Học làm người Việt

06/02/2017 - 11:27

PNO - Khi còn là một cô bé, Kiều Linh không biết tiếng Việt, hai từ “Việt Nam” chỉ đơn giản là một địa danh xa lạ.

“Tôi được nhìn mặt bố lần đầu năm lên ba tuổi, và gặp mẹ lúc năm tuổi. Ngày gặp mẹ cũng là ngày bà bế tôi trong tay đưa ra sân bay để sang Mỹ. Tôi thích cái tên Việt Nam của mình: Kiều Linh. Khi có người hỏi tôi là ai? Tôi là người Mỹ nhưng bên trong con người tôi là 100% nước mắm của Việt Nam”

20 năm đi tìm căn cước Việt trong huyết quản

Giáo sư Kiều Linh Caroline Valverde, một người con lai dùng 20 năm thanh xuân để nghiên cứu, đóng góp cho cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Kiều Linh trẻ hơn tuổi thật 48, mang nét đẹp pha trộn đặc trưng những đường nét sắc sảo Âu Mỹ trên gương mặt tròn đầy đặn của người Á Đông.

Hoc lam nguoi Viet
 

Kiều Linh nói về nguồn gốc của mình: “Ở thế hệ của tôi, vào thời điểm lịch sử đó đúng lý ra tôi phải là con lai Mỹ. Rất nhiều người nghĩ như vậy. Nhưng tôi là một trường hợp lai đặc biệt, có bố là người lai Việt - Anh; mẹ lai Pháp - Tây Ban Nha và Việt. Tôi không có một tí máu Mỹ nào chảy trong người nhưng tôi lại sống ở Mỹ từ nhỏ và mang quốc tịch Mỹ. Bỏ qua yếu tố nhân chủng học, tôi vẫn nói với mọi người tôi là 100% nước mắm. Ngay lúc bắt đầu, tôi có một cái tên rặt Pháp do ông ngoại đặt. Khi qua Mỹ, mọi người phát âm Caroline, tôi nghe ra thành Kiều Linh, rồi tôi tự xưng là Kiều Linh và đăng ký cái tên Việt vào giấy tờ”.

Khi còn là một cô bé, Kiều Linh không biết tiếng Việt, hai từ “Việt Nam” chỉ đơn giản là một địa danh xa lạ. Đơn giản vì lúc ra đi cô bé ấy chỉ mới 5 tuổi, không đủ ghi nhớ nơi mình sinh ra thành ký ức. Sang Mỹ, gia đình cũng không cho nói tiếng Việt. “Họ lo ngại tôi học nói tiếng Việt sẽ chậm giỏi tiếng Mỹ nên cấm tôi dùng tiếng Việt.

Vào đại học, tôi nhận ra mình được quyền xác định mình là ai. Đương nhiên là Mỹ rồi, tôi lớn lên và mang quốc tịch Mỹ mà. Nhưng tôi thấy mình khác những bạn học xung quanh, phải trải qua những tự xét chân thật và nhìn lại cuộc đời mình qua những tấm ảnh đã hoen màu, tôi nhận ra rằng mình là người Việt. Tôi tha thiết muốn tìm hiểu về gốc gác của mình”. Nhưng phải đến năm 25 tuổi, cô gái trẻ lần đầu tiên mới được đặt chân lên đất mẹ…

Ngay khi quan hệ Mỹ - Việt bình thường trở lại, được phép trao đổi chuyên gia, Kiều Linh lập tức ghi danh trở thành  lứa nghiên cứu sinh đầu tiên của Mỹ sang VN. “Khi đặt chân xuống Hà Nội, lý trí cho tôi biết đây là nơi xa lạ lần đầu tiên mình tới, nhưng lại có cảm giác gắn bó vô hình” - Kiều Linh nhớ lại. Từng góc phố, vỉa hè quanh phố cổ như thì thầm gọi đứa con xa xứ trở về.

Thời gian đó, cô lao vào  học tiếng Việt và ngấu nghiến tận hưởng từng hơi thở của nếp sống Việt. “Tôi muốn sống như một người Việt thực thụ, tất cả vốn liếng tiếng Việt mà tôi đang trò chuyện với bạn chủ yếu tích lũy trong thời gian đó. Tôi tu nghiệp một năm xong, bắt buộc phải quay trở về Mỹ để tiếp tục đề tài nghiên cứu, rồi lại quay lại, những chuyến đi về cứ dày lên trong những năm tiếp theo”, cô hạnh phúc nhớ lại khoảng thời gian đầu về nước.

“Tại Mỹ, người ta hay kỳ thị về người lai và dân nhập cư. Họ nghĩ những người như chúng tôi không có điều kiện học lên cao hoặc vào trường tốt. Vì thế, tôi quyết tâm học để vào một trong những ngôi trường đại học danh tiếng nhất nước Mỹ. Tôi “leo” tiếp lên nghiên cứu sinh tiến sĩ khiến nhiều bạn Mỹ ngỡ ngàng và sau đó trở thành giáo sư giảng dạy lại cho rất nhiều sinh viên, trong đó có cả người Mỹ. Tôi muốn khẳng định với họ rằng người nhập cư, người Việt lai cũng có quyền giỏi”. Cô gái trẻ mang trong mình quyết tâm trở thành một tiến sĩ về nhân chủng học nghiên cứu về người Việt. Rồi cô chọn cho mình đề tài “Quan hệ giữa cộng đồng người Việt hải ngoại và trong nước”- một hướng nghiên cứu quá hẹp.

Giáo sư hướng dẫn chỉ nghe tên đã lắc đầu nguầy nguậy. “Tôi chọn đi một con đường mạo hiểm, gian nan. Trong giới học thuật lúc đó, đề tài này là mới toanh, lãnh địa nhạy cảm này chưa ai dám khai phá. Những năm 91-92, tôi khi đó chỉ là một cô gái ngoài 20, đầy nhiệt huyết nhưng cũng rất dễ dao động. Mọi thứ trở nên khó khăn khi phải xây dựng từ con số... âm vì tôi không chắc mình sẽ có cơ hội được qua VN tìm dữ liệu. Lúc bắt tay vào nghiên cứu, có lúc tôi bỗng thấy sợ, sợ đề tài của mình bí lối ra, nhưng lớn hơn là sợ mình không trả được “món nợ” với chính nguồn gốc bản thân”.

Và cô gái ấy kiên nhẫn dành 20 năm tuổi trẻ để… trả nợ. Suốt 20 năm, bỏ lại chuyện yêu đương và thú vui tuổi trẻ, cô đi về giữa Mỹ và VN cốt chỉ để ghi chép những biến đổi trong cộng đồng người Việt. Triền miên vô số ngày đạp con ngựa sắt cũ rong ruổi khắp các con hẻm, ngõ ngách Hà Nội để thấu hiểu thế nào là người Hà Nội thanh lịch. Cô ấy chấp nhận mất một năm để tìm nhân vật, mất thêm vài năm đủ để tin tưởng trao cho nhau những câu chuyện về thời cuộc… Mỗi lần tích lũy thêm một dữ liệu quý cho đề tài cũng là lúc cô gái ấy phát hiện mình lại có thêm một nếp nhăn bầu bạn.

Cứ như thế, cô gái ấy tốn hết 20 năm chỉ để viết một quyển sách.Thầm nghĩ, không mấy ai chịu đánh đổi tuổi xuân làm một việc “điên” như thế. Năm 2012, cuốn sách ra đời, có tên , tạm dịch là , thuộc loại sách nghiên cứu về đời sống của người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ.

Cuốn sách như một bách khoa thư ghi chép đầy đủ về cuộc sống của cộng đồng người Việt trên thế giới. Ở đó, người đọc bắt gặp một tình yêu mãnh liệt với văn hóa và đời sống Việt. Quyển sách này đã khơi mào cho quyết định tìm về quê cội của nhiều người Việt tha hương còn đang lưỡng lự.

Gia đình “hợp chủng quốc” học làm người Việt

Nếu tính toán, chuyến dấn thân học làm người Việt của Kiều Linh Caroline Valverde thật đắt, đi một mạch mất 20 năm. Trong những ngày trở về đó, cô đã kịp bỏ qua phần tuổi trẻ rực rỡ nhất, cũng quên luôn nhiệm vụ tìm một người song hành. Khi tất cả gia đình, bạn bè và chính bản thân chính thức bỏ cuộc, thừa nhận duyên phận nó thế, thì cô lại làm mọi người giật mình: lấy chồng, xin con nuôi, đẻ con ruột.

“Mọi thứ đều đến rất tình cờ. Mình 40 tuổi, mê học, cứng đầu nên không còn nghĩ đến chuyện lập gia đình nữa. Tự dưng quen được ông xã rồi cưới, ông xã cũng là một trường hợp đặc biệt lai giữa người Pháp với người thiểu số Mỹ và người da màu gốc Phi. Cơ duyên đưa mình đến với một cậu con trai nuôi người da màu và sinh thêm một cô công chúa. Chưa đầy ba năm, bạn bè gặp lại đều giật mình khi thấy một gia đình không khác nào hợp chủng quốc”, Kiều Linh hài hước chia sẻ.

Cô kể về những sở thích lạ đời của gia đình đa chủng tộc này: “Món tôi mê nhất là mắm và tập cho chồng con ăn mắm. Người ngoại quốc, nhất là ở xứ lạnh, không nhiều người có thể ngửi được mùi mắm nhưng cả gia đình tôi có thể ăn mắm, từ nước mắm cho đến mắm tôm. Tôi rất thích và biết nấu các món VN cho cả nhà cùng ăn. Các con tôi cực thích phở, canh chua, cá chiên, bò kho… do chính tôi nấu. Chồng là nhà soạn nhạc nên rất nhạy với ngôn ngữ, mừng là anh ấy yêu tiếng Việt và rất thích phong tục VN. Anh ấy chẳng có gốc gác gì của người Việt nhưng anh ấy ăn mắm rất tự nhiên, mặc áo dài rất đẹp. Hai đứa con mình tự nhận là người Việt, hát thạo nhiều bài hát thiếu nhi VN. Mỗi năm cứ sắp đến tết là các con lại đòi mặc áo dài mới, chụp hình, chúc tết để xin lì xì”.

Cô pha trò bằng cái giọng lơ lớ đặc trưng: “Lương giáo sư thấp lắm nên năm nào mình cũng cố gắng tìm một người thật giàu đến xông đất”.

Không chỉ tự nguyện “Việt hóa”, giáo sư Kiều Linh còn “lôi kéo” cả gia đình cùng học làm người Việt thực thụ. Cô đang ủ mưu kéo cả gia đình về VN nhiều tháng để các con thực sự có trải nghiệm được lớn lên ở VN. Dự định này bất ngờ được ông xã và các con ủng hộ hết mình. Họ còn vẽ ra kế hoạch về những buổi chiều thanh bình, trên bãi biển Mỹ Khê lộng gió, cả nhà bốn người cùng nhau thả diều, ngắm hoàng hôn, ăn những món lề đường đặc sản…

Nhà báo Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI