Sư Đàm Lan chùa Bồ Đề khai gian thân phận 28 trẻ 'bị bỏ rơi'

24/09/2014 - 09:39

PNO - PNO - “Tại sao ni sư chấm cháu này đi trung tâm mà không chấm cháu kia?”. Ni sư bảo: “Vì cháu này có gia đình, đưa đi nhỡ người nhà cháu đến đòi thì tôi biết làm sao?”

Su Dam Lan chua Bo De khai gian than phan 28 tre 'bi bo roi'
Trẻ ở chùa Bồ Đề được đưa về các trung tâm bảo trợ xã hội trong đợt đầu tiên (ngày 22/8/2014).

28 trẻ "bị bỏ rơi" đều đang có gia đình 

Trước khi những tiêu cực trong việc nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề bị báo chí phanh phui, trong nhiều báo cáo gửi cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức từ thiện, xã hội và nhiều doanh nghiệp để xin tài trợ, chùa Bồ Đề và UBND P.Bồ Đề đều khẳng định: “Chùa đang nuôi dưỡng từ 106 đến 120 trẻ bỏ rơi, trẻ mồ côi, hàng chục người già cô đơn không nơi nương tựa...”. Nhưng khi TP.Hà Nội tiến hành phân loại đối tượng để gửi đến các trung tâm bảo trợ xã hội thì lộ ra đến 28 em bé “bị bỏ rơi” hiện đang có gia đình.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ, ông Nguyễn Quốc Long, trưởng phòng Lao động, thương binh và xã hội Q.Long Biên cho biết: “Hiện nay vẫn còn gần 30 cháu bé ở chùa Bồ Đề chưa được đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội với lý do: các cháu có nguồn gốc gia đình đàng hoàng chứ không phải là trẻ bị bỏ rơi”.

Từ tháng 8/2014, sau khi báo chí lên tiếng về việc nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề, TP.Hà Nội đã yêu cầu phân loại trẻ để đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội thì ni sư Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề buộc phải thừa nhận: “Có 62 đối tượng đã được gia đình đón về, trong đó có mười trẻ em, chín người cao tuổi, 22 người giúp việc, 19 trẻ là con em của người giúp việc”.

Các cháu không có nguồn gốc đã được đưa đi các trung tâm bảo trợ, các cháu có nguồn gốc, có địa chỉ gia đình thì được động viên để gia đình đón về.

Ông Long kể: "Chúng tôi yêu cầu ni sư Thích Đàm Lan phải phối hợp với chúng tôi làm việc này, danh sách các cháu đưa đi trung tâm hay ở lại, trả về cho người nhà là do ni sư tự tay điền vào và chính ni sư cũng phải khẳng định những trường hợp mà mình đã ghi ra là chính xác và chịu trách nhiệm. Chính tôi cũng thấy lạ về việc đó và đã hỏi: “Tại sao ni sư chấm cháu này đi trung tâm mà không chấm cháu kia?”. Ni sư bảo: “Vì cháu này có gia đình, đưa đi nhỡ người nhà cháu đến đòi thì tôi biết làm sao?”. Vì vậy, chúng tôi đồng ý giữ cháu đó lại để gia đình đến đón về. Cuối cùng, trong hơn 100 đối tượng bảo trợ ở chùa Bồ Đề, có 62 trường hợp có nguồn gốc gia đình rõ ràng. Chúng tôi đã tiến hành các thủ tục cần thiết để các gia đình đến đón người thân về”.

Trả lời vấn đề tại các báo cáo bằng văn bản, nhà chùa và các cơ quan chức năng, khẳng định trẻ đang sống ở chùa đều là trẻ bị bỏ rơi, không xác định được nguồn gốc, nhưng nay lại có đến 28 cháu có nguồn gốc gia đình rõ ràng, ông Nguyễn Quốc Long nói: “Sau khi thanh kiểm tra số người lớn, trẻ em có mặt tại chùa, chúng tôi đã phân loại từng nhóm tuổi và đề nghị sư trụ trì làm rõ, với những cháu có địa chỉ, nguồn gốc thì phải liên lạc với gia đình để đón về chăm sóc.

Trong số 28 cháu còn ở lại chùa, đa số là có nguồn gốc, có địa chỉ gia đình, chúng tôi đang đề nghị nhà chùa trực tiếp liên lạc mời người nhà đến. Nhiều cháu muốn được xuất gia, chúng tôi sẽ xin ý kiến chỉ đạo. Các cháu còn nhỏ thì gia đình đón về, nếu không đến đón, chúng tôi sẽ có hình thức xử lý phù hợp. Chúng tôi dự kiến đến tháng 11 sẽ giải quyết dứt điểm việc nuôi trẻ trái phép ở chùa Bồ Đề”.

Mua 3,5ha đất nông nghiệp “chui” để nuôi trẻ mồ côi?

Với chiêu bài “Gom đất để xây chùa và nuôi trẻ mồ côi”, ni sư Thích Đàm Lan trụ trì chùa Bồ Đề đã mua hơn 35.000 m2 đất nông nghiệp trái phép tại xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.

Năm 2009, việc mua đất “chui” của sư Đàm Lan từng bị UBND xã Đông Xuân phát hiện, gửi giấy mời lên làm việc, yêu cầu phải chấm dứt ngay, nhưng vị ni sư này không chịu.

Ngày 22/9, trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ, ông Lê Văn Được, Chủ tịch UBND xã Đông Xuân cho biết:

“Ni sư Thích Đàm Lan đã mua đất nông nghiệp của hàng trăm hộ dân thôn Phú Thọ, xã Đông Xuân với tổng diện tích khoảng trên 35.000 mét vuông. Quá trình mua bán diễn ra âm thầm suốt nhiều năm. Chúng tôi đã mấy lần mời bà Lan lên làm việc, yêu cầu chấm dứt hành vi này, nhưng bà Lan vẫn thông qua kênh Hội Người cao tuổi, Mặt trận tổ quốc... thôn Phú Thọ để tiếp cận với các hộ dân và thực hiện hành vi mua bán trái phép.

Cần nói thêm là chùa Thiên Phúc, thuộc thôn Phú Thọ là ngôi chùa chưa được công nhận. Nơi đây vốn là trạm hoa tiêu dẫn đường cho máy bay thuộc sân bay Nội Bài, nhưng từ lâu sân bay không sử dụng đến, nên người người dân của thôn tự lập nên thành chùa của thôn. Chính ni sư Thích Đàm Lan bỏ tiền đầu tư, mua thêm cả đất của xã Phù Lỗ để quây tường lại làm thành chùa của mình.

Khi xây tường, xã từng đến xử lý vi phạm vì xây tường trên đất nông nghiệp. Hiện chúng tôi chưa thấy bà Lan xuất trình được bất kỳ văn bản nào về việc xây dựng trại trẻ mồ côi tại thôn Phú Thọ, nhưng nhân dân bán đất bằng hình thức “cúng” đất vào chùa vì được bà Lan hứa là để làm từ thiện. Giá mua đất giao động từ 70 triệu đồng/1 sào đến 250 triệu đồng/1 sào.

Hiện nay, xã đang tiến hành dồn điền đổi thửa cho bà con trong toàn xã. Khu đất mà sư Lan mua trái phép chắc chắn vẫn được đưa vào diện dồn điền đổi thửa. Việc mua bán đất nông nghiệp mà không được Nhà nước công nhận đều không có giá trị pháp lý gì”.

Trước đó, suốt gần 1 tháng ngược cung đường Sóc Sơn - Hà Nội, trong vai người có nhu cầu mua đất, chúng tôi đã tiếp cận với những người dân thôn Phú Thọ, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn để làm rõ những khuất tất xung quanh việc mua hàng chục ngàn mét vuông đất nông nghiệp trái phép của ni sư Thích Đàm Lan.

Ông Nguyễn Văn Ng. người từng đứng ra thu gom hàng ngàn mét vuông đất của người dân để bán cho sư Đàm Lan, kể: “Gần như toàn bộ số đất của “thầy” Lan là do bố con tôi đứng ra “gom” hộ, vì “thầy” không phải là người ở địa phương này, làm sao mà đứng ra mua đất nông nghiệp của bà con được...”.

(Còn tiếp)

Kỳ tới: Người dân nói gì về chiêu bài “cúng đất vào chùa”?

NHÓM PV TS-XH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI