Nha sĩ dỏm gỡ niêm phong, mở phòng khám dụ bệnh nhân

03/01/2019 - 06:00

PNO - Không bằng cấp chuyên môn, nhưng một người đàn ông tự phong mình là nha sĩ và “mạnh dạn” mở phòng khám nha hoạt động công khai.

Dùng lò vi sóng khử trùng dụng cụ

Nha si dom go niem phong, mo phong kham du benh nhan
Phòng khám Nha khoa Bảo Linh 2 ở Biên Hòa, Đồng Nai

Trong vai khách hàng muốn lấy cao răng và trám răng sâu, phóng viên đến Phòng khám Nha khoa Bảo Linh 2 (ở khu phố 7, P.Long Bình, TP.Biên Hòa, Đồng Nai).

Bên ngoài phòng khám chỉ treo biển hiệu nhưng lại không ghi số đăng ký hành nghề, cấp phép hoạt động của Sở Y tế.

Để bệnh nhân tin tưởng, vị bác sĩ dỏm còn treo biển với nội dung: “Phòng khám làm việc buổi chiều, từ 4 giờ chiều. Nha sĩ đi làm bệnh viện, liên hệ: 0989…”. Hoặc phòng khám chỉ dán vài dòng chữ đơn giản: “Quý khách vui lòng gọi y, bác sĩ 0989.684.xxx”.

Chủ cơ sở này là ông Vũ Đình Bảo. Khác với các phòng khám bệnh thường thấy, y, bác sĩ đứng khám bệnh phải mặc áo blouse. Còn chủ cơ sở này, lúc chúng tôi bước vào khám bệnh vẫn mặc áo ba lỗ.

Chờ khoảng 10 phút, chủ cơ sở này mới thay bộ đồ màu xanh nhạt, giống với nhân viên y tế phòng mổ để khám răng cho phóng viên.

Khi hỏi về dịch vụ lấy cao răng, trám răng sâu, chủ phòng khám trả lời, có 2 loại, trám răng có giá 50.000 đồng/cái và 70.000 đồng/cái. Còn cạo vôi răng có giá 50 ngàn đồng/lần. Các dịch vụ như: răng sứ là 700 đến 3 triệu đồng/cái (tùy loại); đính đá từ 500-700 ngàn đồng/cái.

Nha si dom go niem phong, mo phong kham du benh nhan
Dụng cụ làm răng bị gỉ sét

Khi bác sĩ dỏm chuẩn bị lấy cao răng cho tôi, đoàn thanh tra của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai ập vào kiểm tra đột xuất. Phòng khám này rộng khoảng hơn 20m2, có ghế nha và một số dụng cụ sử dụng trong nha khoa.

Đáng chú ý, phòng khám có dụng cụ không được khử trùng sạch sẽ. Theo nguyên tắc, dụng cụ khám và nhổ răng, ống hút nước bọt phải ngâm khử trùng rồi cho vào nồi hấp nước, sau đó mới cho dụng cụ hấp khô. Nhưng cơ sở này chỉ dùng 1 lò vi sóng để hấp dụng cụ. “Điều này rất nguy hiểm, dễ lây lan bệnh truyền nhiễm” -  thành viên trong đoàn thanh tra nhận định.

Tại phòng khám, chủ cơ sở còn treo 2 áo blouse của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Trường Đại học Y Hà Nội.

Khi đoàn hỏi, mục đích của việc treo 2 chiếc áo blouse này là gì? Ông Bảo cho biết, 1 chiếc áo của Trường Đại học Y Hà Nội là nơi ông Bảo từng tham gia học (?). Thế nhưng, ông Bảo không xuất trình được giấy tờ nào cho đoàn thanh tra! Còn áo blouse của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai là của một người thân đang làm việc tại bệnh viện này?

Nha si dom go niem phong, mo phong kham du benh nhan
Ông Bảo (áo xanh) tiếp đoàn thanh tra khi kiểm tra đột xuất cơ sở này

Nhưng khi đoàn thanh tra hỏi "bác sĩ" Bảo làm ở bệnh viện nào thì ông Bảo chỉ ậm ừ, không trả lời.

Hồ sơ bệnh án của phòng khám chỉ có 1 tờ giấy với nội dung ghi khá đơn giản. Trong đơn thuốc có cả phần chữ ký của bác sĩ/nha sĩ. Ông Bảo cho biết, những giấy tờ này mua ở tiệm photocopy.

Không đăng ký hành nghề vẫn cứ hoạt động

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận cơ sở có: 2 ghế nha, 2 chai dịch truyền và nhiều dụng cụ dùng trong nha khoa. Đặc biệt, cơ sở này không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào liên quan đến hoạt động khám, chữa răng. Trước các vi phạm trên, đoàn thanh tra niêm phong 2 ghế nha và những dụng cụ sử dụng trong việc khám, chữa răng như: kìm nhổ răng, ống hút nước bọt.

Đoàn cũng yêu cầu cơ sở ngưng hoạt động từ thời điểm kiểm tra (ngày 7/12/2018) và đến Sở Y tế làm việc vào ngày 19/12/2018. Tuy nhiên, đến ngày hẹn và tới thời điểm hiện nay, ông Bảo không lên làm việc, xuất trình các loại giấy tờ liên quan đến vi phạm của mình.

Nha si dom go niem phong, mo phong kham du benh nhan
Nhiều dụng cụ làm răng tại Phòng khám Nha khoa Bảo Linh 2 không được tiệt trùng

Liên quan đến sai phạm của vị bác sĩ “dỏm” này, Phòng Y tế thành phố Biên Hòa cho biết, năm 2017, Phòng có kiểm tra, xử phạt 35 triệu đồng và yêu cầu ngừng hoạt động đối với Phòng khám Nha khoa Bảo Linh 2.  

Phòng khám này không có chứng chỉ hành nghề. Ông Bảo chỉ trình được 1 bằng tốt nghiệp Trung cấp chuyên nghiệp ngành y sĩ đa khoa mang tên Võ Bảo, do Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh cấp ngày 31/5/2011.

Trong hồ sơ thanh - kiểm tra và biên lai thu tiền phạt (tại Kho bạc Nhà nước thành phố Biên Hòa), chủ cơ sở này lấy tên là Võ Bảo, sinh  năm 1983, địa chỉ thường trú tại Yên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Nhưng trong lần thanh kiểm tra đột xuất của Sở Y tế gần đây, ông Bảo lại khai mình tên Vũ Đình Bảo. Vậy đâu mới là tên thật của chủ cơ sở này (?).

Mặc dù đoàn thanh - kiểm tra của Sở Y tế đã dán niêm phong các trang, thiết bị và yêu cầu Phòng khám Nha kha Bảo Linh 2 từ thời điểm kiểm tra, nhưng ngày 25/12/2018, chúng tôi quay lại phòng khám này vẫn thấy hoạt động bình thường.

Nha si dom go niem phong, mo phong kham du benh nhan
 

Theo anh V.T. - nhà ở gần Phòng khám Nha khoa Bảo Linh 2 tiết lộ: ông Bảo mở phòng khám nha gần 1 năm nay. Thời gian đầu, phòng khám này có 2 người cùng làm và cũng có vài bệnh nhân khám mỗi ngày. Một thời gian sau, phòng khám chỉ còn mình ông Bảo làm.

“Ông Bảo không thường xuyên khoác áo blouse, chỉ khi khám bệnh mới khoác áo. Cũng có lần, tôi chứng kiến khách hàng đến cãi vã với ông Bảo và ông ấy chạy trốn đi chỗ khác”, anh T. kể.

Từ khi mở phòng khám, ông Bảo làm việc toàn thời gian tại đây. Tuy nhiên, gần 1 tháng nay, ông Bảo nói với mọi người xung quanh, mình đi làm ở bệnh viện nên chỉ mở phòng khám buổi chiều, sau 4 giờ chiều.

Theo Phòng Quản lý hành nghề của Sở Y tế, phòng khám Nha khoa Bảo Linh 2 không có bất cứ hồ sơ đăng ký hành nghề nào. Phòng khám này không có giấy phép hoạt động, hoạt động chui.

Nha si dom go niem phong, mo phong kham du benh nhan
Sở Y tế kiểm tra đột xuất và niêm phong ghế nha của Phòng khám Nha khoa Bảo Linh 2
Nha si dom go niem phong, mo phong kham du benh nhan
Phòng khám Nha khoa Bảo Linh 2 gỡ niêm phong của Sở Y tế để hoạt động bình thường

Theo quy định, y sĩ hay bác sĩ nha khoa đều phải có chứng chỉ hành nghề mới được hoạt động trong lĩnh vực khám, chữa các bệnh về răng. Trong đó, các bác sĩ nha khoa mới được phép khám, chữa về: nhổ răng, trồng răng, lấy cao răng, bọc răng sứ… Tùy vào danh mục kỹ thuật cụ thể mà bác sĩ trình lên Sở Y tế khi xin giấy phép hoạt động, Sở Y tế sẽ thẩm định và cấp phép.

Còn đối với y sĩ nha khoa, họ không được làm bất cứ hoạt động khám, chữa bệnh nào mà chỉ phụ việc cho bác sĩ. Tuy nhiên, họ vẫn phải đăng ký chứng chỉ hành nghề.

Đan Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI