Không nên lấy chồng hiền

20/11/2018 - 09:00

PNO - Sau chục năm hôn nhân, anh vẫn vậy: nhẹ nhàng với vợ, yêu thương con, lương đưa hết cho vợ… và chấm hết. Mọi thứ khác đổ dồn cho tôi.

Tuổi thanh xuân, tôi bao lần dệt mộng về một “ngôi nhà và những đứa trẻ”. Trong đó, tôi mơ một người đàn ông không cần đẹp trai, không cần địa vị, không cần quá nhiều tiền; chỉ cần hiền lành, tử tế. Tôi đã toại nguyện khi lên xe bông ở tuổi “băm mấy nhát” - có ông chồng hiền, công việc ổn định, gia đình nền nếp, trí thức, thậm chí còn được “khuyến mãi” thêm là chồng đẹp trai. Ai cũng khen tôi có phước. Tôi thì nghĩ mình ăn ở tốt nên mới gặp anh. Thế nhưng, sau chín năm chung sống, có hai cô con gái tám và bảy tuổi thì bài học đầu tiên tôi muốn dạy con là: không nên lấy chồng hiền.

Khong nen lay chong hien
Ảnh minh họa

Anh là anh chồng cô bạn thân của tôi. Bạn có những bốn ông anh chồng và hầu như không ưa hết thảy. Lần nào gặp nhau, bạn cũng ca thán về các ông anh chồng “trời đánh”. Người thì gia trưởng, người thì ki-bo, người thì lăng nhăng. Chỉ có người anh chồng tên Tân là được bạn khen: ảnh hiền lắm, quan tâm mọi người và tính tình rất rộng rãi… Từ bao giờ chẳng rõ, tôi đã thuộc lòng tính cách, ưu khuyết điểm, sở thích của anh qua lời kể của bạn. Trong đó, có một chi tiết khiến tôi mủi lòng và có cảm giác “tội tội” anh: bà nội anh, trong một lần họp gia đình, đã dặn cả nhà: “Thằng Tân hiền quá, nhát gái quá, gần 40 tuổi mà chưa biết yêu. Tụi con quen biết rộng, lại mau mồm lẹ miệng, nên kiếm vợ giùm nó”.

Một lần nữa, vợ chồng bạn lại “gả bán” anh cho tôi. Thấy anh hiền lành, đàng hoàng và “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” sau nhiều mối tình gãy gánh nên tôi đồng ý. Hôm đó, chúng tôi gặp nhau trong một quán ăn xinh đẹp kiểu Pháp. Tôi đã tưởng tượng đến buổi hẹn hò lãng mạn, nhưng sau khi anh nói câu “chào em” thì chỉ ngồi im lặng và cười. Thậm chí, anh ngại không dám gắp thức ăn, tôi phải gắp cho anh, rồi liên tục giục “anh ăn đi”. Chỉ đến lúc thanh toán tiền, anh mới chịu mở miệng và kiên quyết giành trả. Những buổi hẹn sau đó cũng vậy. Tôi nghĩ, tuy giao tiếp vụng về, nhưng anh chân thành và rất quan tâm đến tôi: đi chơi ở đâu, ăn quán nào, chọn món gì, xem phim nào… anh đều nhường tôi quyết định.

Rồi chúng tôi cưới, sau gần một năm yêu nhau. Tôi ngập tràn hạnh phúc và tự hào vì ai cũng khen “chồng chiều vợ quá”. Nửa đêm, tôi thèm ăn bất tử, anh cũng chạy đi mua. Tôi nghĩ mình may mắn và hạnh phúc nhất thế gian. Rồi tôi sinh hai con. Anh vẫn chiều chuộng, không từ chối bất cứ yêu cầu nào của tôi. Nhưng đến đây thì tôi vỡ lẽ: anh nhường tôi trong mọi quyết định, không bao giờ từ chối các yêu cầu của tôi vì anh sợ chịu trách nhiệm.

Đặt tên con là gì, con uống sữa gì, chích ngừa ở đâu, học trường nào… đều do tôi quyết. Lâu dần, trong tôi hình thành quán tính: tự quyết định mọi việc, bởi có hỏi, anh cũng sẽ “tùy em”. Công việc của tôi khó khăn, phân vân chuyện nhảy việc, tôi cũng không thể tâm sự với anh.  Chúng tôi chọn mua nhà, anh cũng bảo “tùy em”. Tôi chọn ngôi nhà phố ở gần trung tâm và phải đi vay tiền, anh bảo “tùy em”. Và sau đó, mỗi lần đến tháng đóng lãi, gốc tiến nhà, một mình tôi sấp ngửa chạy vạy. Anh vẫn thong thả sáng đi làm, chiều về chơi với con. Anh không hề có khái niệm lo lắng. Những khi con ốm đau, thiếu tiền, tôi cũng âm thầm mượn bạn bè, vì biết anh không có và cũng sẽ không chịu nghĩ cách để xoay.

Khong nen lay chong hien
Ảnh minh họa

Thậm chí, quen anh một thời gian tôi mới biết công ty nơi anh làm đã nợ lương nhân viên chín tháng, thiếu anh hơn 100 triệu đồng. Anh chẳng những không đòi mà vẫn cúc cung làm việc. Trong khi những nhân viên khác được nhận 50-70% lương để sinh sống, còn anh lấy tiền tiết kiệm ra sống. Đến khi tôi sinh con, nhắc anh quay lại công ty cũ đòi nợ, vì nghe nói họ mới thanh lý nhà xưởng. Anh nói “người ta khổ muốn chết mà đòi gì”. Ở công ty hiện tại, vì anh hiền quá, nên một số người thì thương, còn một số thì chèn ép, bắt anh kiêm thêm nhiều việc. Tôi khuyên: “Anh nên từ chối những gì ngoài trách nhiệm”, anh xua tay: “Kệ, anh rành mấy việc đó thì giúp người ta thêm”, dù anh phải bỏ giấc ngủ trưa, trễ giờ ăn và về nhà muộn.

Sống với anh nhiều năm, tôi thấy mình giống một người mẹ hơn là một người vợ. Tôi không có quyền được nghỉ ngơi, không có quyền bệnh, lúc nào cũng phải lao về phía trước, dù đó là giông bão. Nếu tôi nghỉ ngơi, tôi bệnh, ai sẽ cày để trả tiền ngân hàng, lo chi tiêu, đóng học phí cho con… Những khi tôi mệt mỏi, muốn tựa vào anh để tâm sự, sẻ chia; nhưng anh vốn kiệm lời, cũng chẳng tâm lý, nên thà tôi dựa vào cái ghế cho xong. Sau chục năm hôn nhân, anh vẫn vậy: nhẹ nhàng với vợ, yêu thương con, lương đưa hết cho vợ… và chấm hết. Mọi thứ khác đổ dồn cho tôi.

Nói thật, đã nhiều lần, tôi thèm được chồng phản bác, thậm chí tranh luận, cãi nhau… để tôi thấy mình không phải đơn độc và gánh quá nhiều trách nhiệm thế này. Tôi sẽ dạy con: trong hôn nhân, gia đình, chồng hiền hay dữ không quan trọng, mà quan trọng là người hiểu chuyện, biết điều. 

Song Khánh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI