Sức sống của Hội lan tỏa đến từng khu phố

12/10/2018 - 18:00

PNO - Hàng trăm ngàn ý kiến, ý tưởng sáng tạo, cách làm hay đã phát sinh từ sự chủ động của các dì, chị tại cơ sở, góp phần làm cho phong trào phụ nữ và hoạt động hội của TP.HCM có bước phát triển tích cực.

Ngày 30/8, Hội LHPN TP.HCM tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện mô hình Chi hội chủ động công tác (2008-2018). Theo đánh giá của Hội LHPN TP.HCM, mô hình này đã tạo những chuyển biến tích cực cho hoạt động hội tại cơ sở, từng bước phát huy vai trò chủ động của chi hội, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ hội, chất lượng hội viên, xây dựng được lực lượng nòng cốt tích cực tham gia hoạt động hội và các phong trào tại địa phương.

Suc song cua Hoi lan toa den tung khu pho
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - trao bằng khen cho các Chi hội chủ động công tác xuất sắc giai đoạn (2008 - 2018)

1. Tại khu phố 3, P.1, Q.6, hỏi Câu lạc bộ (CLB) Kết cườm, đan len, hầu như ai cũng biết.  Năm 2015, chị Võ Thị Mỹ An - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 3 - được giới thiệu học khóa kết cườm do Hội LHPN TP.HCM tổ chức. Sau khi học xong, chị tham mưu cho Hội LHPN P.1 thành lập CLB do chị làm chủ nhiệm và hướng dẫn các chị em hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn học nghề kết cườm, đan len miễn phí ở CLB để nhận hàng về gia công, tăng thêm thu nhập. 

Đến nay, CLB có trên 40 thành viên sinh hoạt và hiện tại, có 25 thành viên nhận hàng về gia công với thu nhập 2 - 4 triệu đồng/người/tháng, còn lại tự làm sản phẩm cho gia đình mình. "Mong mỏi của tôi cũng như các chị em trong CLB là sẽ được các doanh nghiệp lớn đặt hàng gia công để có thu nhập ổn định và ngày càng có thêm nhiều chị em khác tham gia CLB để kiếm thêm thu nhập trong những lúc rảnh rỗi" - chị Mỹ An nói. 

2. Xóm Miễu (khu phố 2, P.4, Q.6, TP.HCM) có nhiều hẻm cụt, hẻm ngắn nên tình trạng cờ bạc, trộm cắp diễn ra thường xuyên, trong khi người dân phải lo mưu sinh, thường xuyên vắng nhà. Trước tình hình đó, tháng 10/2017, Chi hội Phụ nữ khu phố 2 đã bàn với ban điều hành khu phố xây dựng mô hình "Tiếng chuông báo trộm". Theo đó, người dân trong khu phố đăng ký số điện thoại cá nhân, chi hội phụ nữ tổng hợp danh sách, in ra, phát cho mỗi người dân một bản. Khi phát hiện có đối tượng nghi vấn, người lạ lảng vảng xung quanh nhà nào, người dân sẽ nhắn tin, gọi điện cho chủ nhà biết, hoặc báo cho cơ quan chức năng xử lý.  

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Chủ tịch Hội LHPN P.4, Q.6 - cho biết, mỗi tháng, chi hội và gia chủ nhận được hơn 10 tin báo; bên cạnh tin về phòng chống trộm, còn có tin báo việc trẻ em, người già bị ốm đau đột xuất. "Từ tiếng chuông báo trộm, người dân trong khu phố quan tâm đến nhau hơn, từ đó thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này cho 13 phường còn lại" - bà Lương Thanh Trúc, Chủ tịch Hội LHPN Q.6, nói. 

Suc song cua Hoi lan toa den tung khu pho
Mô hình câu lạc bộ kết cườm, đan len của Chi hội Phụ nữ khu phố 3, P.1, Q.6 đã giúp cho nhiều chị em có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

3. Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện mô hình Chi hội chủ động công tác, Hội LHPN TP.HCM đã biểu dương những thành tích đạt được, nhưng cũng chỉ ra các điểm “chưa được” của mô hình này: hiệu quả thực hiện giữa các chi hội chưa đồng đều; nhân sự một số chi hội thay đổi nên việc triển khai bị gián đoạn, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động; chưa có chế độ chính sách thỏa đáng cho đội ngũ cán bộ chi, tổ hội; một vài cơ sở hội chưa tuân thủ quy trình hướng dẫn của Hội LHPN TP.HCM nên kết quả triển khai chưa cao, còn mang tính hình thức. 

Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - đánh giá, trong 10 năm qua, hàng trăm ngàn ý kiến, ý tưởng sáng tạo, cách làm hay đã phát sinh từ sự chủ động của các dì, chị tại cơ sở, góp phần làm cho phong trào phụ nữ và hoạt động hội của TP.HCM có bước phát triển tích cực. 10 năm thực hiện mô hình, “cái được” không chỉ là ở những con số mà nằm ở tính chủ động, sáng tạo, vì lợi ích chung của cán bộ chi, tổ hội.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn cũng như để nâng chất hoạt động, thời gian tới, việc thực hiện mô hình này sẽ gắn với việc thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. 

Hoài An 

Tính đến cuối năm 2017, TP.HCM có 1.920 chi hội phụ nữ được công nhận là Chi hội chủ động công tác trên tổng số 2.071 chi hội đăng ký thực hiện mô hình này, đạt tỷ lệ 92,71%. 
Hội LHPN các quận, huyện đã hỗ trợ các chi hội tổ chức các hoạt động phù hợp với nhu cầu, tâm tư, tình cảm của hội viên, phụ nữ qua các mô hình như "3 biết, 2 tương trợ" (Q.3), “Tiếng chuông báo trộm” (Q.6), “Nữ chủ nhà trọ gắn camera an ninh” (Q.Tân Bình), “Tổ tự quản trên kênh rạch” (Q.7), “Tiếng kẻng khu phố tôi” (Q.Bình Thạnh); “Tổ ngành nghề may trang phục phụ nữ Chăm" (Q.Phú Nhuận)...
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI