cũng giống như các bạn mới ra trường thôi”.

Tốt nghiệp ĐH theo hệ cử nhân tài năng của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2008, năm 2011, Na tốt nghiệp cao học, trở thành thạc sĩ với luận văn “Kịch bản cải lương Nam bộ trước năm 1945”, đồng thời hoàn thành một khóa học về biên kịch kịch bản điện ảnh - truyền hình ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Ngay thời điểm tốt nghiệp cao học và hoàn thành khóa học về điện ảnh ở Việt Nam, Na đã sửa soạn để sang Đài Loan theo một chương trình học bổng đào tạo thạc sĩ về quản lý nghệ thuật.

Năm 2013, chị trở về với tấm bằng thạc sĩ thứ hai, bước vào hàng ngũ những người nghiên cứu về điện ảnh hiếm hoi ở Việt Nam. Đồng thời, chị bước vào một chặng đường mới của một người làm khoa học, tiếp tục làm nghiên cứu sinh với chuyên ngành lý luận văn học, đi sâu nghiên cứu về lý thuyết cải biên học từ tác phẩm văn học đến tác phẩm điện ảnh (thường gọi là “chuyển thể”). Đào Lê Na trở thành tiến sĩ vào năm 2015, 7 năm sau ngày tốt nghiệp ĐH, ở tuổi 29.

Nhưng, “cuộc sống của Na cũng giống như mấy bạn mới ra trường” - câu nói đùa vô tình của nữ tiến sĩ trẻ cứ vướng vất trong mấy chi tiết đời thường, và… bình thường đến mức như đã trở thành một “nghịch lý”. Mỗi lần bước vào một chặng đường mới, trở thành một cử nhân văn chương, một thạc sĩ, một tiến sĩ - đều là một lần “tái khẳng định” lựa chọn của một người làm khoa học.

'Khi luong la mot su… uoc le'
 

Nhưng, lựa chọn ấy, hình như chỉ thuần túy là lựa chọn của “lý tưởng”, của “đam mê”; chứ chưa bao giờ là một lựa chọn “kiếm sống”. Mà, cái câu “cơm áo không đùa với khách thơ”, ở thời đại này, dường như còn đúng cả với “khách văn”, “khách toán”, “khách… vật lý”… tất cả những “vị khách” yêu giáo dục, đam mê văn chương.

Và người ta thực sự phải kiếm sống, nhất là giữa cuộc sống đắt đỏ của Sài Gòn. Lúc mới trở thành giảng viên, phải quần quật với các chương trình học, Na vẫn còn quán tính của một… sinh viên, toàn bộ số lương hơn hai triệu đồng đều dùng trang trải cho việc… mua sách. Ngày chị trở về từ Đài Loan, lương cán mốc 3 triệu đồng, thì các khoản chi tiêu cũng tăng… chóng mặt cùng những khoản chi phí của một người đang làm nghiên cứu sinh.

Nhưng, trót “ôm mộng tưởng” về hình ảnh của một giảng viên “chỉ biết dạy học và nghiên cứu”, một thời gian dài, chị khước từ các lời mời thỉnh giảng. Công việc của một cán bộ trẻ trong môi trường khóa học bận bịu trăm bề và đòi hỏi chuyên môn cao, cứ ban ngày làm việc thì ban đêm nghiên cứu. Nhưng, sống “yên ổn” trong nguyên tắc mình tự đề ra về một “giảng viên đích thực” một thời gian, Na bắt đầu… khủng hoảng tài chính. Mỗi tháng một lần nhận lương, số tiền lại chỉ vừa đủ cho cuộc sống tiết kiệm của một người nữ độc thân, mà các khoản phát sinh, các bất trắc trong 30 ngày mỗi tháng lại nhiều vô kể.

Năm 2015, khi vừa hoàn thành khóa nghiên cứu sinh thì chiếc laptop cũng hư đến mức không thể sửa được, cô “tân tiến sĩ” phải ngửa tay mượn tiền người nhà, để mua một chiếc laptop mới. Chiếc điện thoại, chiếc xe máy, hay thậm chí là một khoản thu bất ngờ vượt quá mức “mấy trăm ngàn” đều ghi dấu một lần “nhờ vả” người thân, bè bạn. Mới đây nhất, khi quyết định in cuốn sách đầu tiên về vấn đề cải biên học do chính mình nghiên cứu, con số 50% chi phí in sách được hợp đồng với nhà xuất bản, cũng được chị giải quyết bằng cách… vay người nhà.

“Sống một cuộc đời như sinh viên mới ra trường”, đó có lẽ là một cách diễn đạt hình ảnh về một cuộc sống quần quật, lo toan. Công việc chính vẫn là nghiên cứu văn học - điện ảnh, giảng dạy ở khoa Văn học và Ngôn ngữ, phụ trách các câu lạc bộ và nhóm sinh viên. Còn toàn bộ thời gian rảnh trong ngày, chị phải chạy như con thoi ở những điểm mình nhận thỉnh giảng. Là một nhà nghiên cứu về điện ảnh, thỉnh thoảng, chị vẫn nhận được lời mời về làm việc ở những tổ chức cùng lĩnh vực với mức lương hấp dẫn. Nhưng, “những chỗ ấy không có sinh viên, không có môi trường nghiên cứu”.

Chỉ vì lý lẽ đó, mà bao nhiêu lời mời, chị từ chối hết; chỉ cần mẫn làm công việc của một người nghiên cứu, một người dạy học. Mọi vấn đề tài chính đều được giải quyết bằng việc... làm thêm trong thời gian rảnh. Còn ước mơ đi du lịch cùng bao ước mơ phù phiếm của một phụ nữ trẻ thì… gác lại hết. Bởi, “khi lương chỉ là một sự… ước lệ, thì hưởng thụ cũng chỉ là một khái niệm mà thôi!”.

Lê Na kể vui một hồi, rồi lại phải rời đi vì lại đến giờ thỉnh giảng. Chuyện “giảng viên nghèo” tôi đã nghe nhiều. Nhưng đến lúc này, nghe từ Na, tôi không còn thấy nó như một lời than. Nó giống một lời đùa. Đùa cho qua ngày đoạn tháng. Còn sự nghiêm túc, cẩn mật hình như, chị bận dành cho khoa học, cho sinh viên mất rồi. 

Thanh Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI