Từ số báo này, Phụ nữ Chủ nhật sẽ mở chuyên mục Tư vấn tài chính để các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, địa ốc, bán lẻ… chia sẻ kinh nghiệm để bạn có thể sử dụng số vốn của mình sao cho hiệu quả. Bạn có thể gửi câu hỏi hoặc chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân cho chuyên mục thông qua địa chỉ email:
tuvantaichinh@baophunu.org.vn |
Thích làm đẹp và vượt qua rào cản tâm lý
Đó là tiêu chí đầu tiên khi bạn xác định đến với nghề nail.
Bạn phải là người thích làm đẹp, thuộc típ phụ nữ quan tâm đến việc làm đẹp, chăm sóc sắc đẹp cho bản thân và mọi người.
Chuẩn bị tâm thế sẵn sàng chịu khó, dấn thân, vượt qua mọi áp lực vì mọi chuyện ban đầu không hề dễ dàng như mình nhìn thấy người khác làm. Đặc biệt là áp lực từ gia đình và định kiến xã hội nhìn nhận nail như nghề “đạp mặt”, vị trí không cao và chỉ chiếm thị phần nhỏ trong các ngành làm đẹp như: làm tóc, make up, thời trang…
Thường cha mẹ, gia đình ít ủng hộ nghề này và bạn phải chuẩn bị tâm thế để chia sẻ, thuyết phục họ - là nguồn “tiếp sức” cho mình. Phải coi việc chăm sóc móng là nghề yêu thích của mình; xác định tư tưởng, chuẩn bị và chọn tâm thế mình phải sống với nghề.
Được đào tạo bài bản
Bạn phải tìm được nơi và người trau dồi, truyền nghề cho mình. Phần lớn người trong giới vẫn còn theo kiểu “nghề chỉ nghề”, nhưng đây là cách dạy nghề theo kiểu xưa, không chuyên nghiệp và làm mất thời gian của người học.
Hiện có một số trung tâm đào tạo đã xây dựng được môi trường học nghề bài bản, chuyên nghiệp, tôn vinh giá trị của người học nghề. Lớp học kết hợp lý thuyết và thực hành. Sau khóa học có môi trường cho các bạn trải nghiệm thực tế, nâng cao kiến thức, kỹ năng vững vàng để khởi nghiệp.
Hành nghề rất đơn giản
Đối với nghề nail, học cắt da, đắp móng, vẽ xong là bạn đã có thể khởi nghiệp chứ không nhất thiết phải có một cơ sở bài bản.
Nhu cầu làm móng rất cao ở cả phụ nữ và nam giới. Đầu tiên là giữ gìn, làm sạch móng; kế đến là sơn, vẽ, làm đẹp móng.
Trước tiên bạn nên chăm sóc móng, làm đẹp móng cho người thân, bạn bè, trau dồi tay nghề rồi mới bắt đầu nhận khách làm.
Với lựa chọn làm nghề nail tự do theo lịch hẹn của khách, bạn sẽ chủ động thời gian và tự chủ kinh tế khi bạn có tay nghề được khách đánh giá cao. Có những bạn có thể làm từ 8 - 10 khách/ngày. Trung bình một bộ móng sau hai tuần sẽ làm mới, có sự xoay vòng làm lại nên có khách thường xuyên. Phụ nữ có con nhỏ có thể chọn nghề nail, vừa kiếm được tiền, vừa có thể chăm sóc con.
Làm nail tự do có lợi là bạn không cần vốn nhiều, chỉ cần một hộp đồ nghề. Ban đầu bạn có thể làm chưa chỉn chu, nhưng khi phục vụ tận nơi khách có thể du di bỏ qua.
Muốn mở tiệm, bạn phải định hình đối tượng khách phục vụ để chọn vị trí, quy mô tiệm. Nhắm đến khách Việt hay khách Tây, khách sang hay khách bình dân… Từ đó chọn mở tiệm ở tuyến đường lớn hay trong chợ.
Có tiệm đầu tư cả tỷ đồng, phục vụ khách nhân viên văn phòng có thu nhập cao, khách sành điệu biết cảm nhận vẻ đẹp nail, họ sẵn sàng chi 500.000 – 1 triệu đồng/bộ móng.
Cần vốn bao nhiêu?
Học nghề nail bài bản trong ba tháng liên tục là có thể hành nghề, học phí khoảng từ 17 - 18 triệu đồng/khóa. Bạn sẽ được đào tạo 11 kỹ năng nail chuyên nghiệp như: cắt da, chà gót, đắp móng bột, đắp móng gel, vẽ cọ nét, vẽ cọ bản, vẽ cọ nổi 3D…
Để hành nghề nail, bạn nên chọn quy mô vừa sức mình, tùy vào điều kiện tài chính. Làm nghề tự do bạn chỉ cần một hộp đồ nghề gồm: máy hơ gel, máy mài bột - là hai máy đắt tiền nhất trong bộ nghề, tổng khoảng 5 triệu đồng. Nước sơn, cọ, màu vẽ… khoảng vài chục ngàn đồng/món. Bạn chỉ cần chọn những màu khách thích, không cần mua đầy đủ như khi mở tiệm.
Nhiều bạn ngại khó với mô hình tự do này, có khi khách hẹn rồi hoãn, đổi giờ mình thất thu, khó chịu. Bạn phải chuẩn bị sẵn tâm lý chịu khó để gầy dựng nguồn khách thân thiết.
Bên cạnh đó, nhiều người nghĩ rằng hình thức làm móng dạo không đảm bảo vệ sinh, an toàn. Nhưng bây giờ đã khác, để có được niềm tin của khách, khách gắn bó lâu dài thì bạn phải chú trọng vào chất lượng nguyên phụ liệu, đắp móng chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế (không gãy, không hư, không thúi móng…).
Mô hình khởi nghiệp thứ hai: học xong, có chứng chỉ sơ cấp nghề, có giấy phép kinh doanh. Nếu bạn có sẵn mặt bằng, chỉ cần chuẩn bị bộ đồ nghề; trang thiết bị đèn, ghế, tủ… chi phí khoảng 20 - 30 triệu đồng. Đối tượng khách chủ yếu là làm sạch móng, sơn thường, vẽ đơn giản. Giá một bộ tay, chân tầm 100.000 đồng.
Nếu tiệm bài bản, có hệ thống bồn ngâm chân, xả nước nóng lạnh cho khách, phòng máy lạnh, không gian rộng rãi, đẹp mắt… thì chi phí tầm 200 - 300 triệu đồng. Quy mô này phải có ít nhất 5 - 6 ghế, phải quản lý đội ngũ nhân viên; nguyên phụ liệu được bài trí phong phú để khách có nhiều chọn lựa hơn. Giá một bộ móng vẽ, sơn gel có thể lên tới 1 triệu đồng.
Cách chọn nguyên phụ liệu chất lượng
Khi học nghề, bạn sẽ biết phân biệt sản phẩm tốt, sản phẩm gây hại cho móng (làm vàng, gẫy móng…). Nên chọn sản phẩm đảm bảo tính thẩm mỹ, màu sắc đẹp và phải quan tâm khi xả màu, móng không bị hư, vàng, gãy; không có mùi hôi… để không gây khó chịu cho khách.
Thị trường hiện có sản phẩm sơn móng của nhà sản xuất Việt Nam dành cho người Việt, giá 1 chai nước sơn khoảng 49.000 - 59.000 đồng, rẻ hơn nước sơn ngoại có giá khoảng 250.000 đồng/chai.
Màu sắc nước sơn phải thời trang, có công thức tăng dưỡng chất bên trong, không gây tổn hại bề mặt móng. Lựa chọn nhà sản xuất uy tín; ưu tiên sức khỏe người dùng; kỹ thuật, chất lượng đáp ứng nhu cầu, sở thích của khách.
Tiêu chuẩn khi chọn nguyên phụ liệu: cọ phải được thiết kế theo bản dẹp, chùm lông cọng dẹp, khi sơn một lần sẽ bao hết móng, sơn nhanh, hiệu quả hơn.
“Chiêu” chăm sóc, giữ chân khách
Nhiều khách cẩn thận không muốn xài kềm chung, tiệm lớn nên có chế độ giữ kềm cho khách; hoặc khách mới thì hỏi khách xài kềm chung hay mua kềm mới, ghi tên khách, mài kềm giúp khách… để dùng làm móng riêng cho khách.
Nếu khách xài kềm của tiệm thì tiệm khử trùng kềm công khai cho khách thấy để khách an tâm; hay dùng kềm của khách cũng nên sát trùng kềm trước khi làm móng.
Có thể bán thêm kềm, mài dũa, nước sơn phục vụ khách có nhu cầu; ưu đãi giảm giá cho khách thân thiết. Làm đẹp phải thư giãn, thêm dịch vụ tẩy tế bào chết, chà gót chân, mát-xa tay chân giúp khách thư giãn.
Thường xuyên cập nhật xu hướng mới, hình ảnh thời trang nail trên mạng để phục vụ khách trẻ, năng động… Khách thường nói màu mình thích trước, bạn tư vấn thêm cho khách mẫu mail, màu… tùy vào độ tuổi của khách và phù hợp nơi khách đến,
làm việc.
Xu hướng nghệ thuật nail hiện nay là 5 ngón vẽ 5 màu, hình ảnh khác nhau, mẫu vẽ, đính đá theo mùa…
Để nhiều khách biết, bạn nên tận dụng công nghệ, sử dụng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu về cửa tiệm của mình với những điểm mạnh, tạo ấn tượng cho khách.
Nguyễn Cẩm