Hạn, mặn - điệp khúc đắng đất chín rồng: Thiên tai hay "nhân họa"?

25/02/2016 - 07:38

PNO - Tại trời, tại người, nhưng trời không bị gì, chỉ người là lãnh đủ. Không biết đê có vỡ nữa không?

Được xem là vùng trái cây trù phú bậc nhất Vĩnh Long màu xanh ngát Cù Lao Dài (H, Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) như bài thơ thanh bình đầy hương hoa, mật ngọt. Nhưng mùi cây trái ấy phía bên kia cồn Thanh Long đang ngập trong vị đắng, khi lũ mặn bất ngờ tàn phá hàng chục hec-ta cây lâu năm. Ở đó, người ta như không còn nước mắt để khóc mà nín lặng nhìn tài sản chôn theo nước biển...

"Chết loạn ở bên kia cù lao"

Từ bến phà Quới Thiện đi Quới An ngó ra, cồn Thanh Long thuộc thôn Phước Lý 2, xã Quới Thiện nổi lên như đứa con được mẹ ru dỗ, nhưng tao nôi coi bộ dài quá, xa quá, nên tay mẹ khó với. Tôi nhớ hôm qua ông Tám Ngang ở Đức Mỹ, H.Càng Long, tỉnh Trà Vinh e hèm như hỏi ông trời: “Cao như vùng Chợ Lách mà cũng mặn, thì biết năm nay trời đày dân cỡ nào, nhưng cháu tôi nói vùng cù lao Dài dưới Vũng Liêm trái cây khô héo, tôi ngã ngửa, ngộ quá”. Một ông ngồi đưa võng ở bến phà buông câu hờ hững: “Chết loạn bên cù lao. Anh muốn qua thì phải bao đò”.

Từ đây qua đó chừng một cây số. Gió chướng bần bật. Ngó khách đi phà đông đúc mà chẳng ai đồng hành cùng mình. Tôi nói anh lái đò trẻ tên Minh: “Làm ơn tấp chỗ đê bao vỡ cho tôi”. Vướng sình, chiếc đò loay hoay. Từ mé đò lên tới bờ, hoắm sâu như từ địa đạo dưới nước trồi lên, bám dây lơ mơ là rớt sông. “Các chú là bên môi trường hả?”.

Ông già tên Nguyễn Văn Xê, sống một mình, đang ngồi uống trà ở hiên nhà phập phù chênh vênh mép nước, nheo mắt nhìn khách. Tôi khai lý do ghé thăm, ông kéo ghế cái ào kêu ngồi. “Đó, đê đó, mặn vậy trời đất quỷ thần nào chịu nổi. Tôi nay 86 tuổi, thấy mặn cũng lắm, nhưng ở đây từ nhỏ đến lớn, chưa lần nào thấy sầu riêng, măng cụt chết vì nhiễm mặn thảm như đợt này. Từ ngày có đê bao, mặn không ló dạng. Nay mặn sớm, đành chịu cực sớm thôi chứ biết sao”.

Đàn chó năm con nhe nanh ào ra. Minh kêu ai đó la giúp. Bùn non lạo xạo dưới chân. “Đó, anh coi kìa, chuối, tắc khô hết”. Cây cao ngước mỏi cổ. Bùn vươn ngấn ngang tầm ngực. Trái sầu riêng, bưởi, măng cụt héo vàng, đen mục rải rác lối đi. Từ xa nhìn vào, cồn Thanh Long màu lục non lẫn già lấp lóa trong nắng trưa. Tôi đang lội giữa cồn, như vừa lội vào vùng lũ miền Trung khi nước rút, vô giữa lòng nó mới biết giăng hàng một sắc màu khác đến kinh ngạc nhói lòng.

Han, man - diep khuc dang dat chin rong: Thien tai hay
Các đập ngăn mặn đã phải đóng cửa một tháng

Chính, một thanh niên đứng gần nói: “Mặn tuôn vô nhà luôn đó anh”. Lại thấy như vừa đi qua rẫy vườn nhà ai đốt. Sầu riêng, bưởi, tắc, chuối cháy khô, nhiều cây cao hơn năm thước mà chết đứng. “Mẹ em nói mất hết rồi, mày coi qua Vĩnh Long hay xuống thành phố kiếm gì làm đi. Em qua đó cà phê với nhậu chứ lâu nay làm vườn, giờ biết chi”. Ánh cười trong mắt Chính như trộn cát.

Hai người đàn bà đang chặt cây sao đen làm củi. “Cây chết đó anh - người lớn tuổi tên Lê Thị Đông ngẩng lên - Chán không muốn chặt, cứ lấy cây nhỏ nấu trước, chết đầy vườn, sức đâu mà chặt”. “Vườn chị đây hả?”. “Không, của bà con”. Hàng xóm đi vắng. Chị dẫn tôi băng qua mấy vườn, thuyết minh: “Vườn ông Tám Dĩ chục công rưỡi cây chết gần hết. Vườn của Sáu Lập, bưởi to chết hết, rồi vườn của Năm Thể…”. “Vườn của chị thì sao?”. Chị đứng lại, quay nhìn tôi, bước thêm hai bước nữa, tựa vào cây sầu riêng cao lớn, mà có lẽ nếu không mặn, nó xanh um, giờ thì như ai đốt, lặng im.

“Ba tôi là một trong những người đắp đê bao bằng tay ở miệt này, trước khi có xáng cạp làm. Vùng này có mặn, nhưng cữ này các năm chỉ lợ lợ thôi, ai dè giờ nó dữ quá”. “Đê vỡ khi nào?”. “Rằm tháng Chạp, vỡ. Xúm lại đắp. Đêm 28 tết vỡ, lại đắp, nhưng giao thừa ai dè nó ầm lần nữa, thả tay luôn”. “Nhà chị bị nặng không?”. Chị nhìn lần nữa, nói như ráng buông từng lời, cứ một lần kể, gương mặt phúc hậu của người đàn bà tuổi gần 50 như lệch đi một chút. “6,5 công tắc hơn 1.000 cây chục năm tuổi chết hết; bưởi, sầu riêng, măng cụt gần 2.000 cây thuở ba tôi trồng, rồi chục năm trở lại đây tôi trồng thêm, tiêu luôn; đu đủ mấy trăm, dừa kiểng ngàn cây chỉ còn chậu, rồi 100 mít…”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI