Tôi thấy mình không phải người giỏi chịu áp lực, đó là lý do đến giờ đã 33 tuổi nhưng tôi chưa lên được chức vụ nào ngoài "nhân viên quèn" dù cũng vài lần được cất nhắc. Tôi luôn từ chối việc trở thành lãnh đạo, dù chỉ là người đứng đầu một nhóm nhỏ không quá 5 người. Nhưng gia đình không phải là thứ thích thì nhận, không thích thì từ chối. Tôi ngày càng stress với cuộc sống gia đình khi quá nhiều áp lực dồn dập kéo đến kể từ lúc vợ tôi sinh thêm hai con gái do "vỡ kế hoạch".
Thời điểm vợ tôi phát hiện có thai, con gái đầu lòng của chúng tôi mới hơn một tuổi. Chúng tôi vẫn "kế hoạch" bằng cách dùng bao cao su, nhưng không hiểu sao lại "dính". Vợ tôi từng mạnh miệng bảo sẽ bỏ nếu lỡ có bầu vì con đầu còn nhỏ quá, nhưng khi thực tế xảy ra, tất nhiên cô ấy chẳng nỡ làm vậy. Chúng tôi tự nhủ thôi thì đằng nào cũng phải sinh thêm một đứa, coi như "hoàn thành kế hoạch" sớm một chút rồi tập trung "cày".
Ai ngờ ông trời thích đùa, vợ tôi siêu âm phát hiện mang thai đôi, tới ngày biết giới tính con, chúng tôi cùng ngã ngửa: lại là con gái. Thực sự tôi chẳng đặt nặng gì chuyện trai gái nhưng bố mẹ tôi hoàn toàn khác. Ông bà tức điên lên, nói nặng nhẹ đủ kiểu. Bố tôi bảo tôi là con trai một, kiểu gì cũng phải có thằng đích tôn nối dõi mới yên với ông. Mẹ tôi thì rấm rứt khóc, thở ngắn than dài vì thấy con trai thêm gánh nặng áo cơm với "ba con vịt giời" một lúc.
|
Từng là cậu trai trẻ vô tư lự trước cuộc đời nhưng giờ ở tuổi 33, tôi đang mỏi mệt vì gánh nặng gia đình. Ảnh tác giả cung cấp. |
Giá chỉ để trong lòng thì cũng không sao, đằng này mẹ tôi lại đem than thở với bà thông gia và có những câu hàm ý chê vợ tôi "kém đẻ" nên sinh toàn con gái. Chuyện đến tai vợ tôi, em giận tôi gần hai tuần không nói chuyện. Tệ hơn, sau lần ấy em nhạt hẳn khi trò chuyện với mẹ chồng, dù vẫn lễ phép nhưng chỉ xã giao cho có là chính. Nhìn cảnh ấy, tôi rất buồn nhưng chẳng biết làm thế nào. Tính tôi vốn ngại va chạm, nên bảo "làm căng" để người khác theo ý mình là điều gần như không thể.
Giữa thai kỳ, vợ đưa cho tôi danh sách các thứ cần chuẩn bị, cũng không quên nhắc tôi về ngân sách cần có để chi tiêu cho gia đình hàng tháng sau khi hai con chào đời. Tôi nghe xong mà hoang mang đến mức không thể tập trung làm việc. Tổng thu nhập của vợ chồng tôi khoảng 23 triệu. May mắn là chúng tôi đang ở nhờ nhà bạn của bố vợ (cô chú đi nước ngoài, chưa bán nhà nên cần người ở trông và giữ giúp chứ không cho thuê) nên đỡ tiền thuê trọ. Khi mới có con đầu chúng tôi vẫn cố dành dụm ra vài triệu gửi tiết kiệm mỗi tháng.
Nhưng từ khi vợ có bầu, việc dành dụm đã bất khả thi, nói gì đến lúc hai con ra đời. Khổ nỗi chuyên môn của tôi khó cho phép tìm việc làm thêm, nên đến giờ khi hai con đã sắp thôi nôi, chúng tôi vẫn quay cuồng tính toán chi tiêu vì chẳng có thêm khoản thu nào khác. Nhiều lúc nhìn gương mặt cau có của vợ bên cuốn sổ chi tiêu gạch gạch xóa xóa mà tôi nhức hết cả đầu, cảm giác chán nản và bất lực trào lên nghẹn ứ ở cổ.
|
Đã lâu rồi, tôi không còn được thảnh thơi đeo đuổi đam mê chụp ảnh của mình. Thỉnh thoảng tôi lấy những tấm ảnh cũ từng chụp ra ngắm và thở dài tiếc nuối. |
Sau thời gian nhờ bà nội chăm con gái đầu đến khi đi học nhà trẻ với đủ thứ mâu thuẫn lặt vặt, vợ tôi tuyên bố hai đứa sau sẽ không nhờ bà nữa mà tự thuê người. Nhưng tiền đâu ra với ba đứa con lít nhít, thế là tôi lại phải nhờ mẹ mình lên Hà Nội chăm cháu giúp. Chiều nào về nhà tôi cũng phải chứng kiến cảnh hai người phụ nữ tranh cãi nhau những chuyện chẳng đâu vào đâu, khi thì chuyện tráng rửa bình sữa, lúc là chuyện thay bỉm.
Sau mỗi lần "đụng độ" với mẹ chồng là y như rằng vợ trút giận lên tôi. Vào đến phòng riêng, cô ấy cáu gắt chẳng cho tôi đụng vào người dù tôi chỉ muốn massage cho vợ đỡ mỏi. Mẹ tôi cũng chẳng khác là bao, không trả lời khi tôi hỏi, nếu gặng mãi thì bà lại khóc bù lu bù loa là bị con dâu coi thường vì là dân tỉnh lẻ, nhà quê kém vệ sinh. Những lúc ấy, tôi chỉ ước mình có thể trốn vào xó nào đấy thật yên tĩnh cho đỡ nhức đầu.
Những lúc về nhà, tôi ngột ngạt, mệt mỏi đã đành. Khi đi làm vẫn không thể thoát ra khỏi những nỗi lo lắng xoay quanh hai chữ "gia đình". Những chuyện thông gia không thích nhau, chuyện nàng dâu mẹ chồng thôi cứ coi là muôn thuở cho đỡ nặng đầu, nhưng còn tương lai sau này thì sao? Ba "con vịt giời" sẽ lớn lên, vào đại học, tôi không biết mình sẽ xoay sở như thế nào để nuôi con cho bằng người ta? Vợ tôi gánh vác trách nhiệm chăm con đã quá nặng nề, tôi không thể bắt cô ấy nghĩ cách cùng mình kiếm tiền lo cho gia đình.
|
Áp lực tứ phía khiến tôi thấy cuộc sống ngày càng nặng nề và mỏi mệt. Ảnh minh họa. |
Tôi đã nghĩ đến chuyện vay tiền hùn hạp làm ăn với bạn bè nhưng vợ can, bảo tính tôi vừa hiền vừa nhát sao làm ăn chung đụng với người ta được. Nhìn bạn bè nhiều đứa cùng học đại học ngày xưa giờ đã nhà nọ xe kia, còn mình vẫn đang ở nhờ nhà người ta, sổ tiết kiệm trong ngân hàng vỏn vẹn hơn 100 triệu, con cái nheo nhóc, lòng tôi nặng trĩu.
Mỗi lần về thăm bố, tôi lại thêm chán nản khi thấy ông thở dài thở ngắn, hỏi vu vơ không biết đến khi nào mới được ngắm thằng cháu đích tôn? Tôi thấy mỏi mệt và đau đầu vì cuộc sống này quá.
B.G.
Có đến 42% nam giới cho biết áp lực lớn nhất của họ là làm người trụ cột trong gia đình. "Lo cho gia đình", "sợ mất việc", "áp lực bị so sánh"... tựu chung đều là nỗi lo mang tên "TRỤ CỘT". Dĩ nhiên, để là trụ cột cần phải đáp ứng được nhiều tiêu chí, từ khỏe mạnh đến có một công việc tốt, thu nhập cao, phẩm chất, bản lĩnh của người đàn ông thực sự...
Áp lực, trách nhiệm khiến những người đàn ông oằn vai. Trong khi đó, cảm xúc vốn được xem như đặc quyền của phái yếu, còn phái mạnh phải luôn mạnh mẽ. Cách nghĩ này khiến cánh mày râu phải chối bỏ những cảm xúc “bẩm sinh” của con người, không được yếu mềm, không dám tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn. Áp lực chồng chất đẩy người trụ cột vào trầm cảm và nhiều hệ lụy tâm sinh lý khó lường.
Báo Phụ nữ TP.HCM mở diễn đàn "Áp lực đàn ông, phụ nữ biết không?" để là nơi giãi bày, chia sẻ những mệt mỏi, muộn phiền cũng là nơi phân tích sâu hơn những góc khuất bên trong các quý ông, để chị em phụ nữ hiểu hơn, cảm thông, sẻ chia hơn với người đàn ông mang gánh lo toan đang ở cạnh mình.
Bài vở tham gia diễn đàn, bạn đọc gửi về email: tinhyeuhonnhan@baophunu.org.vn
|